Doanh thu du lịch, dự án chậm tiến độ… làm “nóng” kỳ họp HĐND tỉnh Bình Định
Ngày 12/12, Kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII nhiệm kỳ 2021-2026 bước vào phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn.
Các đại biểu chất vấn về các dự án được cấp phép, triển khai đầu tư lâu năm nhưng vẫn chưa hoàn thành dù tỉnh đã nhiều lần nhắc nhở. Việc này ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, đời sống của người dân và phát triển kinh tế của tỉnh.
Giám đốc Sở KH&ĐT Bình Định cho biết, qua kiểm tra, rà soát có nhiều dự án trước đây chậm lại, hoặc ngừng triển khai một thời gian thì trong năm 2024 đã bắt đầu triển khai lại, trong đó có nhiều dự án rất lớn, vốn hàng nghìn tỷ đồng.
Trong 2 năm 2023-2024, Sở đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành phạt vi phạm hành chính đối với 15 dự án chậm triển khai nhưng không có lý do khách quan, với số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 1,2 tỷ đồng. Đồng thời, từ năm 2020 đến năm 2024 tỉnh đã tiến hành chấm dứt, thu hồi 97 dự án.
Theo ông Trần Văn Thanh – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định, trong năm 2024, khách tham quan, du lịch đến tỉnh này ước đạt 9,2 triệu lượt, tăng 83,9% so với năm 2023 (trong đó khách quốc tế 93.850 lượt, tăng 17,3%; khách nội địa hơn 9,1 triệu lượt, tăng 85%).
Doanh thu du lịch của tỉnh Bình Định năm 2024 ước đạt 25.500 tỷ đồng (năm 2023 là 16.405 tỷ đồng), tăng 55,4%.
Ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định yêu cầu, Cục trưởng Cục thuế tỉnh trả lời việc thu thuế nộp ngân sách liên quan đến ngành du lịch có tăng không, trong khi khách và doanh thu đều tăng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Định khẳng định, nếu năm 2023, tổng thu thuế từ hoạt động nhà hàng, khách sạn trên địa bàn toàn tỉnh chỉ tầm 111 tỷ đồng, thì đến năm 2024 (tính đến hết tháng 11) thì doanh thu của nhà hàng khách sạn mà doanh nghiệp kê khai đạt 4.590 tỷ đồng và số thu thuế đạt được 164 tỷ đồng. (congly.vn)
Thành phố Quy Nhơn có khách sạn đầu tiên đạt tiêu chuẩn 5 sao
Ngày 12/12, tại Khách sạn Anya Premier Quy Nhơn đã diễn ra Lễ Công bố quyết định Khách sạn Anya Premier Quy Nhơn đạt tiêu chuẩn 5, đây là khách sạn đầu tiên trên địa bàn thành phố Quy Nhơn được Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam công nhận là khách sạn 5 sao.
Ông Ngô Thanh Hoàng, Phó Tổng Giám đốc chuỗi Anya Hotel Group cho biết: Khách sạn Anya Premier Quy Nhơn, trực thuộc hệ thống Anya Hotel Group, đã vượt qua quy trình kiểm tra nghiêm ngặt, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe về cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ và mức độ hài lòng của khách hàng. Việc công nhận Khách sạn Anya Premier Quy Nhơn đạt chuẩn 5 sao đã khẳng định những nỗ lực, cố gắng của đơn vị cũng như của ngành Du lịch tỉnh nhà trong việc phát triển các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp.
Ông Nguyễn Phạm Kiên Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Định cho biết: “Với phương châm phát triển du lịch trở thành ngành Kinh tế mũi nhọn, những năm qua, Bình Định đã ngày càng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến và dần khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam. Việc Khách sạn Anya Premier Quy Nhơn được công nhận 5 sao đã góp phần thúc đẩy du lịch theo hướng chất lượng cao, tăng tỷ trọng khách quốc tế. Đồng thời, góp phần tăng tỷ lệ đóng góp của ngành Du lịch vào GRDP, tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương”. (baoxaydung.com.vn)
Bình Định: Thực hiện nhiệm vụ kép là tăng trưởng và tạo dư địa để đột phá
Chiều 12/12, HĐND tỉnh Bình Định bế mạc kỳ họp thứ 20 – kỳ họp chuyên đề cuối năm 2024, thông qua quyết nghị ban hành 58 Nghị quyết quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và công tác nhân sự.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho rằng, kết quả phát triển KT-XH của tỉnh năm 2024 thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, việc phát triển của tỉnh năm nào cũng tạo dư địa phát triển cho năm sau.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, năm 2025 tỉnh phải thực hiện hai nhiệm vụ kép là phấn đấu GRDP trên 8,5% và tạo dư địa, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho giai đoạn tiếp theo - giai đoạn đột phá, vươn mình của tỉnh Bình Định, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trên cơ sở đó, người đứng đầu chính quyền tỉnh mong muốn toàn hệ thống chính trị đồng tâm, hợp lực triển khai cụ thể các công việc, với tinh thần quyết tâm cao nhất, bắt đầu ngay từ đầu năm để hoàn thành vượt mức mọi chỉ tiêu ở mức cao nhất.
