Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định tiếp xúc với Mặt trận và các tổ chức thành viên
Chiều 02/12, tại TP. Quy Nhơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định có buổi tiếp xúc với Mặt trận và các tổ chức thành viên sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Dự hội nghị có các đồng chí Hồ Đức Phớc - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Lý Tiết Hạnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đồng Ngọc Ba, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh) và một số ĐBQH khác.
Tại hội nghị, cử tri nêu một số ý kiến liên quan đến việc thực hiện chức năng quản lý của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng, bởi tình hình kinh doanh vàng sẽ có nhiều biến động, nên đề nghị Quốc hội cần có sự giám sát chặt chẽ về hoạt động kinh doanh này trong thời gian tới. Mặt khác, các cử tri cũng đề nghị Quốc hội có ý kiến với Chính phủ, Bộ GD&ĐT cần xây dựng lộ trình dài hạn trong vấn đề cải cách, đổi mới giáo dục, tổ chức thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, dạy thêm và học thêm…
Cử tri đề nghị Chính phủ cần bảo đảm chế độ chính sách cho cán bộ công chức, viên chức khi triển khai sắp xếp đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy quản lý từ Trung ương đến địa phương; triển khai các giải pháp hỗ trợ để người dân vùng nông thôn, DN đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt; Chính phủ cần có cơ chế miễn visa đối với công dân của những nước là đối tác toàn diện, chiến lược với Việt Nam…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc tiếp thu các kiến nghị, đồng thời giải trình một số nội dung thuộc thẩm quyền. Với ý kiến miễn visa đối với công dân các nước là đối tác toàn diện, chiến lược, ông đánh giá đây là ý kiến rất hay của cử tri. Thời gian tới, Chính phủ sẽ trao đổi với Bộ Ngoại giao, nhằm trao đổi, làm việc với các nước; đồng thời, sẽ đưa ý kiến này vào chương trình làm việc với các đối tác chiến lược, toàn diện và những quốc gia khác, nhằm hướng đến mục tiêu thu hút đầu tư thương mại, du lịch của nước ngoài vào Việt Nam.
Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cũng thông tin đến cử tri về tình hình thu ngân sách nhà nước, tiến độ triển khai các dự án lớn như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, sân bay quốc tế Long Thành, sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan Trung ương, Chính phủ… (quochoi.vn)
Sắp xếp 6 phường ở TP Quy Nhơn thành 2 phường
TP Quy Nhơn (Bình Định) vừa tổ chức lễ công bố nghị quyết số 1257 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn TP Quy Nhơn.
Sau khi sắp xếp, TP Quy Nhơn có 17 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 12 phường và 5 xã.
TP Quy Nhơn cũng đã công bố quyết định chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ phường Thị Nại và phường Trần Phú (mới); công bố quyết định chuẩn y các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường Thị Nại và phường Trần Phú (mới).
Ông Phạm Anh Tuấn - chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - đánh giá việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; tối ưu hóa nguồn lực; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương...
"TP Quy Nhơn cần xây dựng phương án sắp xếp hợp lý, có phương án sử dụng hiệu quả trụ sở làm việc sau sắp xếp, tránh tình trạng lãng phí tài sản công; đảm bảo các phường sau sắp xếp nhanh chóng ổn định hoạt động; hỗ trợ chuyển đổi giấy tờ, giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình sáp nhập", ông Tuấn yêu cầu. (tuoitre.vn)
Thiếu không gian cho bảo vật quốc gia ở Bình Định
Theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bình Định Tạ Xuân Chánh, từ năm 2015 - 2024, tỉnh Bình Định có 13 bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận.
Tại Bảo tàng tỉnh, ngoài Mahisha Sura Mardini và Brahma, 6 bảo vật khác đang được bảo quản là: Cặp phù điêu chim thần Garuda diệt rắn, niên đại thế kỷ XII - XIV; phù điêu nữ thần Sarasvati, niên đại đầu thế kỷ XII; phù điêu thần hộ pháp Mả Chùa, niên đại thế kỷ XII; hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn, niên đại cuối thế kỷ XI - đầu thế kỷ XII. 5 bảo vật lưu giữ ở các địa phương, gồm: Cặp voi đá thành Đồ Bàn, niên đại nửa sau thế kỷ XII; 2 tượng hộ pháp chùa Nhạn Sơn, niên đại thế kỷ XII - XIII (thị xã An Nhơn), tượng thần Shiva chùa Linh Sơn (TP Quy Nhơn), niên đại thế kỷ XV.
