Cơ hội kích cầu du lịch
Từ ngày 2 - 4/9, chương trình Du lịch, điện ảnh và thể thao - Tự hào bản sắc Việt sẽ diễn ra tại tỉnh Bình Định. Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng UBND tỉnh Bình Định thực hiện với nhiều hoạt động. Trong đó có các hội thảo, sự kiện nhằm xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua điện ảnh.
Sự kiện hứa hẹn sẽ tạo ra những “cú bắt tay” ấn tượng khi có nhiều nhà làm phim, đạo diễn, diễn viên nổi tiếng từ Hàn Quốc, Pháp, Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản tham dự. Trong đó có các diễn viên Lee Jong-hyuk, Jeong Hee-tae, Gu Sung-hwan, diễn viên Đới Tổ Nghi… Đến thời điểm hiện tại, có 5 đoàn làm phim trong nước và quốc tế đăng ký chọn Bình Định làm bối cảnh quay.
Phú Yên nên thơ trong phim Ngày xưa có một chuyện tình - Ảnh do đoàn phim cung cấp |
So với các tỉnh, thành khác ở miền Trung như Huế, Hội An hay Phú Yên, Bình Định chưa xuất hiện nhiều trên các dự án phim ảnh. Trong khi ở đây, cảnh đẹp thiên nhiên rất phong phú cùng nhiều di tích văn hóa, lịch sử. Nếu có sự hợp tác phù hợp, tiềm năng quảng bá du lịch, thu hút khách từ phim ảnh là không nhỏ.
Theo ông Lâm Hải Giang - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - các địa phương có bối cảnh trong phim, đặc biệt là các phim nổi tiếng, đã tạo hiệu ứng tích cực thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. “Từ trước tới nay, phim điện ảnh có bối cảnh quay ở Bình Định rất ít. Nhân sự kiện Du lịch, điện ảnh và thể thao - Tự hào bản sắc Việt, chúng tôi mong muốn tỉnh nhà được lên phim nhiều hơn; trong đó võ thuật Tây Sơn sẽ là điểm nhấn đặc biệt” - ông Lâm Hải Giang nói.
Không riêng Bình Định, nhiều tỉnh, thành khác cũng đang “mở cửa” chào đón các dự án phim ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung. Tiêu biểu như Huế rất tích cực ủng hộ các ê kíp chọn cố đô làm bối cảnh cho các sản phẩm MV, phim ảnh, địa điểm tổ chức chương trình âm nhạc… Đến nay, MV Không thể cùng nhau suốt kiếp hay phim Gái già lắm chiêu 5, Mắt biếc… đã giúp quảng bá rất tốt cho một số địa điểm, công trình ở Huế.
Với tỉnh Phú Yên, khi phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ ra mắt, theo thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, số du khách đến Phú Yên tăng gấp 2,5 lần, từ 750.000 lượt năm 2014 lên 1,8 triệu lượt khách vào năm 2019. Đến khi phim Hậu duệ mặt trời bản Việt ghi hình tại Phú Yên, cảnh sắc địa phương càng được biết đến, duy trì “sức nóng” trên truyền thông. Tuy nhiên, không phải cứ sau một dự án nghệ thuật là du lịch của địa phương đó sẽ thăng hoa mà cần một chiến lược dài hạn, phối hợp nhiều giải pháp.
Nhà làm phim phải chịu khó
Cảnh đẹp của địa phương là tài nguyên có sẵn nhưng đòi hỏi các nhà làm phim phải có quá trình tiền trạm, khảo sát thực tế mới biết có phù hợp với dự án hay không. Đầu tháng Mười một tới, phim Ngày xưa có một chuyện tình của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh sẽ ra rạp. Sau Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, đây là phim điện ảnh thứ hai chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, chọn bối cảnh chính tại Phú Yên.
Phim Con Cám được quay trong thời điểm Huế và Quảng Trị nắng nóng gay gắt - Ảnh: Đoàn phim cung cấp. |
Đại diện nhà sản xuất cho biết, trước khi chọn Phú Yên, ê kíp đã dành rất nhiều thời gian để tìm kiếm bối cảnh: “Đối với Ngày xưa có một chuyện tình, chúng tôi tiếp tục khám phá, đi khắp các nẻo đường, nhiều ngôi làng để tìm ra những góc Phú Yên còn giữ lại được đặc trưng của những năm 1990-2000. Chỉ có Phú Yên mới cho chúng tôi cảm giác hoài niệm, ngày xưa, đúng với tên gọi của phim”. Quá trình quay hình ở Phú Yên đã diễn ra ở nhiều địa điểm khác nhau, đòi hỏi một số lượng thiết bị, nhân sự lớn phải di chuyển, làm việc trong hơn 35 ngày quay để hoàn thành bộ phim.
Hiện nay, với các nội dung phim đa dạng hơn, nhiều nhà sản xuất đầu tư cho việc tìm bối cảnh mới lạ. Như dự án Con Cám, đạo diễn Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân chọn bối cảnh tại tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Thời điểm quay phim đang vào lúc miền Trung nắng nóng gay gắt. Đạo diễn Hữu Tấn cho biết: “Theo tôi, không đoàn phim nào thích quay ở bối cảnh khó khăn, vì vừa tốn kém vừa tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhưng kịch bản, câu chuyện của chúng tôi buộc phải quay ở những bối cảnh như vậy mới có thể mang đến hình ảnh, cảm xúc chân thật cho khán giả. Chúng tôi không ngại khó, miễn đạt được hiệu quả cho bộ phim thì bối cảnh khó khăn đến mấy chúng tôi cũng sẽ sẵn sàng khảo sát và ghi hình”. Trước Con Cám, đạo diễn Hữu Tấn quay Tết ở làng địa ngục và Kẻ ăn hồn ở ngôi làng Sảo Há của Hà Giang. Thời tiết lúc đó từ 4-5 độ C, có lúc giảm sâu xuống 0 độ C. Với những bộ phim quay ở địa hình khó, dù chưa thể kích cầu du lịch mạnh mẽ nhưng bước đầu đã tạo sự chú ý, ấn tượng với khán giả.
Kích cầu du lịch thông qua điện ảnh và các dự án nghệ thuật là hướng đi nhiều tiềm năng. Việc các địa phương có chính sách hỗ trợ, thể hiện thiện chí với các dự án nghệ thuật phù hợp sẽ có thể tạo ra những bước đột phá cho du lịch.
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 01.9.2024
Nguồn: PHUNUONLINE.COM.VN