Trong chuyến công tác về Bình Định vào giữa tháng 3 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã kiểm tra tình hình triển khai Tiểu dự án đầu tư xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn).
Theo Ban Quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ N
N-PTNT), đến ngày 15/3, đơn vị này đã lập báo cáo nghiên cứu kỹ thuật Tiểu dự án đầu tư xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng Tam Quan. Dự án này nằm trong khuôn khổ Dự án Phát triển thủy sản bền vững (vốn vay WB).
Tiểu dự án đầu tư xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng Tam Quan được thiết kế 2 phương án, gồm: Phương án 1 là nạo vét khu neo đậu 30,7ha, nạo vét luồng từ cửa biển vào khu neo đậu 1.950m, xây kè bảo vệ bờ 2.355m, lắp đặt 9 phao tiêu, 6 biển báo hiệu; phương án 2 là ngoài các hạng mục như phương án 1, còn xây dựng thêm đê chắn cát giảm sa bồi luồng 650m.
Dự kiến tổng mức đầu tư công trình xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng Tam Quan theo phương án 1 là 378,5 tỷ đồng và phương án 2 là 710,8 tỷ đồng, trong đó có tính đến chi phí đền bù khoảng 77 tỷ đồng không bao gồm phần chi phí đền bù của 24ha bãi thải.
Theo ông Lê Văn Hiến, Trưởng Ban Quản lý các dự án nông nghiệp, đơn vị này đề nghị Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Bình Định thống nhất phương án 1, chưa đầu tư đê chắn cát để phù hợp với chủ trương đầu tư, giảm được thời gian và tinh giản thủ tục. Đối với phương án 2, có đê chắn cát sẽ tiếp tục nghiên cứu và đưa vào đầu tư ở giai đoạn 2, nhằm phù hợp với nguồn lực tài chính.
Cũng theo ông Hiến, trong tháng 6/2024, Ban Quản lý các dự án nông nghiệp sẽ trình Bộ NN-PTNT Dự án Phát triển thủy sản bền vững, trong đó có Tiểu dự án Khu neo đậu tránh trú bão Tam Quan. Sau ngày 30/6 sẽ tiến hành các bước đàm phán hiệp định và triển khai công tác thực hiện đầu tư trong giai đoạn 2024-2025.
“Qua đánh giá tác động môi trường, gần 1 triệu m3 cát nạo vét có thể là cát xây dựng. Vì thế, chúng tôi đề nghị UBND thị xã Hoài Nhơn xem xét, có ý kiến báo cáo UBND tỉnh Bình Định, để tỉnh có ý kiến với chủ đầu tư và tư vấn cập nhật, bảo quản tài sản này. Chính quyền địa phương đồng thời cùng xây dựng giải pháp, biện pháp nới giãn, giảm vốn đầu tư. Những vấn đề này rất quan trọng, nếu không thực hiện được 2 nội dung này thì Tiểu dự án đầu tư xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng Tam Quan rất khó thực hiện”, ông Lê Văn Hiến chia sẻ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, tỉnh này thống nhất với phương án 1. Tuy nhiên, ông Thanh đề nghị Bộ NN-PTNT bổ sung thêm 1 số hạng mục để đáp ứng các điều kiện tốt nhất cho việc truy xuất nguồn gốc thủy sản và đồng bộ, hiện đại hậu cần nghề cá.
“Ở giai đoạn 1 cần bổ sung một số hạng mục để nâng Cảng cá Tam Quan từ cảng cá loại 2 lên cảng cá loại 1, đây là điều rất bức thiết, bởi liên quan đến công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản đánh bắt, góp phần gỡ “thẻ vàng” IUU. Các hạng mục liên quan đến địa phương như bãi chứa, khu tái định cư, giải phóng mặt bằng, kế hoạch sử dụng đất, công tác quy hoạch,... Bình Định cam kết sẽ thực hiện đúng quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Tuấn Thanh khẳng định.
“Cảng cá Tam Quan được Bộ NN-PTNT công bố là cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác vào năm 2021; có tổng diện tích vùng nước cảng là 10ha, độ sâu luồng vào cảng 5m, diện tích đất cảng 3,8ha, số lượt tàu cá qua cảng 20.000 lượt/năm, năng lực bốc dỡ hàng hóa 40.000 tấn/năm, tổng sản lượng thủy sản lên cảng ước đạt 20.000 tấn/năm. Khu neo đậu Tam Quan hiện đã quá tải, mặc dù hằng năm chính quyền địa phương đã triển khai nạo vét, khơi thông luồng, nhưng chỉ đó chỉ là giải pháp “chữa cháy”, không bền vững”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, thông tin.
Thời gian qua, nhiều tàu cá ở tỉnh Bình Định gặp khó khi di chuyển từ cửa biển Tam Quan đến Cảng cá Tam Quan do luồng lạch và cửa biển bị bồi lắng.
Sau mỗi chuyến biển trở về, tàu cá BĐ 98252 TS (885 CV) của ngư dân Trần Văn Hậu ở phường Tam Quan Nam (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) đều cập cảng cá Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn) để bán sản phẩm. Gặp lúc thời tiết bất lợi, tàu cá BĐ 98252 TS của ông Hậu phải vật vã lắm mới di chuyển từ cửa biển Tam Quan vào Cảng cá Tam Quan an toàn. Theo ngư dân Trần Văn Hậu, luồng lạch từ cửa biển vào Cảng cá Tam Quan bị bồi lắng đã nhiều năm nay, nhưng chưa được khắc phục hiệu quả.
“Tàu của tôi mới vào cửa cũng bị mắc cạn, 1 chiếc tàu khác của ngư dân địa phương cũng lâm cảnh tương tự rồi bị sóng đánh dạt vào vách núi. Ngư dân ra khơi mong đánh bắt đạt sản lượng, mà khi tàu cập bờ bán sản phẩm cứ thấp thỏm lo tàu không vào được cửa biển vì luồng lạch bị bồi lắng liên tục khiến tàu không di chuyển được. Tài sản của gia đình nằm hết trên tàu, lỡ có bề gì vợ con không có gạo mà ăn. Nghe nói Trung ương, tỉnh hỗ trợ địa phương mở rộng cảng, khắc phục cửa biển, bà con ngư dân chúng tôi mừng hết lớn”, ngư dân Trần Văn Hậu bộc bạch.
Trong chuyến công tác tại Bình Định, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã đi kiểm tra thực địa tại thị xã Hoài Nhơn, làm việc với tỉnh Bình Định về công tác chuẩn bị đầu tư và tháo gỡ các vướng mắc cho Tiểu dự án đầu tư xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng Tam Quan.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, khu neo đậu tàu thuyền cần phải đảm bảo an toàn cho tàu cá, nhất là trong mùa mưa bão, kết hợp với phát triển du lịch, chế biến, bảo quản. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị của Bộ NN-PTNT phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bình Định và thị xã Hoài Nhơn, tính toán kỹ lưỡng các giải pháp triển khai Tiểu dự án xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng Tam Quan.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ: Chủ trương xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng Tam Quan là cấp thiết. Ngoài chọn phương án đầu tư, các đơn vị chức năng cần phải tính toán đến hiệu quả đầu tư. Cảng cá Tam Quan cần phải kết hợp với phát triển du lịch, chế biến, bảo quản… chứ không chỉ là nơi để neo đậu tàu thuyền. Do đó, những hạng mục xử lý môi trường, xử lý nước thải cũng phải thật hoàn thiện để nâng tầm Cảng cá Tam Quan. Khi nâng Cảng cá Tam Quan lên cảng cá loại 1, phải đảm bảo cảng cá được xây dựng hiện đại, vệ sinh gắn với chợ đấu giá, khu đấu giá cá ngừ đại dương…
“Đối với công tác giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư, chính quyền địa phương cần phải tìm kiếm những địa điểm có đủ điều kiện, phù hợp với yêu cầu của người dân, đặc biệt phải đảm bảo công khai, minh bạch”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
“Trong thời gian qua, luồng lạch và khu vực cửa biển Tam Quan thường xuyên bị bồi lấp, khối lượng bồi lấp vào cửa trung bình mỗi năm từ 50.000-150.000m3. Từ năm 2015 đến nay, UBND thị xã Hoài Nhơn thực hiện dự án nạo vét khơi thông luồng, kết hợp tận thu cát nhiễm mặn khu vực cửa biển Tam Quan. Việc nạo vét tạm luồng lạch thực hiện lặp lại liên tục hằng năm đến nay đã kết thúc. Lý do là sau khi nạo vét, tình trạng bồi lấp vẫn tiếp tục diễn ra gây ảnh hưởng phương tiện hoạt động nghề cá và thời vụ đánh bắt của ngư dân”, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn (Bình Định), nói.
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 20.03.2024
Nguồn: NONGNGHIEP.VN