Kết nối qua các phiên giao dịch việc làm
Trong 108 phiên giao dịch việc làm được tổ chức ở 8 tháng đầu năm 2024, có 15 phiên giao dịch việc làm cố định và 93 phiên lưu động. Số lượng phiên giao dịch việc làm lưu động được tổ chức nhiều, trải rộng khắp các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã cho thấy nỗ lực của đơn vị và sự phối hợp tích cực, hiệu quả của Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện, các tổ chức, đơn vị liên quan.
Các phiên giao dịch việc làm này đã thu hút 424 lượt DN tham gia tuyển dụng trực tiếp và 637 lượt DN tuyển dụng gián tiếp thông qua ủy quyền cho Trung tâm. Có hơn 7.300 lượt lao động đã tham gia và được tư vấn tại các phiên giao dịch việc làm. Qua đó đã giới thiệu việc làm cho 975 lao động.
Ông Trần Văn Nghiêu, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Phù Cát cho biết: Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định và Phòng đã có kế hoạch phối hợp từ sớm, hoàn thành việc tổ chức phiên giao dịch việc làm tại 18/18 xã, thị trấn trong nửa đầu năm để giúp người lao động có thông tin, tìm kiếm việc làm trong nước và xuất khẩu lao động. Thông qua các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm tổ chức, có 70 lao động được tạo việc làm mới, trong đó có 34 lao động đăng ký học nghề, 28 lao động được giới thiệu việc làm và 8 lao động tham gia đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng.
Cũng từ đầu năm đến nay, thực hiện nhiệm vụ tư vấn việc làm và học nghề cho người lao động, có hơn 48.800 lao động và quân nhân chuẩn bị xuất ngũ năm 2024 được hỗ trợ (đạt 97,6% kế hoạch). Trong đó, có hơn 3.100 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và người dân tộc thiểu số.
Số lao động được cung ứng, giới thiệu việc làm hơn 4.990 người (đạt 98% kế hoạch). Gồm 4.847 người được giới thiệu việc làm trong nước, 143 người tham gia xuất khẩu lao động (trong đó có 124 người đi làm việc theo hợp đồng tại Nhật Bản).
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định kết nối DN và người lao động tại các phiên giao dịch việc làm lưu động. Ảnh: NGUYỄN MUỘI |
Đẩy mạnh tư vấn, dự báo thị trường lao động
Theo ông Lê Văn Nghinh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định, qua khảo sát, tiếp nhận nhu cầu lao động của DN trong nước, có thể thấy nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao đẳng, đại học ít, chủ yếu là lao động phổ thông. Các chính sách, chế độ đãi ngộ của DN chưa hấp dẫn người lao động, dẫn đến số lượng lao động đăng ký việc làm và được phỏng vấn tại các phiên giao dịch việc làm còn ít. DN tham gia tuyển dụng chưa đa dạng ngành nghề, chủ yếu là trên lĩnh vực may mặc, giày da, chế biến gỗ, chế biến đá xây dựng... với tiền lương, thu nhập thấp nên khó thu hút người lao động, đặc biệt là lao động vùng sâu, vùng xa, người nghèo, cận nghèo.
“Từ nay đến cuối năm, Trung tâm sẽ tiếp tục cải tiến nâng cao chất lượng lãnh đạo, điều hành; nghiên cứu, quán triệt, vận dụng các văn bản của Nhà nước, của ngành để tham mưu, đề xuất chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao. Trong đó, sẽ tập trung chỉ đạo các công tác trọng tâm như: Nâng cao hiệu quả hoạt động sàn giao dịch việc làm; công tác tư vấn giới thiệu việc làm và cung ứng lao động, tập trung đẩy mạnh công tác tư vấn tuyên truyền đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; công tác dự báo và phân tích thông tin thị trường lao động”, ông Nghinh nói.
Đối với công tác tạo nguồn, cung ứng xuất khẩu lao động, Trung tâm sẽ tăng cường các hoạt động tuyên truyền, tư vấn; tạo mối liên hệ gắn kết giữa cán bộ Trung tâm với đội ngũ tuyên truyền viên để hỗ trợ tư vấn kịp thời cho người lao động khi cộng tác viên yêu cầu. Đồng thời, phối hợp với cán bộ thôn rà soát danh sách đối tượng lao động trong độ tuổi, nhất là số học sinh sau kỳ thi THPT, mời gia đình và người lao động tham dự buổi tư vấn, vận động để cung cấp thông tin đúng, trúng…
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 04.9.2024
Nguồn: BAOBINHDINH.VN