Cuối tháng 8/2024, UBND tỉnh Bình Định tổ chức khánh thành dự án đường kết nối đường ven biển tỉnh Bình Định đoạn qua thị xã Hoài Nhơn. Tuyến này có chiều dài 7km, tổng mức đầu tư 786 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 400 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng từ ngân sách tỉnh Bình Định. Tuyến này được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với vận tốc thiết kế 80km/h; bề rộng nền đường 22m; mặt đường bằng bê tông nhựa rộng 19m với 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ; dải phân cách giữa rộng 2m; lề đất rộng 1m. Người dân sinh sống và sản xuất gần đường kết nối đường ven biển tỉnh Bình Định trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn rất phấn khởi khi dự án hoàn thành.
“Đường lớn làm ra, người dân rất ưng bụng, họ sắm xe đi lại. Mỗi lần lên Quốc lộ 1A lợi cả nửa đường. Làm nông cũng thuận hơn vì lúa khi thu hoạch cứ ngoài ruộng chở ngay về tới nhà. Vật liệu để làm biển cũng thuận tiện cho dân biển. Đường mở ra, đời sống người dân nâng lên. Nhà cửa phát triển cũng nhờ con đường này”, ông Đỗ Thành Lượt, 68 tuổi, trú khu phố Tăng Long 2, phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn chia sẻ.
Ông Lê Văn Long, 52 tuổi, khu phố Mỹ An 2, phường Hoài Thanh, thị xã Hoài Nhơn cho biết: “Đường kết nối đường ven biển tỉnh Bình Định trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn xe khách, xe chở hàng chạy nhiều. Chỗ bùng binh đây có đường rẽ ra Quốc lộ 1A, trước hết là thuận tiện đi xe hơn những ngày trước kia”.
Đường kết nối đường ven biển qua thị xã Hoài Nhơn được xác định là tuyến giao thông rất quan trọng. Điểm đầu của tuyến này được kết nối trực tiếp với đường bộ cao tốc Bắc - Nam đến đường ven biển đáp ứng nhu cầu vận tải theo hướng Đông - Tây ở phía Bắc tỉnh Bình Định.
Theo định hướng của tỉnh Bình Định, thị xã Hoài Nhơn là đô thị cửa ngõ phía Bắc, hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của tiểu vùng phía Bắc tỉnh; vùng phát triển đô thị mới gắn liền với phát triển công nghiệp hiện đại và gắn với động lực mới phía Bắc của tỉnh. Đây là khu vực có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển, gắn liền với du lịch dịch vụ. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng đường kết nối đường ven biển qua thị xã Hoài Nhơn đã thúc đẩy thực hiện các định hướng của tỉnh này đối với thị xã Hoài Nhơn. Đường kết nối này mở rộng không gian đô thị của thị xã về phía biển, từng bước hoàn thiện quy hoạch và định hướng phát triển đô thị thị xã Hoài Nhơn.
Ông Phạm Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn cho biết, đường kết nối đường ven biển trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, thúc đẩy cực tăng trưởng phía Bắc tỉnh. Từ đường lớn do tỉnh đầu tư, thị xã Hoài Nhơn đưa vào quy hoạch xây dựng các tuyến kết nối để tạo hệ thống giao thông đồng bộ.
“Trục Đông - Tây này tạo ra quỹ đất đã được quy hoạch đồng bộ các khu để phát triển trong thời gian đến. Kết nối từ cao tốc đi xuống biển, khoảng 6km đi rất gần, để cho người dân có nhu cầu phát triển về du lịch cũng như phát triển về Logistrics, đầu tư về giao thông vận tải của thị xã Hoài Nhơn và các huyện phía Bắc tỉnh Bình Định. Trên cơ sở quy hoạch làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đến năm 2030 có một ga đường sắt cao tốc tại phường Hoài Tân rất thuận lợi để sau này phát triển kinh tế”, ông Phạm Văn Chung cho biết.
Ban Quản lý dự án Giao thông tỉnh Bình Định được UBND tỉnh này giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư 10 dự án giao thông quan trọng trong giai đoạn trung hạn 2021 - 2025 với tổng mức đầu tư gần 9.700 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 5.120 tỷ đồng, bao gồm 1 dự án nhóm A và 8 dự án nhóm B, 1 dự án nhóm C. Trong các dự án được đầu tư trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, dự án đường ven biển tỉnh Bình Định đoạn Cát Tiến - Diêm Vân có quy mô lớn nhất.
