Ông Trần Hữu Khánh chèo sõng ra thăm cánh rừng ngập mặn. Ảnh: Trương Định |
Hơn 10 năm trước, tại thôn Diêm Vân có 2 tổ tham gia trồng và bảo vệ rừng ngập mặn. Tổ thứ nhất của ông Dương Văn Tường, gồm 10 người, nhận khoán trồng và chăm sóc 3 hecta; tổ thứ hai của ông Trần Hữu Khánh gồm 8 người, nhận trồng và chăm sóc hơn 4 hecta.
Ông Khánh kể: “Hồi đó cực khổ ai đâu làm, nhưng nghĩ trước đây cũng từng làm trong hợp tác xã, giờ mình không làm thì còn ai làm nữa. Sẵn tiện gia đình có hồ tôm tại khu vực, mỗi năm vào tầm tháng 10, 11 này là bắt đầu vươn vai cuốc đất để gia cố lại hồ nuôi vì bị sóng biển đánh gây sạt lở, vừa tốn tiền, lại mất sức nên sẵn có chủ trương tôi đã mạnh dạn đứng ra vận động bà con đảm nhận trồng và chăm sóc rừng luôn”.
Những gốc bần hơn 10 năm tuổi. Ảnh: Trương Định |
Ông Khánh chia sẻ, lúc đầu trồng thử nghiệm nhiều loại như cây mắm, đước (người dân địa phương gọi là cây đưng) nhưng thấy không hiệu quả, một phần vì bị con hà, loại động vật chân khớp đặc biệt sống ở vùng nước mặn chuyên bám vào đục làm gãy cây chết hết. Tuy nhiên, sau đó cho trồng thử nghiệm cây bần thì thấy hiệu quả, chống chọi lại được nên triển khai trồng trên diện rộng.
Công việc cực khổ là vậy, trong khi tiền thù lao cũng chẳng đáng là bao so với công sức bỏ ra. Song, ngày đêm, ông Khánh vẫn miệt mài công việc chăm sóc, bảo vệ cánh rừng ngập mặn khi được Nhà nước giao khoán.
"Lúc trước thì khổ thật, anh em trong tổ phải lội bùn chăm sóc, gỡ từng lớp rong rêu. Giờ cây đã lớn, thành rừng rồi cũng khỏe dần. Nên cũng ưu tiên người lớn nhất bảo vệ, chủ yếu coi ngó thôi", ông Khánh nói.
Lão nông 77 tuổi miệt mài giữ rừng. Ảnh: Trương Định |
Theo ông Khánh, cực khổ nhất là 3 năm đầu, khi mới trồng cây xuống bà con còn nhổ phá, bởi làm cản trở việc khai thác thủy sản, làm mất diện tích mặt nước mà lâu nay họ mưu sinh.
"Nói chung lúc đó nhiều người chưa hiểu hết giá trị của việc trồng rừng ngập mặn, chỉ nghĩ lợi ích trước mắt. Mà trồng xuống rồi đâu phải chuyện dễ, phải thường xuyên ra canh để gỡ rong, cứ vài hôm là ra thăm để gỡ rong một lần chứ để rong bám vào là cây không phát triển được, sóng đánh vào gãy cây, chết hết. Rồi đến khi cây lớn phải ra đó nằm canh vì sợ có người chặt làm củi đốt”, ông Khánh tâm sự.
Theo ông Khánh, dù tiền hỗ trợ cũng chẳng được bao lăm (300 ngàn đồng/hecta/năm), không đủ tiền uống trà, nhưng đây là tâm huyết nên cũng gắng sức để chăm sóc. “Cực khổ nhất là mấy năm đầu chứ giờ cũng khỏe rồi, chủ yếu ra coi ngó thôi, nhưng ý thức của người dân hiện giờ rất tốt, cũng không còn tình trạng chặt phá”, ông Khánh nói thêm. |
Tôm cá, chim muông về trú ngụ
Chèo chiếc sõng (thuyền) nhỏ dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng khu rừng ngập mặn hơn 4 hecta ven đầm Thị Nại, ông Khánh hồ hởi nói: “Chiều chiều từng đàn chim bay về trú ngụ, nhìn cảnh rất đẹp. Cả một cánh rừng đầy tiếng chim kêu nghe vui tai, thoải mái lắm”.
