Hội thảo với chủ đề “Tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương trong thời kỳ đổi mới từ thực tiễn tỉnh Bình Định” nhằm tạo ra một diễn đàn để các nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, các chuyên gia, các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp đổi mới, kiện toàn tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở Việt Nam.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn cho biết, trong thời gian qua và nhất là từ khi thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, hoạt động của chính quyền các cấp trong tỉnh đã có nhiều đổi mới so với trước. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được xác định rõ ràng và cụ thể hơn, chuyển dần từ tư duy “quản lý xã hội” sang “quản trị xã hội, kiến tạo và phục vụ”; cơ cấu tổ chức bộ máy gọn nhẹ hơn, hoạt động hiệu quả hơn; quá trình chuyển đổi số trong chính quyền các cấp có nhiều chuyển biến tích cực; đội ngũ công chức, viên chức được củng cố, kiện toàn, có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn năng động, sáng tạo… góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của tỉnh. Năm 2023, chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong công tác giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của Bình Định xếp thứ nhất trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Kim Toàn, Hội thảo lần này giúp nhận diện những kết quả đạt được, những mặt hạn chế và rút ra bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó các cấp ủy và chính quyền địa phương tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và kiện toàn tổ chức, hoạt động của chính quyền ngày càng hiệu quả hơn. Đồng thời, hội thảo cũng cung cấp cơ sở quan trọng để các cấp ủy và chính quyền địa phương tham khảo những nội dung phù hợp đưa vào định hướng trong văn kiện Đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2025 - 2030 của cấp mình.
Giáo sư - Tiến sĩ Lê Văn Lợi Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, đánh giá chung trong cả nước cho thấy việc thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính từ cấp huyện, cấp xã, một số nơi chưa thực hiện kiên quyết, đồng bộ, cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương chưa thực sự hợp lý, một số đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chưa cao, chủ yếu là hoạt động kiêm nhiệm.
Cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện còn cồng kềnh. Việc sắp xếp cán bộ ở một số nơi còn máy móc chưa gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương và một số nơi chưa đổi mới mạnh mẽ; chức năng, nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền chưa thật sự rõ ràng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao. Việc xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương. Mô hình, giải pháp triển khai chính quyền điện tử, chính quyền số ở một số địa phương chưa thực sự nổi trội.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, các đại biểu tập trung làm rõ một số vấn đề như: Về cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý để kiến tạo mô hình chính quyền địa phương của Việt Nam phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; làm rõ những hạn chế, bất cập và nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến những hạn chế, bất cập trong tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương. Đại biểu cũng chỉ ra những điều kiện, tiêu chí đa dạng hóa các mô hình chính quyền địa phương nhằm tạo ra đột phá về thể chế để phát huy tiềm năng, thế mạnh, vai trò, tính chất của các đô thị lớn…
Nhiều đại biểu cho rằng cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương tiếp tục hoàn thiện pháp luật, thể chế về tổ chức chính quyền địa phương để tạo cơ sở pháp lý vững chắc nhằm không ngừng đổi mới tổ chức, hoạt động chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để đáp ứng yêu cầu quản lý và quản trị xã hội, phù hợp với đặc điểm về tự nhiên, kinh tế xã hội, từng đơn vị hành chính lãnh thổ cũng như phù hợp với khuôn khổ chung của chính sách, pháp luật, của thể chế.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, bảo đảm tính chuyên nghiệp trong quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; để Hội đồng nhân dân thực sự phát huy vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân địa phương
Đối với Ủy ban nhân dân, cần xây dựng các giải pháp để phân định rõ trách nhiệm giữa thẩm quyền, trách nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cũng như tập thể Ủy ban nhân dân, nhất là trong việc thực thi nguyên tắc hoạt động theo chế độ tập thể. Sắp xếp cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo vị trí việc làm, hướng đến xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, hiện đại.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương điều chỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính các cấp hiện nay, nhất là đối với cấp huyện, cấp xã đồng bộ, thống nhất, thiếu tiêu chí thì phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, đô thị phải xác định rõ đối tượng, lộ trình sắp xếp và phải bảo đảm sự đồng thuận của nhân dâ; khuyến khích các địa phương chủ động đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính tinh gọn, phù hợp với thực tiễn địa phương.
Tiếp tục cải cách hành chính nhà nước ở địa phương, xây dựng chính quyền địa phương điện tử, chính quyền số, thực hiện hiệu quả phân cấp, phân quyền, ủy quyền giữa chính quyền Trung ương với chính quyền địa phương, cải cách hành chính nhà nước của địa phương và xây dựng chính quyền địa phương điện tử, chính quyền số…
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 27.7.2024
Nguồn: BAOTINTUC.VN