Tham dự hội nghị có Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đã báo cáo nội dung chính của Đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và Bình Định. Theo đó, đề án đã được hoàn thiện và gửi cho Ban Thường vụ 2 tỉnh xem xét. Đề án gồm 4 phần, với 34 trang.
"Theo chủ trương của Trung ương, Bình Định và Gia Lai sẽ sáp nhập nguyên trạng, lấy tên tỉnh mới là Gia Lai. Trụ sở Trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh mới đặt tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) hiện nay. Diện tích tự nhiên của tỉnh Gia Lai mới rộng 21.576,53km², với hơn 3,58 triệu dân; dự kiến có 135 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 110 xã và 25 phường)", ông Phạm Anh Tuấn báo cáo.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, sau khi được Trung ương giao nhiệm vụ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã phối hợp chặt chẽ với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai xây dựng đề án.
Ngày 4.4 vừa qua, tại Gia Lai, hai bên đã có cuộc làm việc đầu tiên bàn về việc "về chung nhà". Và hôm nay, tại Bình Định, 2 tỉnh lần nữa ngồi lại để cho ý kiến các nội dung quan trọng, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương để trình Quốc hội.
Cho ý kiến tại hội nghị, ông Hồ Văn Niên - Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai - cho biết, đề án đã nhận được sự thống nhất cao giữa Ban Thường vụ 2 tỉnh. HĐND tỉnh Gia Lai cũng đã ban hành Nghị quyết thống nhất chủ trương sáp nhập.
Sau khi nghe báo cáo, Ban Thường vụ 2 tỉnh đã thống nhất thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định; nguyên tắc sắp xếp tổ chức bộ máy và phân công cán bộ, để thực hiện hợp nhất 2 tỉnh; dự thảo quyết định thành lập Ban Chỉ đạo hợp nhất 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định và thành lập các Tiểu ban phục vụ đại hội Tỉnh Đảng bộ Gia Lai mới.
Trên cơ sở kết quả này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng 2 địa phương phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định gửi trình Trung ương trước ngày 1.5.
THÔNG TIN NGUỒN TIN