Đưa Bình Định trở thành nơi hội tụ của các nhà khoa học
Ngày 19/7, Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ do Thứ trưởng Trần Hồng Thái làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định.
Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ làm việc với UBND tỉnh Bình Định |
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác và các đại biểu đã trao đổi, thảo luận một số nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển KH&CN, sở hữu trí tuệ, công nghệ sinh học, chọn tạo giống, các chương trình KH&CN quốc gia Bộ đang triển khai, công nghệ chế biến sản phẩm nông nghiệp; vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; chuyển giao công nghệ; công nghệ chế biến các sản phẩm; hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại địa phương; công tác đào tạo nguồn nhân lực…
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái cho biết, những năm gần đây, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, trong đó có tỉnh Bình Định được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ (Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 11/7/2023) nhằm đổi mới cơ chế điều phối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng phát triển nhanh, bền vững; phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 4/5/2024)…
Trong đó, nhiều nội dung, nhiệm vụ về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) đã được đặt ra nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng, trong đó có tỉnh Bình Định.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm về KHCN&ĐMST được đề cập là: “Tăng cường tìm kiếm công nghệ tiên tiến, thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh cho từng địa phương và toàn vùng”.
“Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia giai đoạn 2021 - 2030: hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đổi mới công nghệ quốc gia; phát triển tài sản trí tuệ; phát triển công nghệ cao...”.
Đối với tỉnh Bình Định, quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định số 1619-TTg ngày 14/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ) đã nêu rõ quan điểm phát triển: Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực, chủ động tận dụng tốt nhất cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đưa Bình Định trở thành một trong những điểm đến, nơi hội tụ của các nhà khoa học, trung tâm về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”…
Tại Quy hoạch đã xác định cụ thể các mục tiêu, phương hướng phát triển, trong đó đã nhấn mạnh đến các trụ cột, giải pháp, phương án về KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái |
Thứ trưởng Trần Hồng Thái cho hay, với mong muốn tiếp tục đồng hành, tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp giữa Bộ KH&CN với tỉnh Bình Định trong thúc đẩy KHCN&ĐMST ở địa phương phát triển, phục vụ thiết thực, hiệu quả cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đoàn công tác của Bộ làm việc với tỉnh để cùng trao đổi, xác định những vấn đề KH&CN cần giải quyết nhằm phục vụ cho các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, hiện nay, Bộ KH&CN đang triển khai hơn 30 chương trình KH&CN cấp quốc gia trên các lĩnh vực, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ để phát triển các ngành, lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, vùng… "Vấn đề là, các địa phương huy động, tận dụng nguồn lực quốc gia này như thế nào, bao gồm cả nguồn lực tài chính, lẫn nguồn chuyên gia KH&CN… để giải quyết các vấn đề KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương" - Thứ trưởng nói.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN, Bình Định có nhiều thế mạnh, tiềm năng về phát triển KHCN&ĐMST. Trong đó, trước hết là sự quan tâm của các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương đối với hoạt động KHCN&ĐMST; việc triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp phát triển KHCN&ĐMST trên các lĩnh vực; có nhiều thiết chế, hạ tầng về KHCN&ĐMST chất lượng cao, tiêu biểu là Trung tâm Quốc tế và Giáo dục liên ngành, Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo… không chỉ có uy tín, sự ảnh hưởng trong giới khoa học trong nước mà còn cả quốc tế.
Chú trọng đầu tư, nâng cao tiềm lực KH&CN
Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nêu, so với một số địa phương khu vực duyên hải miền Trung, Bình Định có xuất phát điểm về phát triển khoa học và công nghệ tương đối thuận lợi.
Tại thành phố Quy Nhơn, hiện có Trung tâm Quốc tế và Giáo dục liên ngành là nơi giao lưu, trao đổi, chuyển giao KH&CN giữa Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới, cung cấp dịch vụ KH&CN nhằm phát triển khoa học, giáo dục Việt Nam hội nhập quốc tế, trở thành điểm đến của các nhà khoa học trên thế giới; Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo, đưa khoa học đến gần với công chúng thông qua các mô hình, chương trình khoa học tại Trung tâm.
Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định |
Bên cạnh đó, còn có Trường Đại học Quy Nhơn, phân hiệu Trường Đại học FPT, Viện Sốt rét ký sinh trùng côn trùng Quy Nhơn, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ... là các đơn vị đào tạo, nghiên cứu cứu khoa học và phát triển công nghệ chuyên sâu cho nhiều lĩnh vực lĩnh vực... Đây là những hạ tầng kỹ thuật, tiềm lực KH&CN quan trọng đóng góp cho sự phát triển của ta trong tương lai.
"Tỉnh Bình Định rất quan tâm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Coi khoa học công nghệ cùng giáo dục đào tạo là nhân tố quan trọng để phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững, là điều kiện để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư" - ông Lâm Hải Giang khẳng định.
Chính vì vậy, trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp, Tỉnh ủy Bình Định đã có Chương trình hành động về phát triển khoa học và công nghệ. Trong những năm qua, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được triển khai toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và có nhiều đổi mới, từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thông tin, trong thời gian tới, Bình Định sẽ tiếp tục tập trung thực hiện tích cực một số nội dung: Một là, tiếp tục bám sát quan điểm và triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, đã được nêu tại Chương trình hành động số 10-CTr/TU của Tỉnh uỷ về phát triển khoa học và công nghệ. Tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Quyết định số 3810/QĐ-UBND ngày 14/9/2021 của UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 10-CTr/TU của Tỉnh uỷ.
Hai là, có giải pháp huy động hiệu quả các nguồn lực và nâng cao tiềm lực KH&CN. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cân đối bảo đảm chi tối thiểu đạt 2% tổng chi ngân sách địa phương cho KH&CN, đặc biệt là chi triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, tập trung và nghiên cứu các sản phẩm chủ lực của địa phương; tăng cường huy động kinh phí ngoài ngân sách nhà nước, đối ứng của doanh nghiệp trong triển khai các nhiệm vụ KH&CN.
Chú trọng đầu tư, nâng cao tiềm lực cho các đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập thuộc Sở KH&CN; đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực KH&CN. Đầu tư, phát triển trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các tổ chức nghiên cứu, trường đại học; Hỗ trợ và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ba là, đẩy mạnh phát triển liên kết, nhất là liên kết các ngành, doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu, trường đại học trong tỉnh, đặc biệt là ứng dụng KHCN trong sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản theo chuỗi vượt qua ranh giới địa phương,…
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 19.7.2024
Nguồn: CONGTHUONG.VN