Đền thờ Nguyễn Sỹ Dũng (phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn) đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 1993.
Theo sách Võ nhân Bình Định, Võ Văn Dũng (một số sách chép là Vũ Văn Dũng), người thôn Phú Phong, huyện Tuy Viễn, Bình Định. Còn gia phả họ Vũ do Vũ Vĩnh Thứ, cháu ba đời của Vũ Văn Dũng soạn vào năm Tự Đức thứ 22 (1870) ghi rõ ông quê ở Hải Dương. Hiện nay, ngoài nhiều dữ kiện lịch sử thì vấn đề quê hương gốc tích của ông vẫn còn đang tranh cãi.
Tuy vậy, hầu hết các tài liệu đều ghi rõ, thuở nhỏ Vũ Văn Dũng đã nuôi giấc mơ trở thành cao thủ võ học. Sinh ra trong gia đình khá giả, ông được cha mời nhiều thầy giỏi về dạy, vì thế mà tinh thông cả trường kiếm, đoản đao, có tài liệu còn nói ông rất giỏi côn.
Vì thế, gia nhập nghĩa quân Tây Sơn, ông nhanh chóng trở thành người có tài thao lược, là trụ cột của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Ông theo vua Quang Trung lập nhiều chiến công. Không chỉ chỉ huy thủy binh nhử giặc vào trận mai phục Rạch Ngầm - Xoài Mút tiêu diệt gọn 5 vạn quân và 300 chiến thuyền của quân Xiêm La xâm lược, ông còn cùng chủ tướng Tây Sơn và các tướng lĩnh khác mở chiến dịch thần tốc ra Bắc đánh tan 20 vạn quân Thanh, đặc biệt là đánh đồn Khương Thượng vào Tết Kỷ Dậu năm 1789.
Kể từ khi vua Quang Trung lên ngôi, Vũ Văn Dũng được phong làm Tư khấu, rồi tới Đô đốc và đỉnh cao là được phong tước Chiêu viễn Đại đô đốc đại tướng quân. Ông được vua Quang Trung giao nhiệm vụ ở lại Bắc Hà cùng với Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm trông nom chính sự, rồi làm trấn thủ Hải Dương. Ngoài ra, vua Quang Trung còn tin tưởng giao cho ông đi sứ vào năm 1789 và 1791, với mục đích chính là thiết lập mối bang giao hòa hiếu với nhà Thanh (Trung Quốc), sau chiến thắng Kỷ Dậu 1789. Tác phẩm Lê Triều dã sử (Khuyết danh, do Nguyễn Huy Thức và Lê Văn Bảy dịch, Nxb Văn hóa - Thông tin, 2006) ghi về sự kiện đi sứ này: “Trước đó, Quang Trung sai Dũng Phái Chiêu viễn Đại tướng quân người làng Thanh Miện sang sứ Càn Long, trong đó trình bày ba việc: Một là cầu hôn công chúa, hai là đòi trả lại đất Lưỡng Quang, ba là xin thả Chiêu Thống về nước".
Lại nói về vua Quang Trung, người cầm quân chiến đấu từ năm 18 tuổi, trong 20 năm liền đã trải qua hàng chục trận đánh lớn và chưa hề thua một trận nào. Ở cương vị hoàng đế, ông cũng tỏ rõ tài cai trị khi đề ra nhiều kế hoạch cải cách tiến bộ trong kinh tế, văn hóa, giáo dục, quân sự... nhằm xây dựng đất nước và tiếp thu khoa học - kỹ thuật hiện đại từ phương Tây. Vì thế, năm 1792, Quang Trung đột ngột qua đời, là sự mất mát to lớn bởi nhiều chính sách của ông chưa thực hiện xong. Quá đau lòng, đô đốc Vũ Văn Dũng đã làm bài thơ than khóc vua trong đó có hai câu cuối: “Trời để vua ta thêm chục tuổi / Anh hào Đường, Tống hết khoa hùng”.
Hiện tại, đền có nhiều hạng mục đã xuống cấp, cần phải trùng tu, tôn tạo.
