Khẳng định này được ông Per Hornung Pedersen, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn PNE đưa ra tại cuộc làm việc vừa diễn ra với lãnh đạo tỉnh Bình Định về một số vấn đề liên quan đến dự án điện gió ngoài khơi Hòn Trâu.
Bình Định là địa phương đầu tiên tại Việt Nam mà PNE xúc tiến phát triển dự án điện gió ngoài khơi. Với kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi tại 14 quốc gia ở bốn châu lục, tập đoàn đến từ CHLB Đức đã tìm hiểu, nghiên cứu phát triển dự án này từ năm 2019 đến nay và đến nay tiếp tục xác định đây là dự án ưu tiên, trọng điểm.
Ông Per Hornung Pedersen cho biết, Tập đoàn PNE đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai dự án nhanh nhất khi được cấp chủ trương đầu tư.
Đồng thời, PNE đang rất kỳ vọng những tiến triển về cơ chế chính sách liên quan đến cấp phép chủ trương đầu tư, cấp phép xác định vùng địa điểm triển khai dự án tại Bình Định, tránh chồng lấn với các dự án khác để có thể tính toán các phương án bố trí vốn triển khai.
Chủ tịch Tập đoàn PNE khẳng định mong muốn dự án sớm được chấp thuận chủ trương đầu tư để trở thành một trong những dự án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam cũng như được lựa chọn là dự án thí điểm trong chương trình hợp tác giữa hai chính phủ Đức và Việt Nam.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, hai bên tiếp tục vượt qua những khó khăn, thách thức khi triển khai dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên tại Việt Nam; đánh giá hết tiềm năng, khả thi của dự án, thống nhất những cơ chế chính sách, hành lang pháp lý để triển khai dự án trong thời gian tới.
Nhận định vẫn còn nhiều thách thức cũng như cơ hội phía trước, ông Per Hornung Pedersen mong muốn, hai bên tập trung thảo luận chiến lược phát triển dự án, từ đó có những định hướng tầm nhìn để hai bên hợp tác chặt chẽ, hiệu quả triển khai một cách nhanh chóng.
Quan điểm này, tương đồng với ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, khi cho rằng hai bên cần tiếp tục cam kết quyết tâm triển khai do trước mắt vẫn còn một số khó khăn.
Năm 2019, PNE đăng ký nghiên cứu, khảo sát đầu tư dự án tại Hòn Trâu với quy mô công suất 2.000 MW được chia thành ba giai đoạn với tổng mức đầu tư khoảng 4,6 tỷ USD.
Dự kiến, sau khi hoàn thành đưa vào vận hành phát điện, mỗi năm dự án sẽ cung cấp khoảng 7,1 tỷ kWh điện cho hệ thống lưới điện quốc gia góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế địa phương và khu vực, đóng góp ngân sách hàng năm cho tỉnh ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng.
Hồi tháng 3 năm nay, cũng tại buổi làm việc với nhà đầu tư, ông Tuấn cho biết lãnh đạo tỉnh rất quan tâm dự án do Tập đoàn PNE đăng ký đầu tư nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong thời gian qua, UBND tỉnh và các cơ quan liên quan đã hỗ trợ cho PNE trong việc nghiên cứu, khảo sát cũng như chủ động làm việc với Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải để kiến nghị giải quyết các vấn đề có liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc nghiên cứu, khảo sát triển khai dự án.
Đặc biệt, tỉnh cũng chỉ đạo tham mưu đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tài nguyên và môi trường xem xét, đưa khu vực đề xuất phát triển điện gió ngoài khơi Bình Định vào khu vực ưu tiên phát triển điện gió trong Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tuy nhiên, việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi nói chung hiện đang gặp các khó khăn, vướng mắc, hành lang pháp lý chưa cụ thể, một số nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.
Động thái làm nóng lại quyết tâm theo đuổi, phát triển dự án trị giá hơn 4 tỷ USD của địa phương và nhà đầu tư, diễn ra trong bối cảnh Luật Điện lực (sửa đổi) đang được cho ý kiến tại Nghị trường Quốc hội.
Đáng chú ý, vấn đề về điện gió ngoài khơi chưa được đề cập, cụ thể hóa trong sáu chính sách chủ yếu của dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) trình, xin ý kiến Quốc hội.
Trở lại hành trình hơn bốn năm qua, dự án đã thực hiện đo gió từ tháng 5/2022 và nằm trong danh mục các dự án tiềm năng của Quy hoạch điện VIII.
Khoảng tháng 10/2022, Bộ Tài nguyên và môi trường đề nghị tạm dừng thẩm định, chấp thuận liên quan đến các đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi do còn nhiều vướng mắc về pháp lý và kỹ thuật… cho đến khi Chính phủ ban hành nghị quyết mới về hoạt động đo gió, quan trắc, điều tra, khảo sát địa hình, đánh giá tác động môi trường trên biển hoặc đến khi ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 11/2021/NĐ-CP.
Giữa năm ngoái, Tập đoàn PNE đề xuất kéo dài thời gian đo gió thêm 15 tháng (từ tháng 4/2023 tới tháng 7/2024) nhưng chưa nhận được đồng ý của địa phương.
Sau đó, UBND tỉnh Bình Định đã đề nghị Bộ Công thương xem xét ưu tiên tăng quy mô công suất các dự án nguồn điện phân bổ cho tỉnh.
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 23.10.2024
Nguồn: THELEADER.VN