Mở rộng đối thoại Ngân hàng - Doanh nghiệp
Theo số liệu từ NHNN chi nhánh Bình Định, nguồn vốn huy động tại địa phương ước đến 30/6/2024 đạt 108.450 tỷ đồng, tăng 3,94% so với 31/12/2023 và tăng 9,47% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng dư nợ cho vay ước đến 30/6/2024 đạt 107.370 tỷ đồng, tăng 3,6% so với 31/12/2023 và tăng 9,13% so với cùng kỳ...
Ông Nguyễn Trà Dương, Giám đốc NHNN chi nhánh Bình Định cho biết, trong thời gian qua chi nhánh đã kịp thời triển khai các chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối đến các TCTD trên địa bàn. Triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024; Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 15/1/2024 về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng của Thống đốc NHNN...
Đặc biệt, NHNN chi nhánh tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tập trung các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, thế mạnh ở địa phương; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng...
Trong đó, đẩy mạnh chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, ngay từ đầu năm 2024, NHNN chi nhánh tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 58/KH-BIĐ2 ngày 18/1/2024 chỉ đạo các chi nhánh NHTM trên địa bàn chủ động triển khai chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp năm 2024 một cách hiệu quả, cụ thể.
Trong đó, yêu cầu các TCTD chủ động nắm bắt nhu cầu về vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân; chủ động tiếp cận khách hàng có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả để tham gia chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp năm 2024. Ngay sau đó, 26 chi nhánh NHTM và 63 khách hàng đã tham gia chương trình kết nối với tổng số tiền cam kết cho vay 4.551 tỷ đồng.
Ngành Ngân hàng trên địa bàn Bình Định đã và đang nỗ lực đồng hành cùng cộng đòng doanh nghiệp ở địa phương. |
Đặc biệt, tại Bình Định các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều buổi làm việc, trao đổi, đối thoại giữa ngân hàng với khách hàng, trong đó có các buổi làm việc trực tiếp giữa các TCTD và khách hàng; hoặc đối thoại của các TCTD với từng nhóm khách hàng, ngành nghề... Thông qua các hội nghị đối thoại, NHNN chi nhánh tỉnh và các TCTD trên địa bàn Bình Định trực tiếp nắm bắt và giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực ngân hàng như: thủ tục vay vốn, lãi suất cho vay, các chương trình tín dụng, điều kiện vay vốn... của các hiệp hội và doanh nghiệp ở địa phương.
Bên cạnh đó, nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn, NHNN chi nhánh tỉnh đã gửi Công văn số 422/BIĐ2 ngày 26/4/2024 đến các Sở, ngành trong tỉnh về việc phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024 nhằm kịp thời nắm bắt, giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực ngân hàng (vốn vay, lãi suất...) của doanh nghiệp, người dân ở địa phương...
Tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Với nhiều nỗ lực, đến nay bên cạnh con số 63 khách hàng tham gia chương trình kết nối ngay từ đầu năm, các TCTD trên địa bàn còn tích cực mở rộng thêm nhiều khách hàng mới; giải ngân cho vay với số tiền khoảng 8.216,7 tỷ đồng/275 khách hàng; Dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ 100,1 tỷ đồng/2 khách hàng; Giảm lãi suất, phí đối với 264 khách hàng...
Trên thực tế, thời gian qua các TCTD ở Bình Định đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng và dịch vụ ngân hàng như: Thiết lập các kênh thông tin tiếp thu ý kiến phản ánh, đóng góp của khách hàng về chất lượng, giá cả dịch vụ; Trên cơ sở quy định của pháp luật và hội sở chính, đơn giản hóa thủ tục, quy trình giải ngân, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ tín dụng (thẩm định, quyết định tín dụng, giải ngân, nhận tài sản đảm bảo...), hồ sơ giao dịch, miễn, giảm phí dịch vụ ngân hàng; Niêm yết công khai các quy trình, thủ tục, lãi, phí dịch vụ...
Chia sẻ với thoibaonganhang.vn, ông Hoàng Thanh Vĩnh, Giám đốc MB Bình Định cho biết, nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, cũng như tăng cường kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, MB Bình Định đã bám sát cho vay vào các thế mạnh ở địa phương như ngành gỗ, may mặc và gần đây là sản xuất thức ăn gia súc. Bên cạnh đó, nỗ lực giảm lãi suất, phí, chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng khó khăn... Nhờ vậy, đến nay nhiều khách hàng doanh nghiệp của MB Bình Định không những vượt qua được thời điểm khó khăn mà còn hồi phục và phát triển. Về phía đơn vị cũng có nhiều thuận lợi trong việc tăng trưởng tín dụng, đặc biệt trong thời điểm còn khó khăn như hiện nay...
Chế biến, sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu, một trong những thế mạnh cùa doanh nghiệp Bình Định. |
Tuy nhiên, tại Bình Định cũng như các địa phương khác trong cả nước, tình hình khó khăn chung của thị trường có những tác động tiêu cực đến khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế và khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn tại các TCTD dẫn tới khả năng tiếp cận vốn tín dụng còn hạn chế. Trong đó, nổi lên như, thiếu phương án kinh doanh khả thi, tình hình tài chính còn chưa minh bạch, khả năng quản trị điều hành doanh nghiệp còn yếu, doanh nghiệp chưa thực sự chủ động tìm hiểu các chương trình tín dụng, sản phẩm của ngân hàng…
Với mục tiêu, tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, khả năng phục hồi sau đại dịch; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động... Cũng theo ông Nguyễn Trà Dương, trong thời gian đến ngành Ngân hàng trên địa bàn Bình Định tiếp tục tập duy trì và thúc đẩy Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận và lựa chọn các gói tín dụng với lãi suất phù hợp để phục vụ đầu tư sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh, tăng cường giám sát hoạt động tín dụng và việc thực hiện cam kết với doanh nghiệp; chủ động phối hợp với các sở, ngành và các hiệp hội trên địa bàn nắm bắt thông tin về tình hình tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp; Đồng thời, tăng cường đối thoại để Ngân hàng và doanh nghiệp cùng ngồi lại với nhau trao đổi thông tin, cùng chia sẻ và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh để tiếp tục gắn kết, cùng đồng hành phát triển.
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 13.6.2024
Nguồn: THOIBAONGANHANG.VN