Cụ thể, ông Huỳnh Văn Lợi – Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Bình Định cho biết, UBND tỉnh này đã đồng ý chủ trương giao Sở chủ trì, phối hợp với UBND thị xã Hoài Nhơn, UBND huyện An Lão cùng các đơn vị liên quan khảo sát, xây dựng hồ sơ lý lịch trích ngang di tích Trường Lũy Bình Định trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xin chủ trương xếp hạng di tích Quốc gia theo quy định.
"Việc xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đoạn Trường Lũy địa phận Bình Định nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích, tạo thêm sản phẩm du lịch văn hóa mang nét độc đáo để thu hút du khách, góp phần phát triển du lịch của tỉnh", ông Lợi nói.
Theo thông tin từ Bảo tàng Bình Định, Trường Lũy là tên gọi một bờ lũy dài khoảng 147 km, được xây dựng dưới thời chúa Nguyễn và hoàn thành vào thế kỷ 19, còn gọi là đường cái quan thượng.
Trường Lũy được đắp bằng đất và đá, nằm về phía đông của dãy Trường Sơn, chạy dài từ huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) đến huyện An Lão (Bình Định).
Theo các tài liệu, Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định là một di sản đặc trưng của Việt Nam. Trường Lũy được bắt đầu xây dựng vào khoảng thế kỷ 16, khi ông Bùi Tá Hán (1496 - 1568) lãnh nhiệm vụ của triều Lê Trung Hưng nhậm trấn đạo Quảng Nam, nay là vùng đất thuộc TP Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.
Lúc bấy giờ, để ngăn chặn người thiểu số ở phía tây Quảng Ngãi, ông cho đắp các đoạn lũy đất ở những nơi hiểm yếu và đặt một số đồn/bảo để trấn giữ.
Cuối thời Gia Long, đầu thời Minh Mạng, trong một nỗ lực ổn định vùng đất thượng du phía tây, triều đình nhà Nguyễn đã thuận theo lời tâu của Lê Văn Duyệt (1764 - 1832), một đại công thần và là một võ tướng quê ở làng Bồ Đề, phủ Mộ Hoa (nay là huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi), cho phép huy động nhân lực gia cố và nối các đoạn Trường Lũy lại với nhau, dựng thêm nhiều đồn/bảo, hình thành một hệ thống đồn lũy liên hoàn, vắt ngang miền tây tỉnh Quảng Ngãi, chạy từ huyện Hà Đông (nay là TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đến phía bắc phủ Quy Nhơn (nay là các huyện Bồng Sơn, An Lão, tỉnh Bình Định). Từ đây lũy dài này có tên là Tĩnh Man Trường Lũy.
Hiện đoạn Trường Lũy nằm trên địa phận tỉnh Quảng Ngãi đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 2011. Còn đoạn Trường Lũy nằm trên địa phận tỉnh Bình Định dài hơn 14 km, kéo dài từ thôn La Vuông, xã Hoài Sơn (TX Hoài Nhơn) đến TT An Lão và các xã An Hưng, An Tân, An Quang (thuộc huyện An Lão), chưa được xếp hạng.
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 26.9.2024
Nguồn: CONGLUAN.VN