Bình Định có nhiều lợi thế đưa Quy Nhơn thành thành phố khoa học đặc trưng

Thứ tư - 31/07/2024 15:29 52 0
Bình Định định hướng Quy Nhơn thành thành phố khoa học. Khu đô thị Khoa học Quy Hòa hình thành sẽ là tiền đề cho sự phát triển thành thành phố khoa học đặc trưng tương lai.

Đề án phát triển “Khu đô thị Khoa học Quy Hòa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” đã xây dựng và đang được triển khai tại Bình Định nhằm đưa Quy Nhơn trở thành khu đô thị đa chức năng đầu tiên của cả nước. 

Mô hình đột phá, khác biệt

Quy Nhơn là thành phố nổi tiếng về du lịch nhưng không chỉ phát triển về du lịch, Bình Định còn định hướng Quy Nhơn thành một thành phố khoa học đặc trưng của Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Hà - Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&CN Bình Định. Ảnh: Diễm Phúc 
 

Ông Nguyễn Hữu Hà - Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&CN Bình Định chia sẻ, năm 2013, Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn đã khánh thành và đi vào hoạt động.

“Với ý nghĩa, vai trò thực tiễn hoạt động của ICISE, trong các chuyến thăm và làm việc tại Bình Định, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng ý cho tỉnh Bình Định xây dựng và phát triển “Khu đô thị Khoa học Quy Hòa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”. Khu đô thị Khoa học Quy Hòa là tiền đề cho sự phát triển thành phố khoa học đặc trưng của Việt Nam. Đây là mô hình sáng tạo mới của lãnh đạo tỉnh Bình Định, có tính đặc thù riêng, chưa có tiền lệ, nhằm phục vụ cho nghiên cứu khoa học, phi lợi nhuận, là cầu nối đưa khoa học Việt Nam tiếp cận với khoa học thế giới và đưa khoa học thế giới đến với Việt Nam”, ông Hà nói. 

Đầu tư cho khoa học là đầu tư cho sự đột phá, tạo ra sự khác biệt và cũng là đầu tư cho tương lai, cho các thế hệ mai sau. Do đó, Bình Định đã đề xuất hình thành Khu đô thị Khoa học Quy Hòa, khu đô thị khoa học đầu tiên của Việt Nam và là tiền đề tạo ra thành phố khoa học trong tương lai.

Nhiều lợi thế

Theo ông Hà, Quy Nhơn có nhiều lợi thế để phát triển khoa học mà các địa phương khác khó có được.

Thứ nhất, Quy Nhơn là địa phương có ý tưởng và quyết tâm xây dựng một quần thể nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực chất lượng cao đẳng cấp quốc tế theo mô hình Khu đô thị Khoa học tại Quy Hòa với hạt nhân ban đầu là ICISE.

Thứ hai, Quy Nhơn còn là điểm đến của các nhà khoa học hoạt động trong các lĩnh vực chuyên môn sâu như: công nghệ vũ trụ, vật lý lý thuyết hạt, độc học…

Vào năm 2015, dự án “Tổ hợp không gian khoa học”, gồm Nhà chiếu hình vũ trụ, Khu khám phá khoa học và Đài quan sát thiên văn phổ thông đã được Chính phủ và Bộ KH&CN phê duyệt đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước. Đây là tổ hợp khoa học đại chúng đầu tiên tại Việt Nam, thứ hai ở Đông Nam Á, đưa khoa học tới quần chúng và phát triển tình yêu khoa học cho người dân, đặc biệt là giới trẻ, vừa phục vụ giáo dục khoa học, vừa phát triển du lịch khoa học.

Năm 2016, ICISE đã thành lập Viện Nghiên cứu khoa học và giáo dục liên ngành (IFIRSE) để phát huy nguồn nhân lực quan trọng từ khoảng 1.000 nhà khoa học vật lý đến ICISE dự hội nghị hàng năm. Đây là những nhóm nghiên cứu mạnh có tầm cỡ quốc tế.

Năm 2017, tại hội thảo quốc tế về môi trường được tổ chức tại ICISE, Hội Gặp gỡ Việt Nam và Hội Độc học môi trường thế giới đã đề xuất thành lập Trung tâm Nghiên cứu độc học môi trường và Phân tích rủi ro sinh thái tại Quy Nhơn. Đề xuất này đã được Bộ trưởng Bộ TN&MT Việt Nam và UBND tỉnh Bình Định ủng hộ. Hiện tại, dự án này đã tìm kiếm được nhà đầu tư và đang triển khai.

Riêng trong lĩnh vực CNTT, từ năm 2020, các công ty phần mềm như FPT Software và TMA Solutions đã đặt trụ sở và xây dựng các công viên phần mềm tại khu vực Quy Hòa. Tại đây có khoảng 100 chuyên gia và kỹ sư phần mềm thường xuyên làm việc. FPT cũng đang xây dựng Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ tại phường Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân.

Một khu công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bình Định. Ảnh: Xuân Quý
 

Thứ ba, Quy Nhơn không chỉ là điểm đến của các nhà khoa học, các doanh nhân đầu tư các dự án công nghệ cao, mà còn là một trong các cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao cho vùng Duyên hải Trung bộ và quốc gia. Quy Nhơn còn có các cơ sở thực nghiệm và nghiên cứu khoa học tầm cỡ khu vực, như Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, Trung tâm Nghiên cứu phát triển chăn nuôi miền Trung, Bệnh viện Phong - Da liễu Quy Hòa…

Theo ông Hà, việc tiếp tục phát huy vai trò của ICISE, IFIRSE với hai nhóm nghiên cứu khoa học cơ bản là nhóm Vật lý lý thuyết và nhóm Neutrino sẽ là nền móng cho một trung tâm nghiên cứu mang tầm quốc tế sau này. Ngoài ra, Trung tâm Khám phá khoa học cùng với các viện nghiên cứu, trung tâm khoa học, giáo dục khác đã và đang được xây dựng, hoàn thiện ở khu vực này sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành trung tâm khoa học và sáng tạo của quốc gia, được đặt tại Quy Nhơn, Bình Định.

Định hướng Quy Nhơn thành thành phố khoa học, Bình Định kỳ vọng, nơi đây sẽ là nơi gặp gỡ, trao đổi, thảo luận kết quả, thành tựu nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học hàng đầu quốc tế và khu vực; Nơi truyền cảm hứng, khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học cho thế hệ trẻ Việt Nam và thế giới; Trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo của cả nước, điểm đến của nhà đầu tư trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Đồng thời là nơi phát triển nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ; đào tạo nhân lực chất lượng cao, tinh hoa phục vụ cho nghiên cứu khoa học. Đây cũng sẽ là nơi hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; sản xuất, kinh doanh và dịch vụ chíp bán dẫn; đẩy mạnh ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.


THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây 
Ngày đăng: 31.7.2024
Nguồn: VIETNAMNET.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
DVCTT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây