Bí thư Bình Định: "Việc tưởng chừng quá khó, không thể làm được vẫn xong"
Dự án hệ thống tiêu thoát lũ sông Dinh nằm tại phường Nhơn Bình và Nhơn Phú, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, được khởi công vào tháng 3/2022 và hoàn thành vào tháng 12/2024, vượt tiến độ 7 tháng so với kế hoạch ban đầu.
Việc hoàn thành dự án này giúp giảm thiểu nguy cơ lũ lụt cho các khu đô thị vùng ven trung tâm thành phố Quy Nhơn, mang lại lợi ích cho hàng chục nghìn hộ dân.
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, cho biết, trước đây dòng sông Dinh bị xâm lấn nghiêm trọng, có đoạn bị lấn chiếm chỉ còn 1m, không thể thoát lũ. Mỗi khi mưa lớn khiến nhiều khu vực ở phường Nhơn Bình, Nhơn Phú,… chìm trong biển nước.
"Cảnh người dân leo lên ngọn cây, nóc nhà để kêu cứu, lãnh đạo thì bất lực, ám ảnh tôi đến bây giờ. Vì vậy, muốn người dân thoát cảnh chạy lũ bằng mọi giá phải nạo vét, trả lại dòng tiêu thoát lũ cho sông Dinh", ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho rằng, khó khăn lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng, vì vướng giải tỏa gần 400 hộ dân, tổ chức và hàng trăm ngôi mộ ở dọc sông Dinh. Khi triển khai dự án phát sinh nhiều khiếu kiện liên quan đến việc đền bù thiếu minh bạch, không công bằng.
"Những việc tưởng chừng quá khó, không thể làm được nhưng vẫn xong. Nhìn lại sông Dinh bây giờ nhiều người chưa dám tin, lòng sông mở rộng, xây kè kiên cố tạo ra không gian đô thị khang trang. Không còn cảnh nhếch nhác, ô nhiễm ven sông, người dân rất phấn khởi", Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nói. (dantri.com.vn)
Chủ tịch tỉnh Bình Định đối thoại với thanh niên
Sáng 26.3, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Bình Định, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cùng lãnh đạo các ban, sở, ngành của tỉnh đã gặp gỡ, đối thoại với thanh niên năm 2025. Tại buổi đối thoại, vấn đề được đoàn viên, thanh niên ở Bình Định đặc biệt quan tâm xoay quanh việc chuyển đổi số; giải pháp thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số hiện nay, nhất là với người lớn tuổi, người trong khu vực nông thôn; định hướng nào cho thanh niên phát triển các dự án khởi nghiệp, lập nghiệp gắn với sự phát triển nông nghiệp của tỉnh và các chế độ, chính sách liên quan...
Với chủ đề thanh niên phát huy vai trò, trách nhiệm trong kỷ nguyên vươn mình xây dựng Bình Định giàu đẹp, thịnh vượng, thanh niên Bình Định tiên phong trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có những chia sẻ thẳng thắn về nỗi trăn trở của mình về nguồn nhân lực trẻ của Bình Định đang bị "chảy máu".
Ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ trong suốt 3 năm qua, ông đã luôn trăn trở và vẫn chưa thể tìm ra câu trả lời về tại sao nguồn nhân lực trẻ của tỉnh Bình Định lại "chảy máu". Trong khi tỉnh đang rất cần nguồn nhân lực trẻ cống hiến cho quê hương. "Bình Định có điều kiện vô cùng thuận lợi khi các nhà đầu tư đang đổ dồn về đây. Trong khi đó, thế hệ trẻ của Bình Định sau khi được đào tạo không chọn gắn bó với quê hương. Vì vậy tôi rất mong Tỉnh đoàn, các cơ quan liên quan cần có phương án thu hút để thanh niên, đoàn viên Bình Định đang học tập tại địa phương cũng như các tỉnh thành khác luôn hướng về và đóng góp cho Bình Định", ông Tuấn chia sẻ.