Đàn cò trắng bay về trú ngụ. Ảnh: Dũng Nhân |
Thủy triều rút dần làm lộ lên những bãi bồi dưới tán rừng ngập mặn. Đi vào giữa rừng, chúng tôi có cảm giác như đang lạc giữa các vườn sinh thái ở miền Tây sông nước. Trước mắt, những khoảnh rừng xanh ngắt, tiếng chim kêu vang vọng, tạo nên một khung cảnh thật bình yên. Chạy dọc các nhánh sông, cũng là thời điểm các ghe tàu của ngư phủ bắt đầu chuẩn bị cho chuyến mưu sinh về đêm.
Ông Khánh cũng kể rằng, nhiều người sau khi tham quan rừng ngập mặn này chia sẻ, cứ ngỡ như đang lạc vào những khu rừng tràm, rừng đước thường chỉ có ở vùng sông nước miền Tây.
Theo ông Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, giai đoạn trước năm 2000, khi phong trào nuôi trồng thủy hải sản trên đầm Thị Nại bắt đầu rộ, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội thì một phần diện tích rừng ngập mặn bị chặt phá, để thay vào đó là những vùng đất nông nghiệp để sản xuất, nuôi trồng.
Cánh rừng ngập mặn phát triển tốt. Ảnh: Trương Định |
Từ năm 2005, ngành chức năng tỉnh Bình Định bắt đầu triển khai trồng phục hồi lại hệ sinh thái rừng ngập mặn. Rừng được trồng theo phương thức Nhà nước trồng, chăm sóc trong 5 năm đầu tiên, khi thành rừng sẽ giao khoán cho người dân ven đầm bảo vệ.
Theo ông Nhựt, cũng phải nhìn nhận sự khó khăn trong việc triển khai trồng rừng ngập mặn. Bởi, khi triển khai trồng rừng thường chọn những bãi triều cao, tuy nhiên đây thường là nơi sinh kế của người dân nên dẫn đến tình trạng chặt phá.
Một vấn đề khác đó là cây giống, bởi cây ngập mặn không phải là cây thương mại, việc trồng rừng thường được các cơ quan Nhà nước, tổ chức phi Chính phủ trồng với mục đích nhằm phục hồi môi trường, do vậy hiệu quả phải tính đến hàng chục năm chứ không phải là một vài tháng hay một vài năm.
Cũng theo ông Nhựt, tới hiện nay, diện tích rừng ngập mặn trồng trên đầm Thị Nại khoảng 65 hecta (trồng tập trung) và khoảng hơn 600 hecta (trồng phân tán dọc theo các bờ ao, hồ nuôi thủy sản của người dân). Quá trình thực hiện dự án, ngành chức năng cũng tiến hành tập huấn, tuyên truyền đến người dân về vai trò, lợi ích của rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, hỗ trợ cây giống để trồng phân tán dọc theo các hồ nuôi. Thành quả của ngày hôm nay không thể không kể đến sự nhiệt tình, tâm huyết của các hộ dân trong việc tham gia trồng, chăm sóc và nhận khoán bảo vệ.
“So với diện tích lớn của đầm Thị Nại thì con số này còn rất hạn chế, tuy nhiên đây cũng là điều đáng khích lệ, vui mừng”, ông Nhựt chia sẻ.
Vùng 'sông nước miền Tây' trên đất Bình Định. Ảnh: Trương Định |
"Số lượng cây ngập mặn trồng phân tán trên đầm Thị Nại cũng rất lớn, có khoảng trên 1 triệu cây, cộng với 65 hecta diện tích rừng ngập mặn trồng tập trung đã tạo nên một cảnh quan rất đẹp trên đầm Thị Nại. Hiện nay, cây lớn nhất cũng đã trên 20 năm tuổi", ông Nhựt nói.
Điều đặc biệt, theo ông Nhựt, hiện nay hệ sinh thái rừng ngập mặn trên đầm cũng đã bắt đầu phát huy vai trò của mình như bảo vệ môi trường trước những tác động của thiên nhiên. Cùng với đó đã góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản, cải thiện môi trường nước, tạo ra cảnh quan góp phần phát triển du lịch sinh thái,…
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 30.10.2024
Nguồn: TIENPHONG.VN