Đêm TP Quy Nhơn chưa có nhiều hoạt động thu hút khách du lịch. Ảnh: Bình Định
Thành phố quen ngủ sớm
Nghỉ hè, đại gia đình anh Đặng Cường (Gia Lai) quyết định xuống Quy Nhơn với tour tham quan, nghỉ dưỡng 3 ngày 2 đêm. Quy Nhơn, trong lựa chọn của anh là “không gian trị liệu khổng lồ, lại hoàn toàn miễn phí”. Ý anh Cường muốn nói bầu không khí trong lành, tác dụng của nắng, gió, cảm giác thỏa thuê vẫy vùng trong biển mặn.
Chuyến đi để lại ấn tượng dễ chịu, nhất là với nhóm trẻ. Cường kể đã kịp ra Hòn Khô lặn biển, ngắm san hô; qua Kỳ Co, Eo Gió; xuống Cát Tiến, Trung Lương; thậm chí vượt 12 hải lý sang xã đảo Nhơn Châu, leo núi, ngắm hải đăng Cù Lao Xanh, “bở hơi tai nhưng vô cùng kỳ thú”.
Điều khiến anh chưa thực sự thỏa mãn là các hoạt động khi đêm về: “Loanh quanh không biết làm gì để giết thời gian. Ra quảng trường hóng gió, ghé chợ đêm thì hàng họ eo sèo, cảnh quan nhếch nhác. Tuyến đường Xuân Diệu san sát hàng ăn, quán nhậu. Ngược lên phường Nguyễn Văn Cừ, các phố sáng đèn sôi động Nguyễn Thị Định, Lê Trung Tín, Võ Thị Yến cũng vậy. Đi du lịch, không phải ai cũng ham hố bia bọt”.
Kinh tế đêm đang là khoảng trống khiến Quy Nhơn lúng túng. Từng có thời, một phần tuyến đường Lê Đức Thọ, cặp hồ sinh thái Đống Đa được chọn làm phố đi bộ. Con phố khai sinh với cái tên rộn ràng “phố văn hóa - nghệ thuật” chỉ đủ sức sống qua vài lễ hội cuối năm. Sau Lê Đức Thọ, chính quyền Quy Nhơn đề xuất sáng kiến mới, đưa phố đi bộ về Nguyễn Thiếp, Nguyễn Lạc - Trần Độc, Đô Đốc Bảo.
Tương tự là tình cảnh phố ẩm thực Hoa Lư, nơi đêm xuống chỉ lèo tèo vài tủ bếp bán chả nướng, thịt xiên que! Đông đúc hơn, như phố ẩm thực Phan Bội Châu, Ngô Văn Sở thì thực ra, đó là diện mạo được tổ chức lại của những địa chỉ bình dân, xưa cũ.
Thức dậy tiềm năng
Khoảng trống kinh tế đêm tưởng đã có cơ hội bù lấp với dự án MerryLand Quy Nhơn do Tập đoàn Hưng Thịnh đầu tư. Đây là siêu dự án, đầu tư hàng tỉ USD, hướng tới mục tiêu thu hút khách bằng đa tầng trải nghiệm: Cư trú, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, tham quan, giải trí, mua sắm…
MerryLand Quy Nhơn được thiết kế để thành “thành phố không ngủ”: Khu Canal District, 36 tuyến phố đa năng hoạt động 24/24 giờ, trung tâm trình diễn nghệ thuật và ánh sáng, hồ nhạc nước lớn nhất Đông Nam Á, trung tâm mua sắm, giải trí, ăn uống… Đáng tiếc đó là giấc mơ dang dở. Sự ảm đạm của thị trường bất động sản cùng vướng mắc pháp lý khiến dự án đình trệ kéo dài.
Cuối tháng 6.2024, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Pham Anh Tuấn yêu cầu chính quyền Quy Nhơn “chủ động phối hợp với Sở Du lịch và các sở, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, tham mưu đề xuất xây dựng đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố”.
Ông Tuấn lưu ý cần đặt trọng tâm vào các dịch vụ vui chơi, giải trí đêm ở những khu vực nhiều tiềm năng, dư địa phát triển như dọc đường Xuân Diệu, Đô Đốc Bảo, ven đầm Thị Nại, các xã Nhơn Hải, Nhơn Lý...”.
Ngày 15.7 vừa qua, kết luận một hội nghị, Bí thư Thành ủy Quy Nhơn Nguyễn Văn Dũng cũng sốt ruột ấn định thời hạn: “Đẩy nhanh tiến độ chỉnh trang đô thị, đưa vào hoạt động 3 hạng mục lớn ngay đầu năm 2025 để tạo điểm nhấn đô thị, phát triển kinh tế đêm là phố đi bộ, Công viên Võ Bình Định, dự án giải trí trên đường Xuân Diệu”.