7 chỉ số cấp sở, 8 chỉ số cấp huyện
Kết quả, xếp hạng tổng thể chuyển đổi số đối với 21 sở, ban, ngành, dẫn đầu là Sở Thông tin và Truyền thông, vị trí thứ 2 Văn phòng UBND tỉnh và đứng cuối cùng Ban Dân tộc.
Đối với 11 huyện, thị xã, thành phố, dẫn đầu là UBND huyện Hoài Ân, vị trí thứ 2 UBND thị xã An Nhơn và đứng cuối cùng UBND huyện Vân Canh.
Theo UBND tỉnh Bình Định, Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố tỉnh Bình Định (Chỉ số DTI) phục vụ cho công tác đo lường, đánh giá và xếp hạng việc thực hiện công tác chuyển đổi số hằng năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, bộ chỉ số đánh giá DTI cấp sở bao gồm 7 chỉ số chính là nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, nhóm chỉ số hoạt động, hoạt động chính quyền số và hoạt động xã hội số với 40 chỉ số thành phần được tính trên thang điểm 500.
Đối với cấp huyện, Bộ chỉ số đánh giá DTI bao gồm 8 chỉ số chính với 60 chỉ số thành phần được tính trên thang điểm 700.
Trong quá trình chuyển đổi sổ ở cấp huyện, UBND huyện Hoài Ân là địa phương triển khai đồng loạt các hoạt động chuyển đổi số. Địa phương này đã ban hành văn bản về việc giao 7 chỉ tiêu liên quan đến Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn huyện năm 2024.
Những chỉ tiêu được giao cho các cơ quan như: cấp kết quả điện tử, dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến và thủ tục hành chính cung cấp thanh toán trực tuyến có phát sinh giao dịch thanh toán trực tuyến đạt tỷ lệ 100%; số hóa thành phần hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt tỷ lệ 95%...
UBND huyện Hoài Ân giao thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc huyện, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện nếu không hoàn thành chỉ tiêu được giao.
Chuyển đổi số giúp nâng cao chỉ số cải cách hành chính
Theo ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, trong năm 2023, công tác chuyển đổi tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh triển khai, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể. Từng bước thay đổi cách thức tổ chức, môi trường và công cụ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, qua đó nâng cao hiệu quả phục vụ để đáp ứng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chuyển đổi số của tỉnh.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cho hay, về nhận thức số, 100% các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của ngành, địa phương để chỉ đạo triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XX) về chuyển đổi số tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Các đơn vị đã tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị về chuyển đổi số; xây dựng chuyên mục riêng về chuyển đổi số trên Trang thông tin điện tử và thực hiện cung cấp tin, bài về chuyển đổi số cơ bản đáp ứng mục đích tuyên truyền.
Về thể chế số, 100% các cơ quan, đơn vị đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số hàng năm, nội dung kế hoạch bám sát hướng dẫn của bộ, ngành, của tỉnh và tình hình thực tế của ngành, địa phương. Các đơn vị thực hiện rà soát, ban hành đầy đủ các quy chế, quy định về quản lý, vận hành hệ thống thông tin tại cơ quan, đơn vị.
Về hạ tầng số, hầu hết các sở, ban, ngành trang bị cơ bản đầy đủ máy tính làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức và triển khai hệ thống mạng LAN tại cơ quan, đơn vị mình. Tuy nhiên, đối với các địa phương, nhất là cấp xã, chưa đảm bảo được hai tiêu chí này.
Máy tính cán bộ được cài đặt phần mềm phòng, chống mã độc
Với nhân lực số, đội ngũ công chức, viên chức chuyên trách công nghệ thông tin của các sở, ngành, địa phương vừa thiếu về số lượng và kỹ năng tham mưu tổ chức triển khai chuyển đổi số.
Theo UBND tỉnh Bình Định, về an toàn thông tin mạng, hầu hết các máy tính cá nhân tại các cơ quan, đơn vị đã được cài đặt phần mềm phòng, chống mã độc theo mô hình quản trị tập trung của tỉnh.
Hệ thống mạng nội bộ đã được phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ 2 và triển khai phương án bảo vệ theo hồ sơ đề xuất cấp độ đã được phê duyệt. Tuy nhiên, các cơ quan, đơn vị chưa quan tâm tổ chức kiểm tra, đánh giá Hệ thống thông tin theo quy định tại Thông tư số 12/2022/TT-BTTTT ngày 12/8/2022.
Hoạt động chính quyền số, trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố cung cấp thông tin trên môi trường mạng đáp ứng theo yêu cầu tại Điều 4 và Điều 8 Nghị định số 42/2022/NĐ-CP.
Cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị tuân thủ quy chế sử dụng thư điện tử công vụ trong công việc. Tỷ lệ số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính đối với các thủ tục hành chính được tiếp nhận trên Cổng dịch vụ công của tỉnh đạt 98%.
Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến đã được các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố quan tâm, đẩy mạnh và hầu hết đều đạt trên 80%.
Tuy nhiên, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công tỉnh Bình Định trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công chưa cao (cấp sở đạt 61%, cấp huyện đạt 77%).
Về hoạt động kinh tế số, xã hội số, các địa phương chưa quan tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế số, phần lớn chỉ số kinh tế số của các địa phương đều đạt tỷ lệ thấp. Tỷ lệ người lao động được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số ở các huyện, thành phố chưa cao. Số lượng dân số ở độ tuổi trưởng thành tại các huyện, thành phố có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân còn rất ít.
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 19.7.2024
Nguồn: VIETNAMNET.VN