Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định khẳng định như vậy tải buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định về tình hình triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh trên lĩnh vực giáo dục.
Từ năm 2018 đến nay, tỉnh Bình Định dành hơn 3.000 tỷ đồng cho ngành Giáo dục và đào tạo. Mặc dù được đầu tư lớn nhưng tỉnh này vẫn còn hơn 1.300 phòng học bán kiên cố ở các cấp học.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định, nguồn lực của tỉnh và các địa phương còn hạn chế nên việc đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị dạy học phục vụ cho các trường có nơi chưa đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các chính sách liên quan xã hội hóa giáo dục chưa tạo được hành lang pháp lý đầy đủ, chưa tạo thuận lợi cho việc huy động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cơ sở vật chất trường học. Diện tích đất để mở rộng một số trường học còn thiếu.
Bà Nguyễn Thị Phong Vũ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định cho rằng, ngành Giáo dục tỉnh cần đầu tư nâng cấp nhà vệ sinh cho các cấp học.
“Quy hoạch đất cho trường học cần tính tới diện tích cho từng học sinh theo quy định, thậm chí nhiều hơn. Thứ 2 là quy hoạch đất để làm các công trình nhà đa năng phục vụ cho học sinh của các trường. Đến thời điểm bây giờ chúng ta có điều kiện, có thể hoán đổi hoặc bố trí mới với những chỗ có điều kiện. Chúng ta chưa có điều kiện thì quy hoạch để đó, đến khi nào có điều kiện đầu tư. Có thể sử dụng từ nguồn ngân sách Nhà nước hoặc từ nguồn xã hội hóa mới đảm bảo được lâu dài tính đến chuyện phát triển toàn diện và hiện đại”, bà Nguyễn Thị Phong Vũ nói.
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định nêu rõ: “Quy hoạch mới cần thiết thì ở những khu trung tâm thì chúng ta có thể bố trí thêm diện tích để làm trường học, chỗ nào các đồng chí cũng để 1.000m2 đến 3.000m2 đất thì cuối cùng không giải quyết được vấn đề gì cả. Lẽ ra chúng ta để 1 đến 2 héc-ta để làm trường. Đề nghị các địa phương gắn với rà soát quỹ đất thì phải quan tâm tới quy hoạch. Hiện nay, có 2 địa phương là thành phố Quy Nhơn và huyện Tây Sơn đang thiếu phòng học cho học sinh học 2 buổi/ngày. Huyện Tây Sơn đâu thiếu đất, tại sao không xây dựng cho học sinh học đủ 2 buổi/ngày? Thành phố Quy Nhơn thì khó tìm quỹ đất nên phải rà soát lại để nâng phòng”.
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 01.8.2024
Nguồn: VOV.VN