Sông Tân An, một chi lưu phía Nam của sông Côn, chảy về ngã ba Âm Phù, một nhánh được đặt tên sông Gò Tháp ôm lấy thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa, hợp lưu với sông Hà Bạc - một nhánh khác của sông Côn, chảy từ Phước Hưng về, hợp thành sông Gò Bồi ở xã Phước Hòa xuôi ra biển.
Phía Nam Tuy Phước, sông Hà Thanh chảy từ Vân Canh, qua Diêu Trì, lòng sông mở rộng mênh mông, xuôi qua Phước Thuận về biển.
Người dân Tuy Phước hẳn đã quen thuộc với hình ảnh những ngọn tháp Bánh Ít, bên dòng sông Tân An và tháp Bình Lâm bên sông Gò Bồi.
Những ngọn tháp nổi tiếng, có kiến trúc tuyệt đẹp thờ thần Shiva theo tín ngưỡng của người Champa. Văn minh Champa để lại cho cộng đồng lưu dân Việt từ phía Bắc di cư vào đây thật nhiều: Đó là những cánh đồng màu mỡ thành hình qua bao công lao khai phá, vỡ hoang; đó là kinh nghiệm trị thủy, đi biển khai thác thủy sản, những giếng vuông ven biển đầy nước ngọt quanh năm, dấu tích của tòa thành Thị Nại nổi tiếng trong lịch sử, cách thích ứng với môi trường tự nhiên để tồn tại và bắt rễ thật sâu vào mảnh đất này rồi lớn lên.
Bên dòng sông Hà Bạc, từ đầu thế kỷ XVII, Cảng thị Nước Mặn - mà khu vực trung tâm chính là khu vực chùa Bà ngày nay, ở thôn An Hòa, xã Phước Quang - hình thành rồi phồn thịnh.
Đó từng là một trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của xứ Đàng Trong với cảnh trên bến dưới thuyền, tấp nập hàng hóa lên xuống. Như một lẽ thông thường, nơi nào có nền kinh tế phát triển, hàng hóa lưu thông với mức độ cao, nơi đó sẽ phát sinh nhiều giá trị văn hóa mới như một tất yếu khi diễn ra quá trình giao hòa văn hóa đa dân tộc, nhiều nguồn mà ở đây dễ thấy nhất là giữa các dân tộc Việt - Champa và Hoa. Và đặc biệt Nước Mặn cũng sớm đón nhiều nhà buôn, nhà truyền giáo phương Tây.
Ngày nay, đến dự Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn ta sẽ dễ dàng cảm nhận được sự tôn trọng các giá trị cộng đồng, tôn trọng sự khác biệt bản sắc văn hóa bắt nguồn từ xa xưa mà ngày nay - ở thời điểm hiện tại, cộng đồng quốc tế đang tôn vinh.
Các giá trị cốt lõi nhân bản như sự nhớ ơn, tôn vinh công lao của tiền nhân, ước vọng về cuộc sống phồn sinh, đức hạnh, lòng hiếu thảo, đức hy sinh, lòng nhân ái xả thân vì mọi người... đều có ở tại Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn. Và điều đáng mừng là lễ hội này nay đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Người dân các nơi về tham dự Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn. Ảnh: N.H.S
Những dòng sông ăm ắp nước tạo nền tảng để nông nghiệp phát triển; cũng chính những dòng sông đó cho phép tàu thuyền từ khắp nơi trong và ngoài nước đi sâu vào nội địa để giao thương.
Hợp lưu của những dòng chảy từ kinh tế đến văn hóa, và cả tôn giáo sớm biến Tuy Phước thành một địa phương đa dạng sắc màu, sớm vượt lên phát triển.
2. Tôi muốn nói ngay đến chữ Quốc ngữ.
Cũng tại đô thị Nước Mặn bên dòng Hà Bạc, cách đây hơn 400 năm, các giáo sĩ phương Tây đến đây lập cư xá truyền đạo, lần đầu tiên tiến hành ký âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latin; chữ Quốc ngữ mà chúng ta sử dụng ngày nay đã phôi thai như thế từ đó. Ngay tại Tuy Phước!
Chữ Quốc ngữ được ghi nhận là thành tựu sáng chói trong tiến trình phát triển văn hóa Việt Nam. Bên cạnh công lao của các giáo sĩ thông tuệ, không thể không nhắc đến những cư dân sở tại vô danh. Trong quá trình giao lưu văn hóa với các giáo sĩ, chính họ góp công đặc biệt quan trọng trong việc phiên âm, chú giải, định nghĩa các từ.
Hãy thử hình dung, chữ Quốc ngữ đã nên hình nên vóc bắt đầu từ tiếng, giọng, khẩu âm của con người Tuy Phước. Và rồi cách Nước Mặn không xa, chỉ khoảng 10 km, thật thú vị, cũng bên một dòng sông - sông Hà Thanh, tại Tiểu chủng viện Làng Sông, một điểm đến du lịch nổi tiếng hiện nay, vào năm 1872, nhà in Làng Sông - một trong 3 nhà in chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng.
Trái với ngộ nhận của nhiều người, cơ sở in ấn này không chỉ in những tài liệu phục vụ việc truyền giáo mà còn in rất nhiều sách giáo khoa, truyện và nhiều tài liệu khoa học khác, tất cả đã góp phần phát triển chữ Quốc ngữ.