Kết thúc buổi đối thoại, ông Tuấn yêu cầu các đoàn viên, thanh niên tỉnh nhà ra sức học tập, rèn luyện kiến thức, đạo đức cống hiến cho quê hương, đất nước. Đặc biệt, phải nghĩ lớn, mạnh dạn làm, tham mưu để tạo ra cách làm mới, đột phá trên tinh thần vì lợi ích chung. (thanhnien.vn)
Bình Định thành lập Chi cục Quản lý thị trường
Ngày 26/3, UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định “Về việc thành lập Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bình Định”. Quyết định nêu rõ: Chi cục QLTT là tổ chức hành chính thuộc Sở Công Thương; chấp hành sự chỉ đạo, quản lý của Sở; đồng thời, chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước…
Chi cục QLTT Bình Định có chức năng giúp Giám đốc Sở Công Thương thực hiện chức năng tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật trên địa bàn tỉnh; thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Giám đốc Sở Công Thương và quy định của pháp luật hiện hành…
Về cơ cấu tổ chức bộ máy bộ máy của Chi cục QLTT Bình Định, Quyết định số 1042/QĐ-UBND nêu rõ: Lãnh đạo Chi cục gồm có Chi Cục trưởng và không quá 2 Phó Chi cục trưởng. Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ gồm có: Phòng Tổ chức - Hành chính; - Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp. Các đội QLTT gồm có: Đội QLTT số 1; Đội QLTT số 2; Đội QLTT số 3; Đội QLTT số 4; Đội QLTT số 5. (thuonghieucongluan.com.vn)
Bảo tồn, phát huy tinh hoa văn hóa vùng biển
Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý là sự kiện văn hóa lâu đời, là niềm tự hào của người dân vùng biển Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định); được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cần được bảo tồn và phát huy giá trị cho các thế hệ tương lai. Người dân Nhơn Lý không chỉ coi Lễ hội Cầu ngư là một sự kiện văn hóa mà còn là biểu tượng của niềm tự hào dân tộc. Hiện nay, các nghệ nhân, người dân không ngừng nỗ lực gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, từ việc truyền dạy nghi thức tín ngưỡng cho thế hệ trẻ đến tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian, nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của địa phương từng là trạm dừng chân của con đường tơ lụa trên biển.
Nghệ nhân Nguyễn Kim Chức (xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn) cho biết: "Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý thể hiện đậm nét sự kết nối giữa hiện tại và quá khứ. Đây là dịp để người dân hiểu hơn về vùng đất cảng biển và vai trò của Vạn đầm đối với đời sống kinh tế-văn hóa Bình Định qua bao thế kỷ. Chúng tôi luôn ghi nhớ công lao to lớn và tri ân sâu sắc đối với các bậc tiền bối, nghệ nhân, nhà nghiên cứu… đã có công sáng tạo, lưu giữ và phát huy giá trị lễ hội để thế hệ hậu sinh được thừa hưởng thành quả di sản quý giá này".
Tại lễ đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho lễ hội, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng nhấn mạnh, mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, phối hợp của các cấp, ngành và địa phương, sự đồng tâm, hiệp lực của cộng đồng để Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý mãi trường tồn và lan tỏa trong dòng chảy văn hóa dân tộc.
Để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn di sản, lãnh đạo tỉnh đề nghị thành phố Quy Nhơn phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, các ngành liên quan thực hiện quy hoạch tổng thể, chi tiết không gian thiêng của lễ hội. Việc này bao gồm quy hoạch khu vực Lăng Ông Nam Hải Vạn đầm Xương Lý, bến cá Xương Lý và Vạn đầm Xương Lý nói chung; bảo đảm tính kế thừa, tiêu chí về môi trường và cảnh quan. Đồng thời thúc đẩy việc lan tỏa, phát huy giá trị lễ hội, kết nối với các tổ chức, công ty lữ hành du lịch để phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của khách du lịch trong và ngoài nước. Việc bảo tồn và phát huy lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý không chỉ góp phần giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống mà còn gắn kết với phát triển du lịch bền vững.(nhandan.vn)
Bình Định xử lý triệt để vi phạm giao thông để giảm tai nạn
Ngày 26.3, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đã ban hành kết luận về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) năm 2024, đồng thời đề ra nhiệm vụ trọng tâm cho các tháng còn lại của năm 2025.
