Vân Canh: Sự sống nảy mầm sau chiến tranh
Tối 24/3, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng huyện Vân Canh (31/3/1975 - 31/3/2025).
Ông Dương Hiệp Hòa – Chủ tịch UBND huyện Vân Canh cho biết, trong khó khăn, gian khổ, đầy ác liệt, nhiều sự hy sinh, mất mát, có lúc tưởng chừng như không thể vượt qua.
Nhưng quân và dân Vân Canh với tinh thần yêu nước, anh dũng, kiên cường không hề chịu khuất phục, một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Đồng cam, cộng khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, vừa bám trụ vừa xây dựng lực lượng, vừa chiến đấu, vừa sản xuất, bảo vệ cách mạng, bảo vệ quê hương, đánh bại mọi âm mưu của kẻ thù.
Sau 50 năm kể từ ngày giải phóng, huyện Vân Canh đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Từ một vùng đất bị chiến tranh tàn phá, với nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Ngày nay, Vân Canh đã và đang vươn mình trong công cuộc phát triển đất nước.
“Vân Canh thực hiện tốt các chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công, chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo. Đang tập trung cao độ thực hiện chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát đối với 419 trường hợp, phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/4/2025”, ông Dương Hiệp Hòa khẳng định.
Đạt được những kết quả nêu trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQVN tỉnh, sự phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Thành ủy, Thị ủy, Huyện ủy trong tỉnh và tỉnh bạn; sự đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn của cán bộ và nhân dân huyện Vân Canh.
“Đảng bộ và nhân dân huyện Vân Canh xin trân trọng ghi nhận và chân thành cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, địa phương”, ông Dương Hiệp Hoà nêu.
Chủ tịch UBND huyện Vân Canh nhấn mạnh, kỷ niệm 50 năm giải phóng huyện Vân Canh, là dịp ôn lại ý nghĩa lịch sử và đánh giá những thành tựu đạt được của huyện nhà trong 50 năm qua.
Thay mặt Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam huyện Vân Canh, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh kêu gọi tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, đoàn kết một lòng, đồng tâm nhất trí, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đảng các cấp, xây dựng quê hương Vân Canh anh hùng ngày càng phát triển. (congly.vn)
Bình Định sẽ kỷ luật nếu để thả rông trâu bò ở khu kinh tế
Ngày 24.3, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định đã ban hành thông báo về việc nghiêm cấm chăn thả rông gia súc (trâu, bò) trong phạm vi Khu kinh tế Nhơn Hội, nhằm đảm bảo an toàn giao thông, mỹ quan đô thị và môi trường sinh thái.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế, thời gian qua, tình trạng thả rông gia súc diễn ra phổ biến trên các tuyến giao thông, khu vực công cộng, công viên cây xanh, khuôn viên các dự án đang triển khai trong Khu kinh tế Nhơn Hội.
Tình trạng này không chỉ gây cản trở giao thông, mất trật tự mỹ quan, ô nhiễm môi trường, mà còn tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông, nhất là vào ban đêm khi trâu bò nằm ven đường, người điều khiển phương tiện dễ va chạm do thiếu quan sát.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, Ban Quản lý yêu cầu nghiêm cấm hành vi chăn thả rông trâu, bò trên toàn bộ phạm vi Khu kinh tế. Đồng thời, đề nghị UBND xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) và xã Cát Chánh, xã Cát Hải, thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát) tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung thông báo đến từng hộ dân có hoạt động chăn nuôi để chấp hành đúng quy định.
Các trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2 - 3 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 14/2021/NĐ-CP về xử phạt hành vi chăn nuôi tại khu vực không được phép.
Nếu việc thả rông gia súc gây thiệt hại tài sản cho người khác, chủ sở hữu phải bồi thường theo quy định tại Khoản 1, Điều 603 Bộ luật Dân sự. Trường hợp gây tai nạn giao thông nghiêm trọng, người chăn nuôi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. (laodong.vn)
Đi thăm đồng, phát hiện thi thể người phụ nữ dưới mương nước
gày 24/3, lãnh đạo UBND xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra vụ việc một phụ nữ tử vong dưới mương nước.
