Huyện miền núi Vĩnh Thạnh có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Địa hình của huyện này chủ yếu là đồi núi, độ cao trung bình từ 500m - 600m, có nhiều sông, suối chia cắt. Đồ án quy hoạch xây dựng vùng của huyện Vĩnh Thạnh đến năm 2035 được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Vĩnh Thạnh với tổng diện tích lập quy hoạch gần 717 km2.
Đồ án quy hoạch xác định, Vĩnh Thạnh là vùng phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng hiện đại trên cơ sở hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh liên kết sản xuất với bảo quản, chế biến, xây dựng nhãn hiệu và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa lịch sử; phát triển công nghiệp khai khoáng. Đây cũng là vùng có tầm quan trọng trong vấn đề bảo vệ đặc biệt về cảnh quan, môi trường, sự phát triển bền vững tại địa phương cũng như toàn tỉnh Bình Định.
Đồ án quy hoạch vùng huyện Vĩnh Thạnh xác định 3 phân vùng phát triển kinh tế. Trong đó, đáng chú ý Phân vùng III là vùng bảo tồn sinh thái rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, ổn định môi trường phòng hộ đầu nguồn; phát triển kinh tế rừng và kết hợp phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, mạo hiểm, du lịch cộng đồng gắn với lợi thế tự nhiên sẵn có của khu vực.
Ông Tô Hiếu Trung, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết: “Quy hoạch vùng huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định đến năm 2023 là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng trong nhiệm kỳ này. Thông qua quy hoạch này, huyện Vĩnh Thạnh có định hướng, sắp xếp không gian phát triển, đảm bảo tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của huyện, khắc phục các hạn chế, khơi thông nguồn lực phát triển hài hòa, hiệu quả và bền vững, tạo cơ sở, tiền đề để huyện Vĩnh Thạnh tăng tốc và phát triển trong tương lai”.
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 08.8.2024
Nguồn: VOV.VN