Năm 2023, UBND tỉnh Bình Định xây dựng phần mềm hệ thống thông tin phòng chống thiên tai. Phần mềm được xây dựng trên nền tảng trực tuyến, giao quyền cho chính quyền địa phương cấp xã, cấp huyện, các sở ngành rà soát, cập nhật định kỳ dữ liệu về thông tin phục vụ cho chỉ đạo điều hành, ứng phó.
Bình Định cũng đã tổ chức vận hành thử trên quy mô toàn tỉnh hệ thống thông tin phòng chống thiên tai, nhằm ứng phó với tình huống bão, lũ; tổ chức đào tạo tập huấn sử dụng phần mềm cho công chức phòng chống thiên tai cấp huyện, xã và các sở, ngành liên quan.
Đại diện Sở NN-PTNT Bình Định cho biết, sau 10 tháng triển khai, phần mềm quản lý thiên tai của tỉnh này đã cơ bản hoàn chỉnh các chức năng. Sau diễn tập trên địa bàn toàn tỉnh thành công, ngành chức năng Bình Định được cho phép đưa vào sử dụng trong công tác điều hành, ứng phó khi có thiên tai xảy ra. Đây là phần mềm đầu tiên và duy nhất về ứng phó trực tuyến thiên tai ở cấp tỉnh đến tận cấp xã.
Để có cơ sở xây dựng phần mềm quản lý thiên tai, Sở NN-PTNT Bình Định cùng các ngành chức năng liên quan, VNPT Bình Định và chính quyền các địa phương tổ chức khảo sát, điều tra dữ liệu về dân cư, nhà ở, công tác “4 tại chỗ” trong phạm vi toàn tỉnh.
Từ dữ liệu nền thu thập ở từng hộ dân, gắn với số lượng nhà ở và phân loại nhà ở, thực trạng của lực lượng ứng phó thiên tai như: phương tiện, vật tư, trang thiết bị, lương thực thực phẩm từng địa phương; địa điểm sơ tán tập trung của 159 xã, phường, thị trấn trên 11 huyện, thị xã, thành phố, ngành chức năng Bình Định đã xây dựng phương án ứng phó theo các cấp rủi ro thiên tai, hình thức điều hành trực tuyến.
Phần mềm quản lý thiên tai của Bình Định đã xây dựng cơ sở dữ liệu nền về ứng phó thiên tai, sơ tán chi tiết cho hơn 404.000 hộ dân với gần 1,5 triệu người cùng 1.961 điểm sơ tán tập trung với sức chứa hơn 466.000 người…
Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, khi có tình huống thiên tai, trên cơ sở dữ liệu điều tra này, ngành chức năng sẽ điều hành ứng phó thiên tai trực tuyến từ cấp tỉnh đến huyện, xã. Đồng thời, các số liệu có thể biến động sau thời điểm điều tra.
“Căn cứ các kịch bản được thiết lập, chính quyền cấp xã sẽ sơ tán dân khi có sự cố xảy ra theo số liệu trên phần mềm và báo cáo kết quả sơ tán theo thời gian thực, lãnh đạo các cấp có thể theo dõi công tác chuẩn bị, ứng phó khi có thiên tai diễn ra”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định chia sẻ.
Trước đây, mỗi khi có bão hoặc lũ lớn xảy ra, số liệu về công tác sơ tán dân, di dời dân hầu như chỉ được thực hiện theo cảm tính, nên hiệu quả mang lại không cao. Từ thực tế trên, Bình Định số hóa “4 tại chỗ” để thực hiện chính xác hơn. Lãnh đạo các cấp có thể theo dõi công tác chuẩn bị, ứng phó khi có thiên tai diễn ra. Tùy theo cấp độ, mức độ hoàn thành công việc, lãnh đạo 3 cấp của chính quyền đưa ra đánh giá tiến độ và kết quả thực hiện.
Theo ông Lê Xuân Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Định, trên cơ sở dữ liệu điều tra và căn cứ phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai, Sở NN-PTNT cùng VNPT Bình Định đã xây dựng được 7 phương án cho 2 loại hình bão và lũ.
Theo đó, 4 kịch bản bão và 3 kịch bản lũ được xây dựng với chức năng theo dõi trực tuyến công tác sơ tán dân theo thời gian thực. Thông qua phần mềm, lãnh đạo các cấp điều hành trực tuyến có thể điều động lực lượng ứng phó, điều động phương tiện, vật tư, trang thiết bị và xuất cấp lương thực, thực phẩm trong tình huống khẩn cấp, báo cáo thiệt hại do thiên tai. Theo dõi trực tuyến số lượng tàu cá ở vùng nguy hiểm, khả năng sắp xếp, neo đậu tàu cá ở các khu tránh trú bão, tình hình giao thông, hồ chứa và theo dõi tổng hợp các đề xuất hỗ trợ khẩn cấp của địa phương và các cơ quan.
“Khi có dự báo tình huống thiên tai, phần mềm được kích hoạt, tùy theo cấp độ nguy hiểm của thiên tai, hệ thống xác định rõ khu vực bị ảnh hưởng và có bao nhiêu hộ cần sơ tán; địa điểm sơ tán tập trung, kịch bản hậu cần chăm lo cho người dân sơ tán; lượng thức ăn, nước uống và số người tham gia hỗ trợ sơ tán… tất cả dữ liệu đều được đưa lên hệ thống phần mềm quản lý thiên tai này”, ông Lê Xuân Sơn cho hay.
Theo ông Trần Văn Phúc, trong năm 2024, tỉnh Bình Định thực hiện phương châm “4 tại chỗ” gắn với xây dựng cộng đồng an toàn, đồng thời thực hiện tiêu chí an toàn về phòng chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới; củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã.
Bình Định xác định trong phòng chống thiên tai, các đội xung kích là lực lượng nòng cốt, nên ngoài lực lượng chính quy, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định đã bổ sung, kiện toàn 11 đại đội dự bị động viên ở huyện; 159 trung đội dân quân cơ động ở xã.
Ngoài ra, trong năm 2023, các đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã được kiện toàn gồm 159 đội với 10.390 đội viên. Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã được cấp phương tiện, trang bị cứu hộ, cứu nạn; được tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng phòng chống thiên tai.
Theo kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2030 có 80% số hộ dân thuộc khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai có nhà ở an toàn; hoàn thành di dời ít nhất 70% các hộ dân sinh sống ở nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Với khu vực chưa thể di dời, được lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cảnh báo để kịp sơ tán, giảm thiểu rủi ro khi xảy ra thiên tai; 100% các khu vực ngầm tràn được giám sát và cảnh báo độ sâu nước ngập.
“Khi có tình huống thiên tai, dựa vào phần mềm quản lý thiên tai, ngành chức năng sẽ điều hành ứng phó trực tuyến từ cấp tỉnh đến huyện, xã. Phần mềm quản lý thiên tai là công cụ để chính quyền ra các quyết định chính xác hơn nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định. |
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 26.9.2024
Nguồn: NONGNGHIEP.VN