Vào khoảng 10h cùng ngày, người dân tại thôn Mỹ Cang, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước phát hiện thi thể một phụ nữ nằm dưới mương nước nội đồng.
Sự việc nhanh chóng được báo cáo đến chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để điều tra.
Tại hiện trường, nạn nhân được phát hiện trong tư thế nằm sấp. Danh tính nạn nhân được xác định là bà N.T.T. (61 tuổi), trú tại xóm 3, thôn Mỹ Cang, xã Phước Sơn.
Theo thông tin từ một lãnh đạo UBND xã Phước Sơn, cơ quan chức năng ban đầu xác định nguyên nhân tử vong là do bà T. bị tai biến và tự ngã xuống mương nước nội đồng, dẫn đến ngạt nước.
Gia đình bà T. có hoàn cảnh khó khăn, chồng bà qua đời năm ngoái do bệnh nặng. Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương đến thăm hỏi và chia buồn cùng gia đình nạn nhân. (dantri.com.vn)
Câu chuyện đẹp về sự sẻ chia
Những ngày đầu tháng 3, các hoạt động tình nguyện của thanh niên Tỉnh đoàn Bình Định đã được triển khai đồng loạt tại các khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Những ngọn gió đầu xuân mang theo hình ảnh hàng trăm đoàn viên chung tay xây dựng nhà ở cho bà con, tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí và trao tặng nhu yếu phẩm thiết thực cho các gia đình khó khăn.
Trong Chương trình Tháng 3 biên giới năm nay, phong trào “Xóa nhà tạm, xây nhà kiên cố” tại Bình Định được xem là điểm nhấn nổi bật. Theo kế hoạch, mỗi huyện, thị, thành đoàn và đoàn trực thuộc hỗ trợ ít nhất 1 hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng mới hoặc sửa chữa 1 nhà ở (xây dựng mới trị giá ít nhất 60 triệu đồng, sửa chữa trị giá ít nhất 30 triệu đồng) và đặt mục tiêu huy động ít nhất 5.000 ngày công. Đây được xem là bước đột phá trong việc cải thiện chất lượng sống cho người dân tại các vùng biên giới. Ngoài ra, các công trình thanh niên như cầu dân sinh, trường học và các dự án hỗ trợ sinh kế đã tạo nên dấu ấn sâu sắc. Những công trình này là biểu tượng cho tinh thần xung kích và trách nhiệm xã hội của thế hệ trẻ.
Bên cạnh các công trình xã hội, các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao cũng được tổ chức, mang lại bầu không khí gắn bó, ấm áp. Các chương trình văn nghệ, hội trại thanh niên hay buổi trò chuyện bên ánh lửa trại không chỉ giúp làm giàu đời sống tinh thần của bà con, mà còn là cầu nối giúp thanh niên hiểu hơn về cuộc sống và tâm tư của người dân vùng biên giới, hải đảo.
Đồng chí Phạm Hồng Hiệp, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Bình Định cho biết, Chương trình Tháng 3 biên giới mang sứ mệnh đặc biệt, không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền tinh thần yêu nước mà còn khẳng định trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ biên cương Tổ quốc. Tại các vùng biên giới, từ đất liền đến hải đảo xa xôi, các hoạt động của chương trình đã trở thành nguồn động lực to lớn, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và ý thức đoàn kết trong mỗi đoàn viên, thanh niên. Tại tỉnh Bình Định, chương trình đã được triển khai mạnh mẽ với những mục tiêu rõ ràng và các hành động cụ thể. Trọng tâm của chương trình là tổ chức các hoạt động an sinh xã hội như hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho bà con tại các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Chương trình Tháng 3 biên giới không chỉ là một tháng hoạt động, mà còn là một hành trình lâu dài, gắn kết ý chí và trái tim của mọi người dân Việt Nam. Từ những viên gạch nhỏ nhất được đặt nền móng cho các căn nhà mới đến những nụ cười rạng rỡ của bà con vùng sâu, vùng xa, chương trình đã và đang viết nên câu chuyện đẹp về sự sẻ chia và đồng hành. (nhandan.vn)
Thiếu nhi Bình Định hào hứng giao lưu tại Ngày hội 'Thiếu nhi vui khỏe - Tiến bước lên Đoàn'
Ngày 24/3, tại TP. Quy Nhơn (Bình Định) một trong những điểm cầu chính của Ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe - Tiến bước lên Đoàn”, do Hội đồng Đội Trung ương phối hợp với Công ty CP Sữa quốc tế LOF - Thương hiệu Kun tổ chức thu hút khoảng 2.000 em học sinh khối các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh tham gia.
Chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động Tháng Thanh niên, mừng kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, phát động 5 tuần thi đua cao điểm của thiếu nhi cả nước chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe” là hoạt động thường niên của thiếu nhi Việt Nam, năm nay được tổ chức đồng loạt tại hơn 12.000 liên đội trường tiểu học và 10.000 liên đội trường THCS trên cả nước với sự tham gia của hơn 10 triệu em đội viên thiếu niên và nhi đồng.
Ba điểm cầu chính là TP. Hải Phòng, Bình Định, TPHCM và được kết nối trực tiếp với 16 điểm cầu tại các địa phương trên cả nước.
Nhân dịp này, Hội đồng Đội T.Ư, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển thiếu nhi Việt Nam và Thương hiệu Kun - Công ty CP quốc tế LOF trao tặng 80 suất học bổng, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP. Hải Phòng và tỉnh Bình Định. (tienphong.vn)
Cái gì có lợi cho dân, cho nước thì cứ thế mà làm
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định chiều tối 22.3, Thủ tướng Phạm Minh Chính lần nữa nhấn mạnh tinh thần “3 có và 2 không”.
Tức là “có lợi cho đất nước, có lợi cho người dân, có lợi cho doanh nghiệp, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” và “không có động cơ cá nhân, tham nhũng, tiêu cực, không để thất thoát, lãng phí tài sản”.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Cái gì có lợi cho dân, cho nước thì cứ thế mà làm, mạnh dạn mà làm, cái gì có hại thì hết sức tránh”.
Đây không chỉ là định hướng dành riêng cho Bình Định mà là lời kêu gọi - mệnh lệnh chung cho mọi địa phương trên cả nước.
Tuy nhiên, để tinh thần này trở thành hiện thực, cần vượt qua một rào cản lớn: tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của không ít cán bộ - một thực trạng đang kìm hãm những việc “có lợi cho dân” đang khá phổ biến ở các địa phương.
Ở không ít nơi, cán bộ dù nhận ra một dự án, một chính sách chắc chắn mang lại lợi ích cho dân, cho nước, như xây cầu cho vùng sâu, hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, hay cải tạo hạ tầng giao thông... nhưng vẫn chần chừ không làm.
Họ sợ sai sót dẫn đến bị kỷ luật, sợ trách nhiệm nặng nề, hoặc đơn giản là muốn giữ an toàn cho bản thân.
Tâm lý “không làm thì không sai” này khiến nhiều cơ hội bị bỏ lỡ. Những công trình dân sinh cần xây dựng bị trì hoãn, để người dân chờ đợi trong vô vọng.
Nguyên nhân không chỉ từ cá nhân mà còn từ cơ chế chưa đủ rõ ràng, thiếu sự bảo vệ cho những ai dám dấn thân, khiến “lợi ích cho dân” trở thành khẩu hiệu thay vì hành động cụ thể.
Để cán bộ ở mọi địa phương “mạnh dạn làm” như lời Thủ tướng, cần những giải pháp quyết liệt. Trước hết, phải xây dựng cơ chế bảo vệ người dám hành động vì dân.
Nếu một quyết định đúng đắn nhưng gặp rủi ro ngoài ý muốn, cần có chính sách miễn trừ trách nhiệm cụ thể để cán bộ không bị “trói tay”.
Đồng thời phải đổi mới cách đánh giá hiệu quả công việc, lấy lợi ích thực tế cho dân làm thước đo thay vì chỉ dựa vào báo cáo hình thức.
Đẩy mạnh công tác tư tưởng, khơi dậy tinh thần trách nhiệm và tự cường, giúp cán bộ vượt qua nỗi sợ để hành động.
