Tại Hội nghị, bà Hồ Thị Kim Thu – Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc tỉnh Bình Định cho biết, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định đã chuyển tới hội nghị tổng hợp 11 vấn đề cử tri và Nhân dân trong tỉnh quan tâm, phản ánh với Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.
Cụ thể, cử tri phản ánh, theo quy định của Luật Đầu tư công về việc giải phóng mặt bằng đối với các dự án chỉ được triển khai sau khi dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư. Quy định này có thể ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân khi chưa có sẵn mặt bằng sạch. Cử tri đề nghị Quốc hội bổ sung, sửa đổi quy định đối với một số loại công trình, dự án đã được xác định rõ diện tích thu hồi thì cho tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập như dự án nhóm A quy định tại Điều 5 của Luật Đầu tư công, để thực hiện trước.
Ngoài ra, hiện nay việc giải ngân đối với gói tín dụng (120.000 tỷ đồng) về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư còn gặp nhiều khó khăn, vì thời hạn vay ưu đãi ngắn (đối với người mua nhà 5 năm, chủ đầu tư dự án 3 năm), lãi suất còn cao (chỉ thấp hơn từ 1,5 - 2%/năm so với lãi suất vay thông thường). Cử tri đề nghị Chính phủ nghiên cứu, hạ lãi suất, kéo dài thời hạn cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua và doanh nghiệp được tiếp cận.
Một vấn đề khác đó là hiện nay, các bệnh viện, trung tâm y tế đang gặp khó khăn trong thực hiện đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế và thuốc chữa bệnh theo Luật Đấu thầu và Nghị định 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể (về lựa chọn nhà thầu; mẫu hồ sơ lựa chọn; nguyên tắc, tiêu chí, tổng hợp nhu cầu để lập danh mục thuốc mua sắm tập trung, phân nhóm thiết bị y tế...) theo quy định tại khoản 2, Điều 135 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP của Chính phủ, để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân…
Thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, ông Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định khẳng định, sẽ tiếp thu và có văn bản hoàn thiện gửi tới Quốc hội, Chính phủ và bộ ngành Trung ương các kiến nghị của cử tri ngày hôm nay. Cùng với đó, các kiến nghị mà Mặt trận Tổ quốc tổng hợp cũng sẽ được gửi tới Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có liên quan.
Ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có trao đổi cụ thể về các kiến nghị của cử tri.
Đối với nội dung liên quan đến nâng mức giảm trừ gia cảnh, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, thuế thu nhập cá nhân điều tiết vào thu nhập của cá nhân.
Việc thực hiện chính sách thuế thu nhập cá nhân có vai trò rất quan trọng để triển khai chính sách phân phối lại, giúp cân bằng thu nhập giàu nghèo, đảm bảo công bằng xã hội.
Hiện, Bộ Tài chính đang tiến hành rà soát, đánh giá các luật thuế, trong đó có Luật thuế Thu nhập cá nhân và dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2025 và thông qua vào tháng 5/2026.
Đối với nội dung liên quan đến việc đầu thầu mua sắm trang thiết bị y tế và thuốc chữa bệnh, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/2/2024 quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu; trong đó phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 bao gồm khoản 7 Điều 23 về chỉ định thầu và tại điểm a khoản 2, Điều 135 về trách nhiệm thi hành quy định Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện việc lựa chọn nhà thầu, các biện pháp thi hành Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 và Nghị định này trong phạm vi quản lý của mình.
Bộ Tài chính đã rất chủ động phối hợp, hỗ trợ Bộ Y tế đối với các nội dung có liên quan tới lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính như bố trí ngân sách cho chương trình tiêm chủng mở rộng, giá dịch vụ khám chữa bệnh... Bộ Tài chính sẽ phản ánh tới Bộ Y tế nội dung kiến nghị này và phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong quá trình hướng dẫn đảm bảo phù hợp với thực tiễn và phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu.
Riêng đối với việc phòng chống lừa đảo qua mạng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, hiện nay lừa đảo diễn ra ở khắp nơi khiến những người nhẹ dạ cả tin dễ bị lừa tiền.
Do vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác, khi có hiện tượng lừa đảo phải báo ngay với cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn.
Trả lời vấn đề cử tri quan tâm đến giá vàng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, giá vàng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh. Thưc tế khi lượng tiền lớn trong dân bị hút vào việc mua vàng thì nguồn vốn tập trung vào sản xuất, kinh doanh sẽ bị khan hiếm, đẩy lãi suất lên cao, từ đó dẫn đến tình trạng buôn lậu vàng. Tình trạng buôn lậu vàng sẽ sử dụng đồng đô la, từ đó đồng đô la tăng lên... dẫn đến lạm phát và chảy máu ngoại tệ.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, ngành tài chính rất trăn trở và chỉ đạo quyết liệt trong vấn đề quản lý vàng.
Hiện nay, Chính phủ, Bộ Tài Chính và các ngành liên quan thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp quản lý thị trường và giá vàng. Cụ thể, đối với cửa hàng bán vàng phải xuất hóa đơn điện tử.
Bộ Tài Chính kiến nghị Ngân hàng Nhà nước về việc cho phép một người được mua bao nhiêu chỉ vàng và được sử dụng số tiền mặt nhất định, còn lại chuyển khoản để an toàn cho người mua, kiểm soát việc rửa tiền.
“Tập trung thanh tra các tổ chức sản xuất vàng miếng, xem thử có dùng vàng nhập lậu để sản xuất vàng trang sức hay vàng miếng ra thị trường hay không? Sau đó nghiên cứu các giải pháp như đưa vàng ra khỏi chính sách tiền tệ mà vàng xem như mặt hàng thương mại để ngang bằng với quốc tế theo cơ chế thị trường. Tăng cường vấn đề nhập khẩu vàng.
“Chúng tôi đang vận hành các giải pháp này phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đảm bảo giá vàng. Về việc quản lý vàng và giá vàng thì trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, nhưng với trách nhiệm của Bộ Tài chính chúng tôi sẽ phối hợp liên quan tới lĩnh vực thuế, lĩnh vực chống buôn lậu, kiềm chế giá vàng, đảm bảo giá vàng để nền kinh tế phát triển một cách bền vững”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 14.5.2024
Nguồn: CONGLY.VN