Tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo (phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), Tháp Đôi, còn gọi là Tháp Hưng Thạnh, gồm 2 tháp đứng song song nhau. Tháp phía bắc cao khoảng 22m, tháp phía nam cao trên 17m.
Theo tài liệu lưu giữ tại Ban quản lý Di tích Tháp Đôi, tháp còn có cái tên gọi khác là Tháp Hưng Thạnh có niên đại cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII. Đây là công trình kiến trúc tôn giáo
của Vương quốc Chăm Pa cổ xưa. Trong tiếng Chăm, những đền tháp được gọi là kalan tức lăng, là nơi các vị vua xây dựng để thờ phụng thần linh. Những vị thần được thờ tại đây
có thể là thần hủy diệt Siva, phúc thần đầu người mình voi Ganesha hoặc những vị Phật tùy vào niềm tin và lòng kính mộ của mỗi vị vua. Tuy nhiên, xã hội Chăm Pa ngày xưa
có sự kết hợp giữa vương quyền và thần quyền nên nhiều tháp còn thờ những vị vua Chăm Pa.
Theo cán bộ phòng Bảo tồn Di tích (Bảo tàng tỉnh Bình Định), dựa vào hình dáng, cấu trúc, điêu khắc, vật liệu xây dựng..., các nhà nghiên cứu đã xếp Tháp Đôi vào nhóm tháp thuộc phong cách kiến trúc Bình Định, có niên đại cuối thế kỷ XII - đầu thế kỷ XIII.
Bên cạnh những yếu tố kiến trúc của một ngôi tháp Chăm truyền thống, Tháp Đôi còn mang nét đặc trưng với khối hình lớn, vòm cửa ra vào và cửa giả vút lên như hình mũi giáo…
Công trình này là một trong những ngôi tháp độc đáo nhất, gồm 2 phần chính: phần dưới là khối thân vuông và phần mái tháp mặt cong.
Từ bộ diềm mái trở lên, Tháp Đôi không thu nhỏ giật cấp thành 3 tầng, mà thay vào đó là cả một hệ thống nhiều tầng giả.
Mỗi tầng được báo hiệu ở 4 góc tháp bằng hình chim thần Garuda đang trong tư thế đôi chân cong, lấy thế mạnh đạp vào góc tường tháp, hai cánh tay giơ thẳng hết cỡ như đỡ lấy sức nặng của tầng trên tháp.
Ngoài ra, phù điêu hình các con vật thần thoại mang ảnh hưởng của nghệ thuật Khmer thế kỷ XII-XIII.
Có thể nói, trong số những tháp cổ Chăm hiện còn ở Bình Định, Tháp Đôi là một trong những kiến trúc chịu ảnh hưởng văn hóa Khmer đậm nét nhất, thể hiện ở hình dáng, trang trí và việc sử dụng vật liệu đá vào kiến trúc khá nhiều…
Điểm đặc biệt so với những tháp cổ Champa hiện tồn tại ở Bình Định là bên trong Tháp Đôi thờ bộ ngẫu tượng Linga - Yoni bằng sa thạch.
Bộ ngẫu tượng này được tạc bằng sa thạch nguyên khối, có đế vuông với cạnh 1,86m, chiều cao 1,06m, phục chế lại từ nguyên mẫu dựa trên bản vẽ của nhà nghiên cứu người Pháp.
Đây được xem là cội nguồn của sự sáng tạo, là biểu tượng sống động thể hiện tín ngưỡng phồn thực của người Chăm xưa, nhằm cầu mong vạn vật sinh sôi nảy nở.
Ngày nay, Tháp Đôi đang ngày càng thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế không chỉ bởi kiến trúc độc đáo, tinh tế, sắc sảo của người Chăm Pa mà nơi đây còn để lại trong lòng du khách những giá trị văn hóa đặc sắc.
Những điệu múa của các cô gái Chăm được phục dựng lại để phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm thêm phần sinh động.
Theo cán bộ Ban quản lý Di tích Tháp Đôi, vì đang mùa du lịch nên dịp này, những ngày đầu tuần và cuối tuần, có đến 400-500 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.