Là đầm phá lớn thứ hai trong các đầm phá Việt Nam, Đầm Thị Nại có chiều dài khoảng 16km với nơi hẹp nhất rộng khoảng 500m và nơi rộng nhất rơi vào khoảng 5.000m. Đầm phá này có diện tích mặt nước lên tới hơn 5.000ha, thuộc địa phận thành phố Quy Nhơn, huyện Tuy Phước và huyện Phù Cát.
Không chỉ là đầm phá lớn thứ hai cả nước, đầm thị Nại còn được mệnh danh là lá phổi xanh của TP Quy Nhơn cũng như là viên ngọc quý của tỉnh Bình Định.
Đầm phá này nằm ở cách thành phố Quy Nhơn 8km ở phía Đông Bắc. Nơi đây có hệ sinh thái vô cùng phong phú, là đầm lớn nhất tỉnh Bình Định với những cánh rừng ngập mặn xanh bạt ngàn và những con rách kéo dài.
Đây chính là địa điểm hợp lưu của các nhánh sông Kôn và Hà Thanh, ngăn cách đầm với Biển Đông là bán đảo Phương Mai.
Không chỉ mang vẻ đẹp thơ mộng, đây còn là nơi chứng kiến nhiều trận chiến “long trời lở đất” trong lịch sử nước ta.
Theo đó, đây từng là hải cảng nổi tiếng từ của vương quốc Chiêm Thành từ 1000 năm trước. Nhiều trận chiến khét tiếng đã diễn ra tại nơi đây.
Vào năm 1284, Thoát Hoan - con của vua nhà Nguyên đã nhận lệnh đưa 50 vạn quân chia làm 2 hướng: Bộ quân do Thoát Hoan trực tiếp chỉ huy và thủy quân do Toa Đô dẫn đầu với 1000 chiếc thuyền và 10 vạn quân đi từ Quảng Châu tiến vào cửa Thị Nại.
Một trận chiến khác là khi Lê Thánh Tông xuống chiếu huy động 26 vạn tinh binh và thân chinh vào năm 1470 để đánh tan quân Chiêm trên cửa Thị Nại. Kể từ đó, miền đất từ Vijaya đến đèo Cù Mông vĩnh viễn thuộc về Đại Việt.
Đầm Thị Nại cũng là căn cứ thủy quân của nhà Tây Sơn, chứng kiến những trận chiến ác liệt giữa đầu thế kỷ XIX (năm 1801) giữa nghĩa quân Tây Sơn với quân Nguyễn Ánh.
Ngoài ra, Đầm Thị Nại còn có nguồn tài nguyên quý giá, bao gồm hệ động thực vật đa dạng và phong phú như: 25 loài thực vật, trong đó rừng ngập mặt tái sinh và nguyên sinh…… Hệ sinh thái ở đây có nhiều loại động vật đa dạng gồm 10 loài chim rừng, 76 loài cá, 23 loài chim di cư và chim nước, 64 loài phù du… Cảnh đẹp mê người với những địa điểm như Cồn Chim, cầu Thị Nại, bán đảo Phương Mai và đặc biệt là có điểm du lịch tâm linh Tháp Thầy Bói thu hút nhiều du khách.
Theo đó, Tháp Thầy Bói nằm ở giữa đầm, gần bờ phía Tây và có hình dáng một ngọn núi nhỏ ở giữa mênh mông sóng nước. Đây không chỉ là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng mà còn là chốn linh thiêng. Nhiều người thường đến đây để thắp một nén nhang, cầu mong được bình an, may mắn.
Theo tương truyền, ngày xưa có một thầy bói đã đến vùng đất này để xây dựng tháp và hành nghề. Người muốn ông xem bói phải xếp thành hàng dài. Sau khi ông mất, ngôi tháp bị bão đánh sập, người dân nơi đây đã xây dựng lại ngôi miếu thờ. Một tương truyền khác lại cho rằng “Thầy Bói” ở đây là ý chỉ chim Bói Cá. Đây là loài cá hay tụ tập ở gành đá để bắt mồi. Vì khóm đá có dáng tròn như ngọn tháp nên gọi là tháp Thầy Bói.
Kết hợp với bãi cát rộng ở phía bắc, khung cảnh ở tháp Thầy Bói tuyệt đẹp không khác gì một bức tranh thủy mặc.
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 02.10.2024
Nguồn: DOANHNGHIEPVN.VN