Kể chuyện sông nước Tuy Phước không thể không nhắc đến Gò Bồi, một thị tứ ven sông nổi tiếng, tiếp nối, thay thế vai trò của Nước Mặn sau khi suy tàn vào đầu thế kỷ XIX. Nhờ vào dòng sông Gò Bồi mà ở đây có ruộng đồng màu mỡ và nhiều loại thủy sản phong phú, vùng ven sông cận biển này còn có thứ nước mắm ngon nổi tiếng một thời.
Mãi đến đầu thế kỷ XX, thị tứ Gò Bồi vẫn còn sầm uất với cảnh trên bến dưới thuyền tấp nập vào ra mà Hội đua thuyền truyền thống diễn ra vào mùng Hai tết trên sông Gò Bồi hằng năm như một sự kết tinh tinh thần của một vùng đất có đời sống kinh tế, văn hóa phồn thịnh.
Tiếng Việt giàu âm điệu, khi được ký âm bằng những mẫu tự Latin để rồi chúng ta có được chữ Quốc ngữ, dường như có một dòng tiếp nối nào đó khiến Gò Bồi có duyên với thơ. Gò Bồi từng là nơi cư ngụ của gia đình nhà thơ, hậu tổ tuồng Đào Tấn trước khi chuyển về sống ở Vinh Thạnh, xã Phước Lộc.
Nơi đây, nhà thơ nổi tiếng Hàn Mặc Tử đã từng về sống cùng mẹ một thời gian để chữa bệnh và dòng sông đã để lại nhiều dấu ấn trong thơ ông.
Gò Bồi còn là nơi nhà thơ lớn, ông hoàng thơ tình Xuân Diệu chào đời, sống thời niên thiếu, và bên bờ sông, Nhà Lưu niệm Xuân Diệu hiện diện như một biểu tượng thi ca và kết tinh văn hóa của một vùng sông nước.
Đền thờ Đào Tấn, người có thể đứng ngang hàng với các kịch tác gia như William Shakespeare (Anh), Molière (Pháp) - những người đã làm rạng danh dân tộc Anh, Pháp. Ảnh: N.H.S
3. Sông Trường Úc, một nhánh sông Hà Thanh, chảy qua thị trấn Tuy Phước trước khi hòa vào biển.
Bên sông, người dân tứ xứ về trẩy Hội xuân Chợ Gò nổi tiếng nhóm vào ngày mùng Một tết hằng năm, nghe hô bài chòi, xem biểu diễn võ cổ truyền, cờ người, mua bán lấy may đầu năm cho cả người mua lẫn người bán, đặc biệt là mua trầu cau về cúng tổ tiên như một ước nguyện về cuộc sống phồn thịnh và hạnh phúc.
Rất ít người biết rằng lễ hội này vốn là một lễ hội …nhà binh. Tương truyền, vào thời nhà Tây Sơn, khi ấy khu vực này có lực lượng đồn trú canh phòng cửa Thị Nại, bảo vệ thành Hoàng Đế rất lớn. Ngày Tết, để binh sĩ đỡ buồn, vơi bớt nỗi nhớ nhà, quan binh cho mở hội Chợ Gò để họ vui chơi, đồng thời tạo cơ hội gắn kết quân dân, cộng đồng. Cái ý nghĩa ban sơ ấy nay đã mờ nhạt đi nhiều nhưng cái mục đích hướng tới thì ngày càng thêm đằm thắm.
Tuy Phước là một vùng đất thượng võ với Đô đốc Nguyễn Văn Lộc nổi tiếng của nhà Tây Sơn, thời hiện đại với các võ sư Hà Trọng Sơn, Mai Hoa Kỳ, Xã Hào, Phi Long Vịnh... vang danh.
Và Tuy Phước cũng sản sinh ra nhiều danh nhân văn hóa, điển hình như Lê Công Miễn thời Tây Sơn; Lê Đại Cang văn võ song toàn, lập nhiều đại công cho đất nước thời nhà Nguyễn; nhà soạn tuồng đại tài Nguyễn Diêu với những suy tư tầm nhân loại; các anh hùng trong phong trào Cần Vương Đào Doãn Địch và Võ Trứ... cũng góp phần làm rạng danh xứ sở này.
Đặc biệt, nhiều nhà văn hóa đã đánh giá hậu tổ tuồng Đào Tấn (1845 - 1907), người sinh ra ở làng Vinh Thạnh, Phước Lộc, có thể đứng ngang hàng với các kịch tác gia như William Shakespeare (Anh), Molière (Pháp) - những người đã làm rạng danh dân tộc Anh, Pháp. Đào Tấn xứng đáng như thế bởi những kiệt tác tuồng thấm đẫm tinh thần nhân văn, những suy tư vươn đến tầm nhân loại.
* * *
Bên những dòng sông xuôi về biển, từ hàng trăm năm qua và có lẽ cả nhiều trăm năm tới, con người Tuy Phước vẫn chân chất, đầy sức sống với lòng nhân hậu bắt rễ vào thẳm sâu những trầm tích văn hóa ngàn năm. Tuy Phước ngày xưa “ra biển” bằng ghe thuyền, thì hôm nay trong thời hội nhập, sẽ ra biển sẽ bằng chính những trầm tích văn hóa thâm hậu kết tinh thành di sản của mình.