Vùng Duyên hải Trung bộ gồm các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế biển, cảng biển. Các địa phương này còn có thế mạnh quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh biển, đảo của vùng và cả nước. Một trong những lợi thế lớn nhất của các địa phương trong vùng là vị trí địa lý gần đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước - thành phố Hồ Chí Minh.
Tại hội nghị, các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ đã giới thiệu các dự án kêu gọi đầu tư cùng với chính sách thu hút đầu tư cụ thể, đồng thời các doanh nghiệp từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng cũng chia sẻ những ý kiến liên quan việc đầu tư và phát triển thị trường tại khu vực.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh tập trung mời gọi các nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh. Các lĩnh vực ưu tiên mời gọi đầu tư là nông, lâm nghiệp - thủy sản; công nghiệp; dịch vụ cảng và logistics… Ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, khu vực vùng Duyên hải Trung bộ mới có tỉnh Khánh Hòa có sân bay quốc tế, đường bay tốt, còn lại các tỉnh khác không có lợi thế này. Nếu các tỉnh tận dụng đường bay của nhau rất khó vì khoảng cách xa. Trong 6 tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ liên kết vùng còn khó khăn vì điều kiện các tỉnh giống nhau, cạnh tranh nhiều hơn liên kết. Tuy nhiên, các tỉnh trong vùng có thể cùng nhau phát triển năng lượng tái tạo vì nhiều nắng, gió. Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thì Bình Định cũng như các tỉnh khác trong vùng định hướng chung là phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, xã hội:
“Bình Định và các tỉnh khác hiện nay bắt đầu làm các cảng biển nước sâu và các sân bay cho chuẩn. Trong lúc chúng tôi đang làm như vậy thì các nhà đầu tư bắt đầu làm được rồi. Khi chúng tôi làm xong được hạ tầng quan trọng như vậy thì cũng là lúc các nhà đầu tư tìm hiểu xong cơ hội đầu tư và bắt đầu đầu tư ở đây được”.
Ông Trần Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, trên địa bàn tỉnh có 113 dự án nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,91 tỷ USD. Để thu hút tốt đầu tư, tỉnh Khánh Hòa chuẩn bị tốt vấn đề quy hoạch. Mặc dù quy hoạch tỉnh Khánh Hòa và quy hoạch chung Khu Đô thị Vân Phong được phê duyệt nhưng tỉnh này vẫn bị những hạn chế là phải tuân thủ quy hoạch cấp trên, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Ông Trần Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nói:
Tại Bình Định, dự án Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP tại huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định được xem là một trong những dự án trọng điểm kiểu mẫu. Khu công nghiệp, đô thị này có hệ thống cơ sở hạ tầng hội đủ các yếu tố khu, đô thị sinh thái, hiện đại. Đến nay, Công ty Becamex Bình Định đã thu hút được hơn 170 triệu USD đầu tư trên quy mô 60 héc ta đến từ các tập đoàn của các quốc gia Cộng hòa liên bang Đức, Hàn Quốc, Hà Lan. Trong tương lai với diện tích trên 1.425 héc ta sẽ thu hút trên 2 tỷ USD đầu tư vào sản xuất công nghiệp, tạo cơ hội việc làm cho 120.000 đến 150.000 lao động tại địa phương và các tỉnh thành lân cận.
“Trên con đường phát triển, hệ thống Becamex - VSIP sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới, phủ khắp các tỉnh Duyên hải miền Trung. Với cơ sở đó, tôi rất mong các doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Duyên hải miền Trung sẽ cùng kết nối, cùng phát triển và lớn mạnh, đem lại lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho người dân và địa phương”, ông Nguyễn Văn Lăng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Becamex Bình Định cho biết.
Tại hội nghị, lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi các doanh nghiệp và hội ngành nghề của thành phố tìm hiểu các cơ hội hợp tác và đầu tư phát triển thị trường tại các tỉnh Vùng Duyên hải Trung bộ - một trong bốn vùng trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững của cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh cam kết hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông, logistics để thúc đẩy các dự án hợp tác đầu tư với các tỉnh Duyên hải Trung bộ.
Ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các chủ trương, chính sách của thành phố cũng luôn tăng cường, mở rộng, giao thương vừa hỗ trợ các tỉnh, vừa kết nối cho sự phát triển của thành phố: “Để đẩy mạnh hiệu quả thu hút đầu tư vào các dự án góp phần phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương, thành phố Hồ Chí Minh đề nghị lãnh đạo các địa phương tiếp tục quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ trong quá trình tìm hiểu và đầu tư phát triển tại các địa phương. Đồng thời phân công các cơ quan đầu mối phối hợp, kết nối với Sở Công thương, Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh để cùng hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình đầu tư”.
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 10.10.2024
Nguồn: VOV.VN