Những công trình do Ban Quản lý dự án Giao thông tỉnh Bình Định thực hiện sẽ kết nối giao thông theo hướng Đông - Tây trên địa bàn các huyện, thị xã: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, An Nhơn, Tuy Phước với trung tâm thành phố Quy Nhơn; kết nối thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn với các tỉnh khu vực Tây Nguyên và ngược lại. Những cung đường huyết mạch nội tỉnh Bình Định đang mở rộng quỹ đất phát triển đô thị, dịch vụ thương mại, du lịch. Ông Lưu Nhất Phong, Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Định cho biết, các công trình khi được triển khai luôn đáp ứng tiến độ, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh:
“Đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình và phải đảm bảo chất lượng công trình đưa vào khai thác được bền vững và lâu dài. Trong đó một vấn đề quan trọng nhất là xác định xây dựng kết cấu hạ tầng là những vấn đề trọng điểm, trọng tâm của Ban. Do đó, chúng tôi nâng cao ý thức của cán bộ quản lý điều hành dự án, đặc biệt các chủ thể tham gia dự án để các việc quản lý dự án ngày càng nâng cao; việc kiểm soát tiến độ cũng được đẩy nhanh. Xác định ý thức trách nhiệm từng đơn vị trong việc tạo ra sản phẩm xây dựng đạt chất lượng và tăng cường công tác quản lý chất lượng ở tất cả các khâu”, ông Lưu Nhất Phong chia sẻ.
Trong chiến lược phát triển, tỉnh Bình Định chọn giao thông “đi trước mở đường”. Điểm khác biệt giữa tỉnh Bình Định với các tỉnh thành khác trong khu vực thể hiện rõ qua việc đầu tư, nâng cấp các tuyến giao thông quan trọng, tạo nên một hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại. Tỉnh này tập trung phát triển các tuyến giao thông trục Bắc - Nam như tuyến đường bộ ven biển, đường bộ cao tốc và đầu tư các trục giao thông theo hướng Đông - Tây để hình thành các hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối với các tỉnh Tây Nguyên.
Bình Định cân đối nguồn ngân sách tỉnh, tận dụng nguồn lực và hỗ trợ từ trung ương để đầu tư hạ tầng giao thông. Các tuyến giao thông trọng điểm của tỉnh đều gắn với sự phát triển vùng, địa phương và đặc biệt là thu hút được các doanh nghiệp “đại bàng” về tỉnh đầu tư hạ tầng khu đô thị, dịch vụ và khu công nghiệp hiện đại. Trong quy hoạch, hướng tuyến giao thông, các điểm, nút giao thông tỉnh Bình Định luôn tính đến phát triển gắn với đô thị, thương mại dịch vụ công nghiệp, gắn với tái định cư.
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định khẳng định, hạ tầng giao thông là yếu tố quan trọng để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư. Đặc biệt, hạ tầng giao thông kết nối biển được xem là "chìa khóa" mở ra giá trị mới cho địa phương: “Chúng tôi đã thực hiện tốt 3 khâu đột phá, ấn tượng nhất là về hạ tầng, đặc biệt là về hạ tầng về giao thông. Tỉnh Bình Định đã đầu tư rất nhiều công trình kết nối như tuyến đường ven biển, đường từ sân bay Phù Cát đến khu Kinh tế Nhơn Hội, đường lên Khu Công Nghiệp Becamex VSIP Bình Định, đường từ cảng Quy Nhơn lên Quốc lộ 1A. Chúng tôi đang hoàn thành các đường kết nối trục xương cá kết nối Đông - Tây, cùng với Trung ương làm cao tốc Bắc - Nam. Đây là đột phá rất lớn so với nhiệm kỳ trước. Tỉnh đã thành công trong huy động nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng”.
Trong lần về thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự nỗ lực và những kết quả nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Định đạt được trong thời gian qua. Thủ tướng ghi nhận tinh thần tự lực, tự cường và những cách làm hay, hiệu quả trong phát triển hạ tầng của địa phương này (trong đó có đầu tư xây dựng và quy hoạch phát triển 2 bên đường ven biển tỉnh Bình Định)…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, đây là điểm sáng cần tiếp tục được phát huy và các bộ, ngành, địa phương nên nghiên cứu, nhân rộng: “Ấn tượng thứ nhất là các đồng chí cũng đã tự lực, tự cường để phát triển hạ tầng. Tôi đi cách đây mấy năm bây giờ quay lại rất khác, cái này là sự cố gắng rất lớn của các đồng chí. Các đồng chí đã chủ động làm, biến những khu đất trống, đồi trọc trở thành giá trị, vấn đề là các đồng chí quy hoạch lại khu đô thị, khu công nghiệp và khu dịch vụ như thế nào? Những con đường phía Đông của đường ven biển là chỉ có để dịch vụ chứ không cho làm nhà cao tầng. Còn khu công nghiệp và khu đô thị phía Tây của đường ven biển theo chiều từ Bắc vào Nam. Đất của Bình Định rất nhiều rồi, nối các con đường lại thì tự dưng giá trị gia tăng sẽ rất cao. Tôi tin rằng trong những năm tới đây khi hoàn thiện một bước nữa thì giao thông của Bình Định sẽ có sự phát triển”.
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 20.12.2024
Nguồn: VOV.VN