Cuối cùng, cần tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, tạo hành lang pháp lý thông thoáng để họ yên tâm thực thi. Khi có sự đồng thuận từ trong bộ máy và ngoài xã hội, tinh thần “3 có, 2 không” sẽ trở thành động lực mạnh mẽ. (laodong.vn)
Bế mạc Giải pickleball các Câu lạc bộ tỉnh Bình Định năm 2025
Tham dự Lễ Bế mạc Giải Pickleball các Câu lạc bộ (CLB) tỉnh Bình Định năm 2025 có các vị: Bùi Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Bình Định; Vũ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ tỉnh Bình Định; cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành chức năng của tỉnh…
Kết quả, Seagull 77 là CLB có nhiều vận động viên đạt giải cao.
Cụ thể, ở nhóm 1 (40 tuổi trở xuống), đôi Hoàng Nam - Võ Quốc Đạt (CLB Milamo) giành cúp vô địch nội dung đôi nam; Trần Đoàn Bảo Ngân - Nguyễn Anh Trinh (CLB Seagull 77) giành cúp vô địch đôi nữ; Huỳnh Xuân Luân - Đỗ Thị Thúy Hồng (CLB Hải Quan) giành cúp vô địch đôi nam - nữ.
Ở nhóm 2 (40 tuổi trở lên), đôi Phạm Hồng Hải - Võ Văn Long (CLB Seagull 77) vô địch nội dung đôi nam; Trần Thị Kim Vân - Trần Thị Kim Anh (CLB Quy Nhơn Center) vô địch đôi nữ; Võ Văn Long - Tôn Nữ Hoài Thu (CLB Seagull 77) vô địch đôi nam - nữ.
Ở nội dung đôi nam nhóm 3 (lãnh đạo khách mời), đôi Phan Tuấn Sơn - Hoàng Nam (CLB Liên đoàn Pickleball) giành cúp vô địch.
Ở nhóm 4 (không phân biệt tuổi), Huỳnh Xuân Luân (CLB Hải Quan) giành cúp vô địch nội dung đơn nam; Đào Thị Hồng Nữ (CLB BFF) vô địch đơn nữ… (thuonghieucongluan.com.vn)
Chủ tịch Bình Định nêu lý do phải "dời" lịch giải đua thuyền máy nhà nghề quốc tế F1H2O
Ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, dự kiến tỉnh này sẽ tổ chức Giải đua vô địch thế giới thuyền máy Nhà nghề Quốc tế UIM F1H2O World Championship lần 2, vào tháng 7/2025.
"Ngày 30/4 là dịp Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền nam thống nhất đất nước. Có rất nhiều hoạt động, sự kiện lớn tập trung tại TP.HCM, nếu Bình Định tổ chức giải đua F1 thời điểm đó, sẽ bị loãng và ít sự quan tâm", ông Tuấn nêu và cho biết, Bình Định dự kiến tổ chức sự kiện này vào tháng 7/2025, với nguyên tắc mới "du lịch không tập trung vào một mùa cao điểm, mà rải đều từng mùa".
UIM F1H2O World Championship là một trong những giải đua vô địch thuyền máy uy tín nhất trên thế giới, được tổ chức bởi Liên Đoàn Đua Thuyền Máy Quốc Tế (UIM).
Với gần 40 năm hoạt động, hơn 300 lần tổ chức giải đấu, đi qua hơn 30 quốc gia, UIM F1H2O World Championship có lịch sử lâu dài và uy tín trong giới thể thao nước. Thu hút sự quan tâm và tham gia của các đội đua hàng đầu từ nhiều nơi trên thế giới. (danviet.vn)
Tỉnh Đoàn Bình Định trao giải thưởng cao quý mang tên Anh hùng liệt sĩ Ngô Mây
Tối 23/3, tại TP. Quy Nhơn, Tỉnh Đoàn Bình Định tổ chức chương trình kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và trao Giải thưởng Ngô Mây năm 2024.
Dự chương trình có ông Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định; bà Nguyễn Thị Phong Vũ - Trưởng ban Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; bà Lê Bình Thanh - Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Bình Định; anh Lê Hải Long - Trưởng Ban Công tác thiếu nhi T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội T.Ư. Chương trình cũng có sự tham gia của hơn 2.000 đoàn viên thanh niên.
Tại buổi lễ, Tỉnh Đoàn Bình Định đã tuyên dương 10 gương thanh niên tiêu biểu đạt giải thưởng Ngô Mây. Đây là những tấm gương có thành tích xuất sắc về học tập, lao động, sản xuất trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, góp phần tích cực cho tổ chức Đoàn ngày càng vững mạnh.
