Dự án đầu tiên của PNE tại châu Á
PNE là tập đoàn điện gió tiên phong, hoạt động trên phạm vi toàn cầu với hơn 30 năm kinh nghiệm. Tập đoàn hiện có mặt ở 14 quốc gia, 4 châu lục; tổng vốn đầu tư trên 13 tỉ Euro. Tại châu Á, Việt Nam là điểm đến đầu tiên được PNE lựa chọn qua dự án Hòn Trâu, Bình Định, với bước “chạm ngõ” từ năm 2019.
Tháng 10.2020, UBND tỉnh Bình Định đồng ý chủ trương cho PNE khảo sát, đánh giá tiềm năng gió một số khu vực biển thuộc các huyện Phù Cát, Phù Mỹ. Ngày 13.4.2022, trong hồ sơ Dự án Nhà máy Điện gió ngoài khơi Hòn Trâu gửi UBND tỉnh, PNE đề xuất xây dựng 154 - 166 tua bin gió, tổng công suất 2.000 MW, vốn đầu tư khoảng 4,6 tỉ USD.
Những nhà lãnh đạo hàng đầu Tập đoàn PNE đã về Bình Định, cùng đại diện chính quyền địa phương khảo sát vùng biển quanh đảo Hòn Trâu, ngoài khơi cửa Đề Gi, cách bờ gần 10km.
Chủ tịch Tập đoàn, ông Per Hornung Pedersen bày tỏ: “Đây là dự án tâm huyết, ưu tiên, trọng điểm của PNE. Chúng tôi bước sang năm thứ 5 cho giai đoạn khởi đầu. Hiện đã hoàn thành những mảnh ghép quan trọng. Dự án sẽ được triển khai sớm nhất, ngay khi có chủ trương đầu tư”.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng khẳng định: “Hòn Trâu là một trong những dự án quan trọng nhất trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bình Định có 134km bờ biển, nguồn năng lượng gió dồi dào, cơ sở hạ tầng đồng bộ, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng. Tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để dự án thành công”. Sự hỗ trợ ấy, qua cam kết của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn là “liên tục, tuyệt đối và tối đa”.
Kỳ vọng thí điểm
Theo Phó Chủ tịch điều hành PNE Thorsten Fastenau, Dự án điện gió ngoài khơi Hòn Trâu được Chính phủ Việt Nam và Đức “quan tâm sâu sắc”. Tháng 4.2022, tiếp lãnh đạo PNE, Thủ tướng Chính phủ đã nghe trình bày về dự án. Các chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Olaf Scholz (tháng 11.2022); Thủ hiến bang Lower Saxony Stephan Weil (tháng 10.2023) hay Tổng thống Frank-Walter Steinmeier (tháng 1.2024), PNE đều được chọn tham gia nghị trình.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền CHLB Đức tại Việt Nam Helga Margarete Barth hứa: “Dự án còn vướng mắc về cơ chế chính sách. Thay mặt Chính phủ Đức, tôi cam kết phối hợp chặt chẽ cùng các bên liên quan vì nỗ lực khai thông quá trình hiện thực hóa Hòn Trâu”.
Thuộc nhóm tiên phong phát triển điện gió ngoài khơi, Hòn Trâu chưa có tên trong danh mục nguồn điện phát triển thuộc Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện 8. Trên thực địa, dự án cũng đặt ra yêu cầu phải xem xét, điều chỉnh tuyến vận tải biển; sự chồng lấn, xung đột với một số dự án, công trình…
Không chỉ Hòn Trâu, loại hình điện gió xa bờ nói chung đều “ngóng” chính sách. Tháng 4.2024, Bộ Chính trị có Kết luật số 76-KL/TW, cho chủ trương thí điểm sản xuất, xuất khẩu điện gió ngoài khơi. Chính phủ cũng nhiều lần chỉ đạo rà soát, tháo gỡ ách tắc.
Ngày 26.7.2024, chủ trì cuộc họp về Đề án phát triển điện gió ngoài khơi, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát “các nội dung vướng mắc do chưa có quy định của pháp luật, do pháp luật chưa rõ hoặc chồng chéo, đề xuất cấp thẩm quyền giải quyết, thực hiện thí điểm”; “Nghiên cứu, tính toán, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ việc chọn lựa nhà đầu tư; tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hoặc việc chuyển nhượng dự án, cổ phần…”.
Chủ tịch PNE Per Hornung Pedersen lạc quan: “Khó khăn là động lực. Tôi tin, Hòn Trâu sẽ thành một trong những dự án thí điểm đầu tiên về điện gió ngoài khơi Việt Nam”.
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 05.11.2024
Nguồn: LAODONG.VN