Có mặt ở Thuận Nghĩa trong cái nắng gay gắt của tháng 7, nhưng ngay khi chúng tôi đặt chân đến nơi, vùng đất này được bao quanh bởi không gian xanh mướt, mơn mởn của các loại rau (cải xanh, cải thìa, cà tím, hành lá, đậu cô ve...) nên cảm giác oi bức dần tan biến, thay vào đó là sự thư thái, dễ chịu.
Cả làng gắn kết cùng sản xuất rau đạt chuẩn VietGAP
Thuận Nghĩa có 470 hộ dân sinh sống, trong đó có trên 400 hộ tham gia sản xuất rau màu với tổng diện tích 38,5ha; có 224 hộ dân tham gia 9 nhóm cùng sở thích sản xuất rau an toàn VietGAP trên diện tích 19,05ha đã được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 công nhận với thương hiệu “Lá Lành” từ năm 2013.
Với hoạt động trồng rau hợp chuẩn VietGAP một cách bài bản, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thuận Nghĩa được xem như “bà đỡ” giúp mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân ở làng rau. Không những vậy, HTX còn góp phần tạo ra lợi thế lớn, đưa vùng quê nghèo trở thành điểm đến lý tưởng cho du lịch nông nghiệp, giúp nông dân có sinh kế bền vững.
Được chính quyền địa phương quan tâm triển khai nhiều hoạt động cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng, điện, đường..., HTX Thuận Nghĩa đã vận động bà con tham gia các lớp tập huấn, tạo mọi điều kiện tốt nhất để người dân sản xuất, mang lại lợi nhuận kinh tế ổn định.
Luôn chú trọng yếu tố “xanh, sạch và an toàn”
Với sự hỗ trợ từ Dự án rau an toàn Bình Định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, thời gian qua, HTX nông nghiệp Thuận Nghĩa đã chú trọng phát triển các giống rau mới như súp lơ, cải thìa, cải bó xôi, xà lách cuộn giòn, dưa leo chịu nhiệt..., từ đó, vừa giúp tăng năng suất, vừa góp phần làm đa dạng danh mục rau, quả.
Gần 10 năm canh tác rau theo tiêu chuẩn VietGAP, nông dân Thuận Nghĩa đã thuần thục và nhận thức tốt vấn đề an toàn thực phẩm, an toàn sản xuất, bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất rau. Nói chung, bà con tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất rau an toàn. Các nhóm trưởng đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối sản xuất.
Thuận Nghĩa đã xây dựng và duy trì thường xuyên mô hình phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và thành lập 4 đội thu gom, xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn để ủ phân bón bằng chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp tại làng rau.
Đang cuốc đất trên đồng, bên cạnh thửa rau cải xanh mướt, ông Nguyễn Văn Lanh cho biết, nhà ông có 3 sào đất (1.500m2) để trồng các loại cải, hành... theo chuẩn VietGAP. Đã nhiều năm nay, gia đình ông chỉ dùng phân bón hữu cơ, đạt hiệu quả hơn trước đây.
Bên cạnh đó, từ chiếc máy xới đất đầu tiên do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định đưa về để hỗ trợ HTX trồng rau, người trồng rau Thuận Nghĩa đến nay đã tự mua thêm 14 chiếc máy xới đất. Loại máy này nhỏ gọn nên dễ luồn lách để làm đất trên các mảnh vườn nhỏ, góc rẻo nơi mà máy cày cỡ lớn không thể vào được, đồng thời làm đất tơi xốp hơn, cây cỏ sẽ bị nghiền nát, bật gốc và băm nhỏ.
Phía bên kia đường, ông Nguyễn Điền (55 tuổi) đang tưới rau bằng vòi phun nước loại lỗ nhỏ. Ông chia sẻ, hầu hết bà con không dùng máy phun tưới tự động mà tưới bằng tay, tuy tốn nhiều công nhưng như thế sẽ phun tưới đều hơn. Nguồn nước tưới rau lấy từ sông Côn nên rau rất xanh tươi, giòn và ngọt.
Ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTX nông nghiệp Thuận Nghĩa cho biết, HTX hiện có nhà máy sơ chế rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP do Dự án rau an toàn Bình Định hỗ trợ xây dựng, gồm 1 máy ly tâm, hệ thống rửa rau sạch, 1 máy sục khí ozon và hệ thống kho lạnh. Mỗi ngày, nhà máy sơ chế từ 500-700kg rau với 4 công nhân trực tiếp vận hành. Mỗi năm, HTX cung ứng khoảng 70-80 tấn rau cho các siêu thị lớn nhỏ trong tỉnh và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.
Giàu tiềm năng du lịch nông nghiệp nông thôn
Thời gian qua, đã có nhiều đoàn học sinh, sinh viên tham quan, trải nghiệm tại làng rau Thuận Nghĩa. Các đoàn tham quan đã được giới thiệu, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, thực hành tại vườn rau. Khách tham quan cùng thu hoạch rau với nhà vườn và tham gia sơ chế rau, được nhận các loại rau quả đã thu hoạch sau khi kết thúc chương trình tham quan, trải nghiệm.
Bên cạnh đó, trong làng Thuận Nghĩa có 11 ngôi nhà cổ trên 100 năm tuổi của các dòng họ Quách, Nguyễn và Trần... mang đậm nét kiến trúc truyền thống nhà lá mái Bình Định thu hút du khách tìm đến check-in. Tại đây cũng lưu giữ nhiều di tích lâu năm như những cây thị, cây me trên 300 năm tuổi, là nét đặc trưng của Phú Phong, Tây Sơn.
Đặc biệt, làng rau Thuận Nghĩa có vị trí thuận lợi, gần các di tích lịch sử kết hợp di tích văn hóa Chămpa cổ và dòng văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú trên địa bàn tỉnh Bình Định nói chung và huyện Tây Sơn nói riêng. Từ làng rau, du khách có thể dễ dàng di chuyển tới nhiều địa điểm tham quan khác như: Khu du lịch sinh thái Hầm Hô, tháp Dương Long, Bảo tàng Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, đài Kính Thiên...
Chia sẻ tại Hội thảo “Xây dựng và phát triển mô hình du lịch nông nghiệp cộng đồng”, Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Bình Định Nguyễn Thị Thanh Bình nhấn mạnh, trong thời gian tới, Thuận Nghĩa cần phát huy kinh nghiệm bản địa, vai trò của cộng đồng trong phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng; khai thác giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa lịch sử, phát triển thành điểm du lịch cộng đồng gắn với sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, ổn định, góp phần đa dạng sản phẩm du lịch Bình Định, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Bà Nguyễn Thị Kim Chung, Phó Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho biết, UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng làng rau Thuận Nghĩa. Sở đang tập trung hướng đến xây dựng thương hiệu “Du lịch cộng đồng làng rau Thuận Nghĩa” gắn với các yếu tố “xanh, sạch, an toàn”.
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 11.7.2024
Nguồn: BIENPHONG.COM.VN