Giải thưởng Ngô Mây là phần thưởng cao quý nhất của Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn Bình Định, vinh dự được mang tên của Anh hùng liệt sĩ Ngô Mây.
Giải thưởng nhằm trao tặng cho các cá nhân tiêu biểu của tuổi trẻ tỉnh nhà về những đóng góp và hoài bão cao đẹp, dám dấn thân hành động, cống hiến vì Tổ quốc, vì cộng đồng. (tienphong.vn)
Kích hoạt sớm tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku
Đúng 2 tuần sau khi được giao tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, vào cuối tuần trước, Ban Quản lý dự án 2 đã trình Bộ Xây dựng Tờ trình số 18/TTr - BQLDA2 với những phác thảo đầu tiên về phương án đầu tư tuyến cao tốc kết nối thành phố lớn thứ hai tại Tây Nguyên về diện tích đô thị và quy mô dân số với Nam Trung Bộ.
“Do được kế thừa kết quả nghiên cứu trước đó của 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai bằng hình thức PPP, nên tiến độ triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có nhiều thuận lợi”, ông Lê Thắng, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 cho biết.
Được biết, để đáp ứng tiến độ được người đứng đầu Chính phủ giao, tại Tờ trình số 18/TTr - BQLDA2, Ban Quản lý dự án 2 đề xuất 8 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có 2 nhóm cơ chế trực tiếp đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư.
Cụ thể, Ban Quản lý dự án 2 đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép chủ đầu tư được triển khai đồng thời lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, hồ sơ mời thầu... đối với Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Lý do được đưa ra là tại điểm a, khoản 1, Điều 43, Luật Đầu tư công quy định: “Căn cứ chủ trương đầu tư đã được Quốc hội quyết định, chủ đầu tư lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, báo cáo cơ quan chủ quản xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ”.
Đối với dự án quan trọng quốc gia như trường hợp tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, việc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi chỉ thực hiện sau khi Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được phê duyệt.
“Thông thường, thời gian thực hiện công tác khảo sát, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án quan trọng quốc gia khoảng 14 tháng (chưa bao gồm thời gian lựa chọn tư vấn), như vậy sẽ không thể khởi công Dự án trong năm 2025”, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 giải thích.
Bên cạnh đó, đơn vị lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cũng kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép chủ đầu tư được chỉ định thầu (thời gian áp dụng sau bước Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đến khi quyết toán dự án hoàn thành) các nhà thầu có kinh nghiệm thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế sau thiết kế cơ sở, giám sát, nhà thầu thi công, nhà thầu cung cấp thiết bị, các gói thầu tư vấn, phi tư vấn.
Theo rà soát, đánh giá so sánh giữa hình thức đấu thầu rộng rãi và chỉ định thầu cho thấy, việc chỉ định thầu có thể rút ngắn được thời gian lựa chọn nhà thầu từ 6 đến 12 tháng so với hình thức đấu thầu rộng rãi. Ban Quản lý dự án 2 khẳng định, với trình tự thủ tục như quy định hiện nay (đấu thầu đối với tất cả các gói thầu tư vấn, gói thầu xây lắp...) sẽ không thể khởi công Dự án trong năm 2025. (baodautu.vn)
Trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Vĩnh Thạnh
Năm 2025, huyện Vĩnh Thạnh chú trọng vào phát triển du lịch sinh thái, nhằm đánh thức các tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Theo đó, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã "lên tour" Quy Nhơn – Vĩnh Thạnh với những cung đường, các điểm dừng chân tham quan thú vị. Từ định hình này của địa phương, các đơn vị lữ hành khai thác tour thuận lợn hơn trong việc quảng bá, giới thiệu cho du khách.
Theo nhiều du khách, ấn tượng đầu tiên khi về vùng đất Vĩnh Thạnh đó chính là vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, các danh lam thắng cảnh hùng vĩ. Nhắc đến vẻ đẹp của núi rừng Vĩnh Thạnh, du khách đều đặc biệt để ý tới thành đá cổ Tà Kơn triệu năm tuổi giữa rừng già Vĩnh Sơn. Du khách bày tỏ sự thích thú khi về Vĩnh Thạnh. Ở đây họ được đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên nguyên sơ, hùng vĩ; họ có dịp được trải nghiệm những nét văn hóa của người dân bản địa, thưởng thức ẩm thực tươi ngon.
