Võ cổ truyền - linh hồn của đất và người Bình Định

Thứ ba - 25/03/2025 16:03 13 0
Võ cổ truyền Bình Định không chỉ là hoạt động thể thao rèn luyện thể lực, trí lực, tâm lực mà còn trở thành linh hồn của đất và người Bình Định, chứa đựng nhiều đạo lý, triết lý sống.
Năm 2012, Bộ VH-TT-DL đã ghi danh võ cổ truyền Bình Định vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Năm 2013, UBND tỉnh Bình Định quyết định thành lập Trung tâm võ thuật cổ truyền Bình Định nhằm tạo mọi điều kiện pháp lý để giao lưu, trao đổi các dòng võ cổ truyền trong nước và quốc tế.

XUẤT HIỆN TỪ TRIỀU VUA LÊ THÁNH TÔNG

Theo các tài liệu ghi chép, võ cổ truyền Bình Định xuất hiện từ rất sớm. Dưới triều vua Lê Thánh Tông vào năm 1471, từ khi phủ Hoài Nhơn được thành lập gồm 3 huyện: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn, người Việt mới bắt đầu sinh sống trên vùng đất Bình Định ngày nay.Võ cổ truyền - linh hồn của đất và người Bình Định- Ảnh 1.

Biểu diễn võ cổ truyền Bình Định ẢNH: HẢI PHONG

 Đến thời Tây Sơn ở thế kỷ 18, để đáp ứng nhu cầu chiến đấu của cuộc khởi nghĩa với phạm vi và quy mô lớn, võ cổ truyền chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn biến đổi về chất. Môn võ này là sự kết tinh và hòa quyện giữa các dòng võ, phái võ và quy tụ nhiều võ sư, võ quan, anh hùng hào kiệt, từ đó tạo nên một dòng võ đậm nét tinh hoa của dân tộc. Từ thời Tây Sơn, võ cổ truyền đã được bảo tồn và phát triển.
Đến nay, toàn tỉnh Bình Định có 2 đại võ sư quốc tế, 26 đại võ sư quốc gia, 12 võ sư cao cấp, 73 võ sư, 57 chuẩn võ sư, 415 huấn luyện viên… Đây là lực lượng quan trọng để giữ gìn và phát huy võ cổ truyền Bình Định.
Bên cạnh đó, còn có 177 võ đường, câu lạc bộ võ cổ truyền, với hơn 12.000 võ sinh tham gia tập luyện thường xuyên. Trên địa bàn tỉnh Bình Định có hàng chục làng võ nổi tiếng gắn với địa danh đã tồn tại trong lịch sử nhiều thế kỷ như: làng võ An Vinh, Thuận Truyền, Phủ Thiện (H.Tây Sơn); làng võ An Thái, Phương Danh (TX.An Nhơn); làng võ An Hòa, Kỳ Sơn, Đại Lễ (H.Tuy Phước)…
Võ cổ truyền - linh hồn của đất và người Bình Định- Ảnh 2.

Võ cổ truyền Bình Định trở thành linh hồn của đất và người Bình Định, chứa đựng nhiều đạo lý, triết lý sống ẢNH: HẢI PHONG

 Là một trong những nghệ nhân nhân dân tâm huyết, truyền dạy võ cổ truyền, và có một trong 6 võ đường tiêu biểu của tỉnh Bình Định, đại võ sư Lê Xuân Cảnh (81 tuổi) cùng võ đường do ông sáng lập ở P.Nhơn Hưng, TX.An Nhơn, luôn đi đầu trong phát triển phong trào tập luyện võ cổ truyền cho thế hệ trẻ cũng như gìn giữ, bảo tồn cho tinh hoa võ cổ truyền dân tộc vươn xa.
Vào những buổi chiều tối, tại võ đường Lê Xuân Cảnh luôn nhộn nhịp và vang lên tiếng hô to của các môn sinh tập luyện với các bài quyền và thế roi là nét đặc trưng của võ cổ truyền Bình Định.
Bàn về chuyện dạy võ miễn phí, không thu tiền, lão võ sư Lê Xuân Cảnh bộc bạch: "Tôi không chỉ dạy võ thuật, mà còn dạy võ để phục vụ các phong trào lễ hội của địa phương. Học võ cổ truyền là học cả đời, không phải học trong thời gian ngắn, mà trải qua nhiều năm. Nếu học lâu dài mà thu học phí, thì các môn sinh lấy tiền đâu ra để theo học. Võ đường dạy quanh năm luôn có môn sinh, khi nào có phong trào lễ hội là có đủ lực lượng môn sinh tham gia. Từ đó lưu giữ được tinh hoa của võ Việt".

ĐƯA VÕ CỔ TRUYỀN VÀO TRƯỜNG HỌC

Năm 2016, UBND tỉnh Bình Định ban hành quyết định số 3818/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030. Đến năm 2022, UBND tỉnh ban hành tiếp quyết định số 556/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định năm 2025.
Võ cổ truyền - linh hồn của đất và người Bình Định- Ảnh 3.

Đại võ sư Lê Văn Cảnh dạy võ cho môn sinh ẢNH: HẢI PHONG

Việc đưa võ cổ truyền Bình Định vào trường học trên địa bàn tỉnh cũng được thực hiện từ năm 2016 và được đưa vào nội dung thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng các cấp, nhờ đó đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào tập luyện võ cổ truyền trong học sinh.
 

THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây 
Ngày đăng: 25.03.2025
Nguồn: THANHNIEN.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
DVCTT
Sự kiện 2025
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây