Chủ động từ khâu dữ liệu: Sẵn sàng kích hoạt khi có thiên tai
Bình Định là địa phương thường xuyên hứng chịu nhiều loại hình thiên tai, gồm: áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, dông sét, lốc xoáy, hạn hán, xâm nhập mặn và đặc biệt là sạt lở đất tại khu vực đồi núi phía Tây. Trong giai đoạn 1999–2023, thiên tai đã làm 471 người chết, 355 người bị thương, gây thiệt hại ước tính trên 12.800 tỷ đồng.
Trước thực trạng đó, ngay từ đầu năm 2022, tỉnh Bình Định đã xây dựng kế hoạch ứng phó thiên tai mang tính chiến lược. Một trong những bước đi đầu tiên là điều tra cơ bản toàn bộ nhà ở dân cư trên toàn tỉnh – một công việc chưa từng có tiền lệ với quy mô dân số hơn 1,5 triệu người.
Ông Nguyễn Tường Vĩ, chuyên viên Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bình Định chia sẻ: “Tỉnh đã xây dựng một bộ dữ liệu nhà ở rất chi tiết, giúp phân loại mức độ an toàn của từng hộ khi xảy ra bão lũ. Nhờ vậy, các phương án sơ tán, bảo vệ dân được thực hiện chủ động và sát thực tế hơn”.
Theo đó, nhà ở được phân thành 4 nhóm theo mức độ an toàn với bão. Dựa trên thông tin này, tỉnh xây dựng các kịch bản sơ tán theo từng cấp độ thiên tai. Hệ thống ứng phó được tổ chức theo nguyên tắc “4 tại chỗ”, đảm bảo có lực lượng, phương tiện, hậu cần và chỉ huy ngay tại cơ sở.
Bình Định đã xây dựng 4 kịch bản ứng phó với bão và 3 kịch bản ứng phó với lũ, cho phép chính quyền địa phương chủ động lên phương án sơ tán ngay từ đầu mùa mưa bão.
“Khi thiên tai xảy ra, hệ thống sẽ lập tức được kích hoạt. Lực lượng tại xã, thôn được triển khai, tổng hợp nhanh số lượng người cần sơ tán, địa điểm tiếp nhận, phương tiện và lực lượng tham gia. Mọi thông tin đều được cập nhật và báo cáo ngay trong ngày”, ông Vĩ cho biết.
Từ năm 2022 đến nay, dù Bình Định chưa phải đối mặt với đợt bão lớn hay lũ nghiêm trọng đến mức phải sơ tán hàng loạt, tỉnh vẫn duy trì sự chủ động. Hàng năm, các hợp tác xã, cán bộ xã, thôn đều được tập huấn về phòng chống thiên tai, sử dụng phần mềm báo cáo và xử lý thông tin.
Định hướng của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo là khoanh vùng rủi ro thiên tai đến từng hộ dân, nhằm giảm thiểu sơ tán diện rộng, tránh gây xáo trộn không cần thiết. Việc này đòi hỏi phải gắn tọa độ cho từng ngôi nhà, bổ sung thêm các lớp dữ liệu như địa hình, lịch sử ngập lụt và ảnh hưởng của sạt lở đất. Dù khối lượng công việc lớn, tỉnh vẫn kiên trì từng bước hoàn thiện nhờ nền tảng dữ liệu đã xây dựng.
Mô hình có thể nhân rộng
Trong hệ thống ứng phó thiên tai của Bình Định, cảnh báo sạt lở đất là một cấu phần quan trọng, nhất là tại các huyện miền núi như Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân,… nơi thường xuyên xảy ra mưa lớn và có địa hình dốc.
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, GS.TS. Đỗ Minh Đức (Viện Địa chất, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), người trực tiếp xây dựng hệ thống cảnh báo sớm trượt lở đất cho Bình Định, cho biết: “Chúng tôi phát triển mô hình tích hợp cảm biến, phần mềm xử lý và kênh cảnh báo, với chi phí phù hợp để có thể nhân rộng ở các địa phương khác”.
Hệ thống này gồm nhiều thiết bị đo đạc được bố trí ngay tại hiện trường như: máy đo mưa tự động, cảm biến độ ẩm đất, cảm biến nghiêng, đo rung động, camera giám sát. Dữ liệu thu thập theo thời gian thực, truyền về trung tâm qua mạng 4G hoặc vệ tinh, cho phép đánh giá liên tục nguy cơ trượt lở theo lượng mưa tích lũy và tình trạng đất đá.
Đáng chú ý, nhóm nghiên cứu đã xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở với tỷ lệ 1:10.000 đến 1:25.000 cho các địa bàn trọng điểm. Bản đồ này kết hợp với hệ thống thông tin địa lý (GIS) để giám sát trực tuyến và kích hoạt cảnh báo.
“Ngay khi lượng mưa vượt ngưỡng theo từng địa hình cụ thể, hệ thống sẽ tự động phát cảnh báo bằng tin nhắn SMS, qua app điện thoại hoặc phát loa tại các điểm dân cư gần khu vực có nguy cơ”, GS Đức chia sẻ.
Toàn bộ hệ thống được thiết kế để nội địa hóa, từ thiết bị đến phần mềm, nên chi phí triển khai chỉ bằng 20–30% so với hệ thống nước ngoài, nhưng vẫn đảm bảo độ tin cậy và khả năng vận hành ổn định ở vùng sâu, vùng xa. Một số cụm cảnh báo đã được lắp đặt thử nghiệm tại huyện Vĩnh Thạnh và An Lão từ năm 2023, bước đầu mang lại kết quả khả quan.
Từ góc độ của người từng trực tiếp chỉ đạo ngành nông nghiệp, TS. Cao Đức Phát – nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Chủ tịch Quỹ Phòng chống thiên tai – đánh giá cao mô hình mà Bình Định đang triển khai. Ông cho rằng: “Đây là ví dụ điển hình cho cách làm bài bản, hiệu quả trong cảnh báo sớm đa thiên tai, từ cấp tỉnh tới cấp hộ. Kinh nghiệm của Bình Định hoàn toàn có thể được chia sẻ, áp dụng tại nhiều địa phương khác”.
Với sự chủ động từ cấp chính quyền, cùng với việc ứng dụng công nghệ phù hợp, công tác ứng phó thiên tai ở Bình Định đã hoàn toàn có thể chuyển từ “bị động xử lý” sang “chủ động phòng tránh”. Quan trọng hơn cả, là dữ liệu đầy đủ, kế hoạch chi tiết và con người tại chỗ – những yếu tố cốt lõi giúp bảo vệ an toàn cho hơn 1,5 triệu người dân tỉnh Bình Định trước những biến động ngày càng khó lường của thời tiết.
THÔNG TIN NGUỒN TINBình Định đặt mục tiêu đến năm 2030, có 80% số hộ dân thuộc khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai có nhà ở an toàn; hoàn thành di dời ít nhất 70% các hộ dân sinh sống ở nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Với khu vực chưa thể di dời, được lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cảnh báo để kịp sơ tán, giảm thiểu rủi ro khi xảy ra thiên tai; 100% các khu vực ngầm tràn được giám sát và cảnh báo độ sâu nước ngập.