“13 bảo vật quốc gia đều là hiện vật gốc, độc bản, quý hiếm, hình thức độc đáo”, ông Chánh đánh giá.
Bảo tàng Bình Định (26 Nguyễn Huệ, TP Quy Nhơn) vốn lưu dụng từ một cơ sở văn hóa xây năm 1969. Khu nhà cũ kỹ, xuống cấp, nội thất lạc hậu sau nhiều lần sửa chữa chắp vá. Ròng rã nhiều năm, 15.000 hiện vật chịu cảnh nhồi nhét, chen chúc trong kho bảo quản và không gian trưng bày chật chội. Bảo vật quốc gia cũng cùng cảnh ngộ; phải chung đụng, co cụm, lẩn khuất giữa vô vàn hiện vật khác. Giám đốc Bảo tàng Bùi Tĩnh bộc bạch: “Chúng tôi có đủ ý tưởng, nhân lực cho nghiệp vụ trưng bày, phát huy giá trị bảo vật, đảm bảo phục vụ công chúng yêu di sản tốt hơn nhưng đụng mặt bằng là thúc thủ”!
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang, người nhiều năm lăn lộn với công tác bảo tồn di sản ở Bình Định nhắc chuyện cũ: Chủ trương xây dựng, nâng cấp bảo tàng ra đời từ khi tỉnh Nghĩa Bình chưa chia tách. Hơn 30 năm, đề tài này thường xuyên trở đi trở lại; nhiệm kỳ lãnh đạo nào cũng đề cập đến tính cấp bách, xứng tầm của một công trình văn hóa. Thế nhưng, đến nay, ý tưởng trên vẫn chưa thành hiện thực. Ông Quang gọi sự chậm trễ đang diễn ra là “lãng phí rất lớn về tài nguyên văn hóa, du lịch”. (laodong.vn)
Bình Định ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp
Theo tin từ UBND tỉnh Bình Định, lãnh đạo tỉnh này vừa có Quyết định về việc “Ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh”. Theo đó, Sở Công Thương Bình Định sẽ là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước đối với CCN trên địa bàn tỉnh; các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan sẽ phối hợp với Sở Công Thương theo dõi, giải quyết các công việc liên quan đến công tác quản lý đối với CCN…
Theo đó, Quy chế “Quản lý CCN trên địa bàn tỉnh Bình Định” gồm có 3 chương, 18 điều, trong đó có một số nội dung quan trọng, như: Quy định nguyên tắc, phương thức, nội dung và trách nhiệm về quản lý, phát triển CCN trên địa bàn tỉnh Bình Định; Quy định về việc phối hợp thực hiện quản lý, phát triển đối với CCN; Nội dung quản lý CCN và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan; Quy định việc lập, phê duyệt, điều chỉnh Quy hoạch chi tiết CCN; Quy định việc lập, phê duyệt, điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN Quy định việc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN; Quy định việc Thực hiện các thủ tục về môi trường của dự án đầu tư xây dựngvà kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN; Việc thu hồi đất, cho thuê đất đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN; Tiếp nhận và thực hiện các thủ tục về đầu tư đối với các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh vào CCN; Quy định việc quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích; Trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN… (thuonghieucongluan.com.vn)
Tết này, người dân làng vùng cao O2 được sử dụng điện ổn định
Trước đây, mỗi hộ dân ở làng O2 được lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời với công suất 120Wp, mỗi hộ có 1 ắc quy tích trữ điện và 2 bóng đèn điện. Ngoài ra, làng O2 còn có 1 máy phát điện 1 pha với công suất 30 kVA nhưng chưa thể đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân ở đây. Đã vậy, máy phát điện hiện cũng đã hư hỏng, không thể sửa chữa được.
