Áp thấp vẫn có khả năng thành bão
Theo dự báo, hồi 7h cùng ngày, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7, giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây.
Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão, cường độ cấp 8, giật cấp 10. Trong 48 - 72 giờ tiếp theo, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và suy yếu.
Theo dự báo, ATNĐ/bão sẽ tác động đến khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Hòn Ngư) có gió mạnh cấp 6-7, sóng biển cao 2-4m, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, sóng cao 3-5m, biển động mạnh.
Trên vùng biển tỉnh Bình Định có mưa rào và dông, gió mạnh cấp 5, giật cấp 6-7, sóng cao 1,5-2,5m.
Trước đó, vào chiều 17.9, Văn phòng Thường trực về Phòng chống thiên tai tỉnh Bình Định - cho biết, còn 7 tàu cá của ngư dân Bình Định đang trong vùng ảnh hưởng của ATNĐ, cách tâm ATNĐ khoảng 320km.
Phía Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định, Chi cục Thủy sản (Sở NNPTNT Bình Định), Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn, các địa phương đã liên lạc với gia đình chủ tàu thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển nắm được tình hình của ATNĐ. Hiện các tàu cá đang di chuyển ra khỏi phạm vi ảnh hưởng của ATNĐ.
Cùng ngày 17.9, tỉnh Bình Định đã ban hành Công điện yêu cầu các đơn vị, địa phương, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chuẩn bị công tác ứng phó với ATNĐ trên Biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão.
Hơn 281.000 người dân cần hỗ trợ
Theo Sở NNPTNT tỉnh Bình Định, từ tháng 9 - 11.2024, tỉnh này có thể bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi 1-2 cơn bão, ATNĐ. Dự báo tổng lượng mưa khu vực Bình Định phổ biến cao hơn 10-30% so với nhiều năm.
Mực nước các sông sẽ dao động mạnh, khả năng xuất hiện 3-5 trận lũ với đỉnh lũ đạt mức báo động 2-3, có nơi vượt báo động 3; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực miền núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng thấp.
Lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Bình Định - cho biết, đến nay, các địa phương đã có phương án xác định cụ thể những khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng do thiên tai đối với bão, ATNĐ, nước biển dâng do bão, lũ, ngập lụt, sạt lở...
Theo thống kê, toàn tỉnh có 403.460 hộ gia đình với 1.478.043 nhân khẩu được rà soát, cập nhật trên phần mềm Quản lý thiên tai tỉnh Bình Định. Trong đó có 281.465 người dễ bị tổn thương cần được quan tâm, hỗ trợ khi có thiên tai xảy ra.
Các địa phương cũng đã xác định được số hộ dân, người dân cần phải sơ tán; địa điểm sơ tán đến, hậu cần nơi đến sơ tán, phương tiện và nhân lực triển khai ứng phó thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ". Đồng thời đã chuẩn bị sẵn phương án sơ tán dân đối với từng cấp độ rủi ro của bão, lũ.
Qua rà soát, toàn tỉnh có 159 xã, phường, thị trấn bị ảnh hưởng bởi gió bão; 25 xã, phường của 5 huyện, thị xã, thành phố ven biển bị ảnh hưởng do nước biển dâng; 119 xã, phường, thị trấn bị ảnh hưởng do lũ, ngập lụt.
Đặc biệt, có 15 khu vực nguy cơ sạt lở cao. Trong đó, huyện Hoài Ân 4 khu vực, huyện An Lão 3 khu vực, huyện Vĩnh Thạnh 2 khu vực, TP Quy Nhơn 2 khu vực và huyện Phù Cát 4 khu vực.
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 18.9.2024
Nguồn: LAODONG.VN