Sau cái chết của Quang Trung, tình hình chính sự nhiều phức tạp, Quang Toản lên ngôi khi còn quá nhỏ tuổi, trong lúc đó những mâu thuẫn nội bộ của triều Tây Sơn lại phát triển làm cho chính quyền mới bị suy yếu nhanh chóng. Nhân cơ hội đó Nguyễn Ánh chuyển sang thế phản công đánh chiếm thành Quy Nhơn (1799), Phú Xuân (1801). 10 năm sau khi Nguyễn Huệ mất, Nguyễn Ánh chiếm được thành Thăng Long (tháng 7/1802) khôi phục chế độ phong kiến, lập nên nhà Nguyễn (1802-1945) lấy Quốc hiệu là Việt Nam.
Câu chuyện về đô đốc Vũ Văn Dũng và các tướng lĩnh Tây Sơn khác được ghi chép trong nhiều tài liệu, đặc biệt về việc họ bị trả thù. Sách “Linh tích Sầm Sơn” (Hoàng Thăng Ngói, NXB Thanh Hóa, 2020) có chép: Nguyễn Ánh lên ngôi và tiến hành khủng bố, trả thù dã man đối với những người thuộc phái Tây Sơn; con cháu thuộc dòng dõi các lãnh tụ Tây Sơn đều bị truy nã. Đứng trước những hành động trả thù đó, Đô đốc Vũ Văn Dũng bí mật đưa con cháu lánh nạn về Cửa Hới (nay thuộc phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn). Để phòng tung tích bị bại lộ ông đổi họ của mình từ Vũ Văn thành họ Nguyễn Sỹ, tên hiệu là Cương Dũng.
Gia phả dòng họ Nguyễn Sỹ ở làng Lộc Trung (nay thuộc phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn) và gia phả họ Nguyễn Văn ở thôn Hán Trung, xã Hoằng Hải (Hoằng Hóa) đều có ghi về thủy tổ dòng họ là ông Cương Dũng. Ông Cương Dũng sinh ra Cương Nghị. Cương Nghị sinh ra Cương Hiền (con trưởng) tên thường gọi là Đồ Tài, con thứ là Đức Mậu, thường gọi là Đồ Tá. Cả hai ông đều đỗ sinh đồ.
Không quên đề phòng tung tích bị bại lộ di họa về sau nên ông Cương Dũng đã cho cháu đích tôn sang Hoằng Hóa lập nghiệp, sau này lập ra làng Hán Trung. Còn người em, Đồ Tá, ít tuổi ở lại với cha sau này lập thành làng Lộc Trung. Đây cũng là lý do mà dân gian có câu “Quảng Xương Đồ Tá, Hoằng Hóa Đồ Tài”.
Ghi nhớ công lao của một trong những tướng lĩnh trung thành cuối cùng đã chiến đấu bảo vệ sự tồn tại của vương triều Tây Sơn, khi ông mất, người dân làng Lộc Trung lập đền thờ phong ông làm Thành hoàng làng. Sau này, vua Tự Đức cũng đã ban sắc phong “Bậc Thành hoàng Thượng đẳng phúc thần Đại vương” cho ông.
Về đền thờ đô đốc Nguyễn Sỹ Dũng ở phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn), ông Trần Trí Tường, tổ trưởng tổ dân phố Thọ Xuân, giới thiệu: Đền đô đốc Dũng trước đây nằm ở khu vực cảng Hới. Kể từ khi đền được phục dựng trên không gian này với diện tích trên 4.700m2, ngôi đền đã gắn bó với người dân tổ dân phố Thọ Xuân nói riêng, phường Quảng Tiến nói chung. Đến nay đền Nguyễn Sỹ Dũng thờ đô đốc Dũng chẳng những được con cháu trong dòng tộc bảo quản chu đáo, mà chính quyền địa phương hết sức quan tâm, tu bổ tôn tạo ngày càng khang trang hơn. Nhờ đó, trở thành điểm tham quan của nhiều người khi về với Sầm Sơn. Hằng năm có nhiều đoàn khách từ Bình Định, Hải Dương về dâng hương. Đặc biệt, lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày mất của Đại Đô đốc Tướng quân Vũ Văn Dũng thường niên được chính quyền và con cháu dòng tộc tổ chức quy mô và trang trọng.
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 12.7.2024
Nguồn: VHDS.BAOTHANHHOA.VN