Gần một tuần qua, thời tiết nắng nóng kéo dài nên anh Thái Thanh Tường, kiểm lâm viên xã An Thọ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định phải tuần tra dọc các cánh rừng. Trong đó 2 thôn Đông Bình và Thọ Lộc 2, xã An Thọ địa hình dốc đứng, khu vực rừng keo của người dân tiếp giáp với một số vị trí rừng nghèo cây lau lách nhiều nên rất dễ xảy ra cháy khi nắng nóng kéo dài.
Trung bình mỗi tuần, anh Tường đi tuần tra rừng 2 lần, nhưng những ngày nắng nóng, anh Tường tuần tra thường xuyên. Anh Thái Thanh Tường cho biết, thời điểm tháng 4, nhiều chủ rừng bước vào mùa khai thác cây keo có nhu cầu đốt thực bì, nếu không kiểm soát thời điểm và cách thức đốt thì nguy cơ cháy lan rất cao. Để kiểm soát tốt việc đốt thực bì tái sản xuất, người dân đều báo với kiểm lâm để tư vấn thời điểm đốt thực bì phù hợp.
Anh Thái Thanh Tường, Kiểm lâm viên xã An Thọ cho biết thêm, công tác phòng ngừa, nâng cao ý thức sử dụng lửa của người dân được chú trọng hàng đầu.
Huyện miền núi Vĩnh Thạnh có 46.000 héc ta rừng tự nhiên, trong đó, xã Vĩnh Sơn có hơn 1.300 héc ta, do 3 đơn vị là Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn và UBND xã Vĩnh Sơn quản lý. Ngay từ đầu năm, huyện Vĩnh Thạnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể trong phòng chống cháy rừng.
Ông Bùi Tấn Thành, Chủ tịch UBND huyện miền núi Vĩnh Thạnh cho biết, địa hình rừng ở địa phương xa khu dân cư, dốc đứng, khi xảy ra cháy, huyện ưu tiên huy động lực lượng và phương tiện với phương châm “4 tại chỗ” để tạo đường băng cản lửa và dập tắt đám cháy.
“Nguồn lực địa phương còn hạn chế nhưng huyện Vĩnh Thạnh vẫn bố trí một nguồn kinh phí giao cho các chủ rừng để trang bị các thiết bị phù hợp với nguồn lực cũng như phù hợp với con người sử dụng. Tất cả các xã đều thành lập ban chỉ huy, công tác phòng chống thiên tai, khi có tình huống thì chúng tôi sử dụng những công cụ bằng các phương pháp tách các đám cháy. Thực chất đây cũng là một cái khó trên địa bàn, tại vì địa bàn đồi dốc mà chúng tôi cũng có giải pháp để mà làm sao phù hợp với công tác phòng cháy chữa cháy rừng”, ông Bùi Tấn Thành cho biết.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây các vụ cháy rừng ở tỉnh Bình Định thường xảy ra tại khu vực rừng trồng tiếp giáp với khu dân cư hoặc nghĩa trang. Nguyên nhân chủ yếu do việc sử dụng lửa bất cẩn hoặc người dân, không kiểm soát được thời điểm đốt thực bì. Thời gian gần đây, tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương tập trung công tác phòng chống hạn và phòng chống cháy rừng mùa khô.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, hầu hết đơn vị, chủ rừng đã triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng; thường xuyên theo dõi cấp dự báo cháy rừng và tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng, nhất là những vùng được dự báo có nguy cơ xảy ra cháy cao. Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Bình Định thường xuyên thông báo những vùng trọng điểm, nguy cơ cháy rừng cao trên nhóm lãnh đạo các phòng chuyên môn, các hạt kiểm lâm và chủ rừng. Từ đầu năm 2024 đến nay, chưa có vụ cháy rừng nào xảy ra.
Ông Lê Đức Sáu, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định cho biết, những tháng nắng nóng cao điểm, Ban Chỉ huy bảo vệ rừng - phòng cháy rừng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là sử dụng phần mềm cảnh báo cháy rừng, phần mềm phát hiện điểm cháy vệ tinh để phát hiện sớm cháy rừng.
“Cấp độ cháy rừng trên địa bàn tỉnh Bình Định đang ở cấp độ 4 và cấp độ 5, rất là nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm. Nếu xảy ra cháy rừng thì khả năng lây lan trên diện rộng. Để phòng ngừa nguy cơ cháy rừng thì chúng tôi đã ban hành các văn bản chỉ đạo trực thuộc, hạt kiểm lâm, kiểm lâm địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền về việc sử dụng lửa, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân. Chủ rừng cũng như các lực lượng kiểm lâm phải tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, ứng trực 24/24”, ông Lê Đức Sáu chia sẻ.
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 06.04.2024
Nguồn: VOV.VN