Để giải quyết nhu cầu bức thiết của người dân làng O2, năm 2023, Sở Công thương Bình Định đã phối hợp với Công ty Điện lực Bình Định, UBND huyện Vĩnh Thạnh tiến hành khảo sát, kiểm tra thực tế, đề xuất phương án cấp điện cho làng O2. Kết quả khảo sát cho thấy, hiện giao thông đến làng O2 chưa có nên kéo điện lưới quốc gia về làng O2 là bất khả thi.
Do đó, Sở Công thương Bình Định, Công ty Điện lực và UBND huyện Vĩnh Thạnh thống nhất đề xuất UBND tỉnh Bình Định phương án cấp điện cho người dân làng O2 trong thời gian tới là tiếp tục sử dụng nguồn điện tại chỗ bằng hệ thống điện năng lượng mặt trời có bộ lưu trữ điện. Đồng thời kết hợp dùng máy phát điện diesel để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho 54 hộ dân ở làng O2 khi thời tiết không đảm bảo hệ thộng điện mặt trời hoạt động.
Đầu tháng 11 vừa qua, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã ban hành Quyết định số 105/QĐ-BQL về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu với gói thầu "Khối lượng xây lắp, thiết bị công trình xây dựng hệ thống điện cho làng O2". Đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần Tổng hợp Vĩnh Thạnh, giá trúng thầu là hơn 2,26 tỷ đồng. Hiện nhà thầu đang tập kết thiết bị, khi thời tiết hết mưa, nắng lên, nhà thầu sẽ huy động nhân lực vận chuyển thiết bị lên làng O2 tập trung thi công để hoàn thành công trình trong thời gian 45 ngày theo như hợp đồng đã ký kết. (nongnghiep.vn)
Bình Định chi gần 45 tỉ xây tái định cư, di dân vùng sạt lở
Ngày 2.12, UBND tỉnh Bình Định cho biết, đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dự án Khu tái định cư vùng thiên tai thôn Trà Cong (xã An Hòa, huyện An Lão).
Dự án nhằm di dời các hộ nằm trong khu vực bị sạt lở đất do thiên tai thuộc thôn Trà Cong và các vùng lân cận đến khu vực an toàn trước mùa mưa bão; sớm ổn định đời sống người dân nằm trong khu vực bị sạt lở, lũ quét.
Dự án có tổng vốn đầu tư gần 45 tỉ đồng (trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 38,5 tỉ đồng, còn lại ngân sách địa phương), do UBND huyện An Lão làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện dự án từ năm 2025 - 2027.
Dự án có quy mô đầu tư xây dựng khoảng hơn 4ha, trong đó diện tích phục vụ bố trí tái định cư cho 78 hộ dân là hơn 1,7ha, gồm: Các hạng mục san nền, hệ thống giao thông, hệ thống thoát nước mưa, hệ thống cấp nước, hệ thống thu gom và xử lý nước thải và hệ thống cấp điện chiếu sáng, cây xanh.
Theo thống kê, huyện An Lão xảy ra sạt lở tại 8 khu vực, với tổng khối lượng đất đá sạt lở hơn 1500m3 và 14 vị trí bị ngập nước, với chiều dài khoảng 600m. Trong đó, có 5 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp do sạt lở, huyện đã di dời 2 hộ (8 nhân khẩu) đến nơi an toàn, các hộ còn lại được hỗ trợ khắc phục tại chỗ. (laodong.vn)
Cử tri Bình Định kiến nghị hỗ trợ cán bộ dôi dư sau sáp nhập
Ngày 2.12, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã có buổi tiếp xúc với cử tri sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Tại buổi tiếp xúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cử tri trong tỉnh. Đồng thời khẳng định sẽ tiếp thu, rà soát kỹ nội dung, làm rõ các ý kiến, kiến nghị và sẽ gửi tới các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.
Theo Phó Thủ tướng, việc cơ cấu lại bộ máy Chính phủ và hệ thống chính trị được xem là một cuộc cách mạng nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và điều hành các mục tiêu, định hướng phát triển cho giai đoạn 2025-2030.
