Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định ông Hồ Quốc Dũng cho biết, Bình Định đã xác định tầm nhìn, định hướng phát triển tương lai sẽ là trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam; kinh tế phát triển bền vững dựa trên các trụ cột công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ thông tin và AI; du lịch chất lượng cao; nông nghiệp hữu cơ và hệ thống logistics hiệu quả. Những lĩnh vực này đều là thế mạnh của Ấn Độ.
Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh ông Madan Mohan Sethi cho biết, nhiều doanh nhân và nhà đầu tư Ấn Độ đang khám phá thị trường Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác.
Tổng lãnh sự cho rằng Bình Định có tiềm năng lớn để phát triển các ngành công nghiệp lớn và nhỏ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả sản xuất. Lãnh sự quán Ấn Độ sẵn sàng hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ trong các lĩnh vực nông nghiệp thông minh, nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cũng nêu bật các lợi thế cũng như quyết tâm của tỉnh đối với việc kêu gọi và thu hút đầu tư. Tỉnh Bình Định quyết tâm tập trung phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi không gian phát triển, thực hiện hiệu quả các khâu đột phá về nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng; đầu tư có trọng điểm vào các trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh.
"Đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh; đào tạo, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả; tập trung nguồn lực đầu tư cho các dự án hạ tầng trọng điểm, nhất là hạ tầng giao thông phía Bắc tỉnh, hạ tầng các khu đô thị, khu công nghiệp kết nối với sân bay, cảng biển trên địa bàn tỉnh." Chủ tịch tỉnh Phạm Anh Tuấn khẳng định.
Thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng, tăng từ 200 triệu USD vào năm 2000 lên 15,1 tỷ USD vào năm 2022 và 14,3 tỷ USD vào năm 2023. Tuy nhiên, tiềm năng hợp tác còn rất lớn, đặc biệt là khi nhìn vào quy mô thị trường của cả hai quốc gia. Việt Nam có lợi thế về vị trí địa lý gần Trung Quốc và chi phí vận chuyển thấp, dẫn đến khối lượng và giá trị thương mại lớn với thị trường này.
Tại tỉnh Bình Định, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 736,9 triệu USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ, đạt 44,7% kế hoạch năm 2024. Các mặt hàng được xuất khẩu của Bình Định đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc 5 châu lục. Trong số đó xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 1,1 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang Ấn Độ gồm sắn và sản phẩm từ sắn, hàng rau quả, gỗ các loại (dăm gỗ, ván ép,…), sản phẩm gỗ, sản phẩm may mặc, máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã chứng kiến việc Ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Bình Định với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh; biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Định với Hiệp hội Điều hành Tour du lịch Phật giáo (Ấn Độ); giữa Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bình Định với Tổ chức Thương mại Kinh tế Ấn Độ IETO; Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định với Hiệp hội Các ngành công nghiệp quy mô nhỏ Orissa…
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 25.6.2024
Nguồn: BNEWS.VN