"Sau kỳ họp này, UBND tỉnh sẽ làm việc và giao chỉ tiêu phát triển cho từng địa phương"- ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - nhấn mạnh.
Kết luận phiên họp chung, ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND - tỉnh đánh giá các đại biểu HĐND tỉnh đã thể hiện trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi rõ ràng, có trong tâm, đi thẳng vào vấn đề, lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản trả lời đầy đủ, thẳng thắn, giải trình, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để triển khai hiệu quả thời gian tới.
"Đây là lần đầu tiên cả Chủ tịch UBND tỉnh cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo nhiều sở, ngành có ý kiến giải trình, làm rõ những vấn đề cử tri, đại biểu HĐND tỉnh quan tâm. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, xây dựng, mang tính đối thoại giữa đại biểu HĐND tỉnh và người được chất vấn", Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng nói.
Ông Hồ Quốc Dũng cũng đề nghị Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh và tổ đại biểu HĐND tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc giải quyết các kiến nghị chính đáng của cử tri, giám sát việc thực hiện các cam kết, lời hứa của lãnh đạo UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành qua giải trình, trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này, kịp thời tham mưu, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền và các cấp, các ngành của tỉnh giải quyết kịp thời những bất cập, phát sinh từ cơ sở. (nguoiduatin.vn)
Bí thư Bình Định nói về sáp nhập 12 sở, ngành: 'Đừng suy nghĩ rồi chùn bước'
Ngày 12.12, tại kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Bình Định đã thông qua 58 nghị quyết quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và công tác nhân sự.
Tại kỳ họp lần này, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định, cho rằng từng khâu giải quyết công việc của các cấp, ngành, địa phương vẫn còn sợ sai, sợ trách nhiệm nên vẫn có tình trạng né tránh. Năm 2025, tỉnh Bình Định tiếp tục đổi mới cách nghĩ, cách làm đột phá, dám nghĩ, dám làm vì quê hương.
Theo ông Dũng, từ đầu năm 2025, tỉnh Bình Định sẽ thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Bình Định có 12 sở, ngành phải sáp nhập, đồng thời tiếp tục rà soát các sở, ngành còn lại, các ban quản lý dự án, các đơn vị sự nghiệp... theo phương châm vừa giảm các sở, ngành, vừa giảm đầu mối.
"Tôi đề nghị các giám đốc sở với tinh thần quyết tâm cống hiến hết mình cho quê hương, dù ở cương vị nào, sắp xếp ở vị trí nào thì cũng nỗ lực. Chúng ta đừng nên suy nghĩ rồi chùn bước. Trong cuộc sắp xếp này thì có người ở, có người đi, có người phải giảm", ông Dũng nói. (thanhnien.vn)
Bình Định: Thông qua nghị quyết thành lập TP.An Nhơn
Chiều 12.12, tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Định, các đại biểu dự họp đã thông qua nghị quyết thành lập các phường thuộc TX.An Nhơn và thành lập TP.An Nhơn (Bình Định).
Theo đó, tổng số đại biểu tham gia biểu quyết 52/53 đại biểu. Trong đó, số đại biểu tán thành dự thảo 52 đại biểu, tỷ lệ 100%; 98,11% so với tổng số đại biểu HĐND tỉnh Bình Định.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Định, ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định, báo cáo tờ trình của UBND tỉnh Bình Định về chủ trương thành lập các phường thuộc TX.An Nhơn và thành lập TP.An Nhơn (Bình Định).
Theo ông Tuấn, hồ sơ đề án thành lập các phường và TP.An Nhơn đã đảm bảo theo quy định tại nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 và nghị quyết số 50 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15.
Quá trình chuẩn bị đề án của TX.An Nhơn bảo đảm đúng trình tự, thủ tục; được lấy ý kiến cử tri, đại biểu HĐND các cấp với tỷ lệ tán thành cao. (thanhnien.vn)
Lễ hội trên 200 năm làng chài ở Bình Định thành di sản
Ngày 12/12, Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) tỉnh Bình Định cho biết Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã ký quyết định đưa lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý nằm trên địa bàn xã Nhơn Lý, TP. Quy Nhơn còn có tên gọi khác là lễ hội Khai sơn Cầu ngư Xương Lý ra đời từ hơn 200 năm trước, là một trong các lễ hội truyền thống lâu đời, gắn kết với đời sống ngư dân miền biển ở Bình Định.