Sau khi sáp nhập bộ máy, Trung ương, Chính phủ và Quốc hội sẽ bàn tính về cơ chế giảm biên chế. "Ví dụ: Sau khi hoàn thiện về bộ máy, sẽ tính toán giảm biên chế như thế nào, tạo công ăn việc làm và sinh kế cho họ ra sao thì sẽ có giải pháp đồng bộ. Chắc chắn là phải có cơ chế, còn hưởng bao nhiêu tiền, bao nhiêu tháng lương... thì sẽ bàn sau", Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nêu.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng cho biết, trong những năm tới, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 8%, nâng quy mô kinh tế Việt Nam vào top 20 thế giới về thương mại và top 10 về quy mô GDP.
Về cơ sở hạ tầng, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông như đường cao tốc, đường sắt Bắc - Nam và sân bay Long Thành.
Về an sinh xã hội, quyết tâm xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trong năm 2025 bằng nguồn vốn xã hội hóa và ngân sách nhà nước... (laodong.vn)
Bình Định: Tàu cá bị hỏng máy, thả trôi trên biển
Ngày 2/12, Văn phòng Thường trực về Phòng, chống thiên tai tỉnh Bình Định cho biết, khi đang hành nghề trên biển, một tàu cá của ngư dân Bình Định đã bị hỏng máy, thả trôi cần ứng cứu khẩn cấp.
Trước đó, tàu cá BĐ 97713-TS có chiều dài 18m, công suất 400CV do ông Phạm Nhắn (46 tuổi, trú xã Hoài Hải, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) làm chủ, ủy quyền cho ông Lê Minh Thạnh (42 tuổi, trú cùng địa phương) làm thuyền trưởng. Tàu đi hành nghề mành chụp, trên tàu có 8 thuyền viên. Đến khoảng 14 giờ 25 phút ngày 29/11, khi đang hoạt động tại vùng biển cách đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) khoảng 50 hải lý về phía Đông Đông Bắc, tàu bất ngờ bị hỏng máy, thả trôi tự do. Thuyền trưởng Thạnh đã liên lạc với lực lượng chức năng nhờ hỗ trợ, giúp đỡ.
Theo báo cáo từ Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, thông qua hệ thống VMS xác định có 8 tàu cá đang hoạt động cách tàu bị nạn từ 5 - 22 km. Chi cục đã thông tin đến các tàu và hướng dẫn chủ tàu, người nhà tàu cá BĐ 97713-TS liên lạc với các chủ tàu nói trên để được ứng cứu kịp thời. (vtv.vn)
Loạt nhà hàng ở Quy Nhơn chiếm vỉa hè để đỗ xe: Sẽ xử nghiêm nếu chủ cơ sở ký cam kết nhưng tái phạm
Theo lãnh đạo Công an phường Nguyễn Văn Cừ, việc sử dụng vỉa hè vào kinh doanh, dừng đậu xe là vi phạm. Vỉa hè là bố trí dành cho người đi bộ, ngoài ra ưu tiên cho chủ nhà linh hoạt dừng, đậu đỗ xe. Trong trường hợp các cơ sở dịch vụ thuê đất kinh doanh ở đây, để tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh, phát triển kinh tế đêm, các chủ cơ sở sẽ được linh động sử dụng một phần nhỏ để bố trí xe, di chuyển…
"Các cơ sở như Hoa Lư 2, Vị Biển (đường Trương Văn Của), Cá Khói (đường Võ Thị Yến), Đèn nhà Út, Gu (đường Nguyễn Trung Tín)... đều vi phạm trong việc sử dụng vỉa hè làm nơi đậu đỗ xe. Ngay thời điểm kiểm tra, chúng tôi làm việc với quản lý, chủ cơ sở, sẽ mời các chủ cơ sở này lên làm việc và ký cam kết. Chúng tôi không xử lý liền để tránh gây phản cảm với du khách. Tuy nhiên, sau đợt làm việc này, công an phường sẽ tiếp tục tuần tra, kiểm tra, trường hợp các chủ cơ sở này vẫn vi phạm thì chúng tôi sẽ xử lý nghiêm", ông Trình Trung Thiện, Phó Trưởng Công an phường Nguyễn Văn Cừ, cho hay. (nguoiduatin.vn)