Theo ông Huỳnh Đức Bảo –Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Hiệp của huyện là vùng đất giàu tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Ở đây có khí hậu mát mẻ, trong lành, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ.
Cùng với đó, nơi đây bà con Bana K'riêm còn giữ gìn được những nét văn hóa đặc sắc, độc đáo, trong đó phải kể đến là sinh hoạt cồng chiêng, lễ hội mừng cốm lúa mới… Cùng với ẩm thực đặc trưng như: cá niên, rau dớn, cơm lam, đọt mây nướng… hứa hẹn mang tới những trải nghiệm độc đáo cho du khách. (nguoiduatin.vn)
Hơn 1000 trẻ em được khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh tại Bình Định
Rong 2 ngày 22 - 23/3, chương trình "Trái tim cho em" phối hợp với Viettel Bình Định và các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định đã tổ chức hoạt động khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em trên địa bàn tỉnh Bình Định.
"Trái tim cho em" là một chương trình nhân đạo, hỗ trợ mổ tim miễn phí cho trẻ em nghèo dưới 18 tuổi tại Việt Nam, tổ chức các hoạt động khám tầm soát bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo hàng năm, hoạt động này đang được chương trình Trái tim cho em tiếp tục triển khai trên khắp tỉnh thành trên toàn quốc.
Đến với tỉnh Bình Định lần này, với sự đồng hành của các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định chương trình khám sàng lọc tại Bình Định lần này đã khám tầm soát được cho hơn 1.000 cháu, phát hiện 46 ca có chỉ định can thiệp/phẫu thuật. Các gia đình thuộc hộ gia cảnh khó khăn có con em mắc bệnh tim bẩm sinh đã được hướng dẫn thủ tục đăng ký xin trợ giúp chi phí mổ tim từ chương trình "Trái tim cho em". Dự kiến số tiền hỗ trợ lên tới gần 1,5 tỷ đồng. (vtv.vn)
Cơ hội mới cho nghề dệt thổ cẩm Hà Ri (Bình Định)
Những ngày cuối tháng 3, người dân thôn Hà Ri vui mừng hơn bao giờ hết khi hay tin nghề dệt thổ cẩm truyền thống được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn làng nghề. Kể từ đây, dệt thổ cẩm Hà Ri sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 40/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành quy định chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025 và các chính sách của liên quan. Nó như “luồng sinh khí” mới, bước đệm quan trọng giúp làng nghề đứng vững trước thời cuộc, sự thay đổi lớn của thị trường và nhu cầu người tiêu dùng.
Bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định đánh giá, có thể nói, đây là niềm vinh dự, tự hào của đồng bào Bana Kriêm. Từ việc công nhận làng nghề, địa phương sẽ được quan tâm, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bài bản. Không những thế, các nghệ nhân, người thực hành sẽ có điều kiện tham gia vào các hoạt động truyền dạy, thực hành các bí quyết nghề nghiệp liên quan đến nghề dệt thổ cẩm.
Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh thông tin thêm, thời gian qua, Sở đã phối hợp với các ban, ngành liên quan, UBND huyện Vĩnh Thạnh triển khai nhiều hoạt động đặc sắc như tổ chức mở các lớp dạy dệt thổ cẩm cho người dân, các em học sinh ở địa phương; thành lập các câu lạc bộ dệt thổ cẩm; xây dựng một số nhà đa năng - vừa là nơi hành nghề của bà con vừa là nơi trao đổi, quảng bá và bán những sản phẩm của nghề dệt thổ cẩm cho khách du lịch.
Sở cũng hướng đến việc đẩy nhanh tiến độ kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể các đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; trong đó, có nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Bana Kriêm huyện Vĩnh Thạnh. Sau kiểm kê, Sở sẽ rà soát, lựa chọn một số di săn văn hóa phi vật thể tiêu biểu để đề xuất lãnh đạo tỉnh xây dựng hồ sơ khoa học, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia”- bà Thảo nói. (baotintuc.vn)