Lễ hội là hồi ức về không gian đánh bắt hải sản trên biển cả, ẩn chứa nét văn hóa tín ngưỡng ngư dân vùng biển qua nhiều giai đoạn trong diễn trình lịch sử.
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân - Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý - cho hay đây là lễ hội cầu ngư truyền thống có từ xa xưa được bà con ngư dân gìn giữ và tổ chức hàng năm để cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, biển nhiều tôm, cá, thuyền bè ra khơi an lành, khi về bến tôm cá đầy khoang, đời sống ngư dân sung túc.
Sau phần lễ là phần hội với các trò chơi dân gian gắn liền với ngư dân miền biển như đua thuyền, bơi thúng, bơi lội… và đặc biệt không thể thiếu hát tuồng, hát bài chòi (thường diễn ra 7-8 đêm). (tienphong.vn)
Bình Định: Công an xã kịp thời cứu 2 người bị lũ cuốn trôi
Ngày 12/12, Công an xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) cùng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở của xã Phước Hòa tuần tra các tuyến đường bị ngập úng trên địa bàn xã để tham mưu chốt chặn tránh nguy hiểm cho người dân.
Khi đến khu vực đoạn tràn đường bê tông thôn Kim Đông, xã Phước Hòa, lực lượng phát hiện có 2 người dân đi xe máy qua đoạn này bị dòng nước cuốn trôi cả người và xe. Phát hiện người gặp nạn, lực lượng công an kịp thời ứng cứu, đưa 2 người và xe máy lên bờ an toàn.
Do tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, nhiều tuyến đường trên địa bàn xã Phước Hòa (Tuy Phước) bị ngập cục bộ. Với các tuyến đường, bờ tràn bị ngập lụt trên địa bàn, Công an xã Phước Hòa đã tham mưu Chính quyền địa phương xã Phước Hòa đã bố trí chốt chặn 2 đầu, không cho người và phương tiện lưu thông để đảm bảo an toàn. (nguoiduatin.vn)
Mưa lớn gây ngập úng hàng nghìn hecta lúa mới gieo sạ ở Bình Định
Ngày 12/12, báo cáo nhanh từ Văn phòng Thường trực về phòng, chống thiên tai tỉnh Bình Định cho biết, đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 11 - 12/12 đã khiến hàng nghìn hecta lúa vụ Đông - Xuân 2024 - 2025 mới gieo sạ trên địa bàn tỉnh bị ngập úng, có khả năng gây chết giống.
Các huyện, thị xã, thành phố triển khai lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Các địa phương tổ chức canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các khu vực ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn. Các địa phương bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa nước và hạ du; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu…
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Định, lượng mưa đo được từ 19 giờ ngày 11 đến 16 giờ ngày 12/12 phổ biến từ 40 - 80mm, có nơi trên 10 mm. Một số địa phương có lượng mưa lớn như: Canh Liên (Vân Canh) 152mm, thành phố Quy Nhơn 144mm, Ân Tường (Hoài Ân) 110mm, Vĩnh An (Tây Sơn 115mm)…
Dự báo từ chiều tối 12 đến hết ngày 15/12, khu vực Bình Định tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 30 - 60mm, có nơi trên 100mm. Toàn tỉnh có 164 hồ chứa có dung tích từ 50.000 m3 trở lên. Đến thời điểm báo cáo (17 giờ 38 phút ngày 12/12), dung tích là 503/684 triệu m3, đạt 73,5% dung tích thiết kế, bằng 81% so với cùng kỳ năm 2023 (621 triệu m3). Hiện, có 48 hồ đầy nước. (baotintuc.vn)
Bình Định hướng dẫn áp dụng hệ số K làm cơ sở tính toán mức chi trả DVMTR
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, hệ số được xác định cho từng lô rừng, làm cơ sở để tính toán mức chi trả dịch vụ môi trường rừng cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Hệ số K bằng tích các hệ số K thành phần.
Các hệ số K thành phần gồm hệ số 1 điều chỉnh mức chi trả dịch vụ môi trường rừng theo trữ lượng rừng. Hệ số K1 có giá trị bằng: 1,00 đối với rừng giàu; 0,95 đối với rừng trung bình; 0,90 đối với rừng nghèo, rừng nghèo kiệt, rừng chưa có trữ lượng, rừng tre nứa, rừng không phân chia trữ lượng và rừng trồng. Tiêu chí trữ lượng rừng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Trên cơ sở hướng dẫn áp dụng các hệ số K, ông Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các cơ quan, tổ chức liên quan phối hợp với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh xác định hệ số K của các lô rừng khi có sự thay đổi về trữ lượng, mục đích sử dụng, nguồn gốc hình thành và mức độ khó khăn. (baotainguyenmoitruong.vn)