Để tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông, UBND tỉnh đặt ra mục tiêu "giảm 8% số vụ, 5% số người chết và 7% số người bị thương trong năm 2025". Để đạt được mục tiêu này, tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương tăng cường quản lý, triển khai đồng bộ các giải pháp quyết liệt và hiệu quả.
"Xử lý vi phạm phải được thực hiện nghiêm minh, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, kể cả đối với cán bộ, công chức, đảng viên. Các địa phương, nhất là khu vực nông thôn, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông, xử lý tình trạng học sinh chạy xe gắn máy vi phạm. Trường hợp con em cán bộ nếu vi phạm sẽ gắn vào đánh giá hoàn thành nhiệm vụ cuối năm", ông Phạm Anh Tuấn chỉ đạo.
Chủ tịch tỉnh Bình Định cũng giao Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng CSGT, Công an các địa phương kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tình trạng vi phạm trật tự ATGT, đặc biệt là các hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn nghiêm trọng.
Các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên sẽ được theo dõi sát sao. Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị số 18/CT-UBND về xử lý cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn hoặc không hợp tác với lực lượng chức năng.
Bên cạnh đó, hệ thống camera giám sát giao thông sẽ được khai thác tối đa nhằm hỗ trợ công tác xử lý vi phạm. Với việc sáp nhập địa giới hành chính, lực lượng chức năng sẽ phải tăng cường kiểm soát, đảm bảo an toàn giao thông trong bối cảnh không còn công an cấp huyện.
Cùng với công tác quản lý, tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục rà soát, khắc phục bất cập về hạ tầng giao thông. Các "điểm đen" tai nạn sẽ được xóa bỏ, hệ thống biển báo, camera giám sát sẽ được lắp đặt đồng bộ. (laodong.vn)
Bình Định khơi dậy khát vọng trong ngày kỷ niệm lớn
Hướng tới dấu mốc 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Bình Định (31.3.1975 - 31.3.2025), tỉnh tổ chức chuỗi hoạt động chính trị - văn hóa quy mô lớn nhằm tôn vinh truyền thống cách mạng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, lan tỏa tinh thần đoàn kết, đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới.
Lễ kỷ niệm sẽ chính thức diễn ra lúc 20h ngày 30.3 tại Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn), mở màn bằng Chương trình nghệ thuật sử thi với chủ đề “Bình Định - Tự hào và Khát vọng”. Chương trình tái hiện tinh thần thượng võ, truyền thống yêu nước của vùng đất từng là cái nôi phong trào Tây Sơn hào hùng, cùng hành trình vươn mình bứt phá sau ngày giải phóng. Ngay sau chương trình nghệ thuật, Bình Định sẽ tổ chức màn bắn pháo hoa kéo dài 15 phút với 150 giàn pháo tầm thấp và 800 quả tầm cao. Dự kiến bắt đầu lúc 21h30, đây là điểm nhấn rực rỡ, tạo nên không khí lễ hội hào hùng và xúc động.
Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định sẽ giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư chiến lược, mở rộng hợp tác trong và ngoài nước. Tỉnh cũng khánh thành các công trình trọng điểm như Đập dâng Phú Phong (Tây Sơn) và hệ thống tiêu úng thoát lũ sông Dinh (TP Quy Nhơn).
Về lĩnh vực du lịch, các hoạt động hưởng ứng diễn ra sôi nổi như: Ký kết hợp tác phát triển du lịch đường sắt với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; tổ chức các chuyến tàu charter đưa khách đến Bình Định từ 28.3 - 1.4; khảo sát điểm đến cho hơn 100 doanh nghiệp lữ hành; hội thảo liên kết phát triển du lịch diễn ra vào ngày 31.3.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Bình Định, tỉnh sẽ tổ chức nhiều hoạt động trọng điểm. Nổi bật là Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia, gắn với thực hiện Nghị quyết 57/NQ-CP của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.
Tiếp đến là tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư lớn nhất từ trước đến nay, dự kiến trao giấy chứng nhận và ký kết 68 dự án với tổng vốn đầu tư 180.000 tỉ đồng, trong đó có 21 dự án được trao chủ trương đầu tư, tổng vốn 17.000 tỉ đồng. (laodong.vn)