Trong những tháng cuối năm, Cục Thuế tỉnh Bình Định sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc kê khai thuế đối với các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực có nhiều rủi ro như: kinh doanh nhà hàng, khách sạn, các doanh nghiệp có doanh thu lớn, hoàn thuế lớn nhưng phát sinh số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp thấp (ngành gỗ, thủy sản, khai thác đá, doanh nghiệp liên kết); các doanh nghiệp có sử dụng bảng kê mua hàng hóa, dịch vụ có rủi ro về giá và nguồn gốc hàng hóa; các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cung cấp hóa đơn nhân công xây dựng...
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định cho biết, những tháng cuối năm, đơn vị tập trung phối hợp với các cơ quan chức năng khác (Sở Du lịch, Cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh) thực hiện kiểm tra liên ngành về hóa đơn điện tử tại 11 cơ sở kinh doanh ăn uống, lưu trú và xăng dầu (trong đó, 8 doanh nghiệp kinh doanh ăn uống, lưu trú và 3 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu).
Với công tác xử lý hóa đơn rủi ro, Cục Thuế Bình Định tiếp tục triển khai rà soát, xử lý dữ liệu thuế giá trị gia tăng (GTGT) với dữ liệu hóa đơn, để đưa ra cảnh báo đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có sử dụng hóa đơn đầu vào của doanh nghiệp tỉnh khác tiềm ẩn rủi ro cao về thuế, hóa đơn tự thực hiện; rà soát lại hồ sơ mua bán, cung ứng dịch vụ với hóa đơn nêu trên để kê khai nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật.
Đặc biệt, đối với lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, Cục Thuế Bình Định sẽ tăng cường xác minh tài khoản ngân hàng và tiến hành phân tích sơ bộ bảng sao kê, các giao dịch có liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) của các cá nhân; từ đó gửi file bảng kê giao dịch qua ngân hàng đến thư điện tử công vụ của các chi cục trưởng, giao nhiệm vụ đến từng chi cục thuế tổ chức phân tích sao kê và làm việc với cá nhân nói trên để thực hiện công tác quản lý thuế theo quy định.
Cục Thuế tỉnh Bình Định tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế đối với doanh nghiệp cuối năm. Ảnh minh hoạ: Nguyễn Lạc |
Ông Tuấn cho biết, hiện nay, Cục Thuế đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên tuyền đến các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động kinh doanh TMĐT, livestream bán hàng: gửi thư ngỏ đến từng địa chỉ email của các hộ, cá nhân kinh doanh theo danh sách đã thu thập được qua rà soát kết hợp với công khai trên các trang mạng xã hội; bố trí nhân sự, thiết lập số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận vướng mắc, hỗ trợ người nộp thuế kịp thời; kèm theo đó là giao chỉ tiêu phấn đấu thi đua, tổ chức theo dõi, giám sát kỹ từng tiến độ thực hiện của các đơn vị.
Cục Thuế tỉnh Bình Định cũng đã xây dựng và ký kết Kế hoạch số 65/KHLN ngày 28/6/2024 về việc phối hợp liên ngành (gồm Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Định) nhằm triển khai các biện pháp tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, giám sát hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế; tra cứu ứng dụng hoá đơn điện tử để phát hiện rủi ro như: kê khai thiếu doanh thu; hàng tồn kho ảo; xem xét tính hợp lý về nguồn gốc hàng hóa và hóa đơn, bảng kê mua hàng để phát hiện những dấu hiệu vi phạm… |
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 23.10.2024
Nguồn: THOIBAOTAICHINHVIETNAM.VN