Tỉnh đề nghị hỗ trợ để tham gia Đề án thí điểm đầu tư các cụm công nghiệp tập trung theo mô hình cụm liên kết ngành sản xuất các nguyên phụ liệu. (Ảnh minh hoạ) |
Để tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, Bình Định áp dụng khung chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ như ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất; Chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Trung ương nói chung và chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ ở tỉnh nói riêng đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp theo đúng định hướng; đã xác định các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Định, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 21 doanh nghiệp đang sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (theo danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ và Quyết định số 76/2016/QĐ-UBND ngày 19/12/2016 của UBND tỉnh) với tổng vốn đăng ký đầu tư 4.411 tỷ đồng.
Điển hình như Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nhơn Hội - Bình Định sản xuất thép phục vụ ngành cơ khí chế tạo với tổng vốn đầu tư 3.600 tỷ đồng, công suất 430.000 tấn/năm, diện tích nhà máy 21,8 ha; 10 doanh nghiệp đang triển khai 10 dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với tổng vốn đăng ký đầu tư 57.444 tỷ đồng, tổng diện tích xây dựng nhà máy 478 ha.
Tại buổi làm việc ngày 09/8 của Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu, đã làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại … với tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho biết, Bình Định là địa phương làm tốt công tác đầu tư hạ tầng giao thông, KCN, CCN. Bộ trưởng hỗ trợ, tháo gỡ, rà soát cho tỉnh các quy hoạch để ngành công nghiệp Bình Định trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo phía Nam của vùng, là trụ cột tăng trưởng kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh theo định hướng tại Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1619/QĐ-TTg.
Trong thời gian qua hạ tầng kỹ thuật liên tục đầu tư cải thiện, nhất là giao thông như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 19; cảng Quy Nhơn, Cảng hàng không Phù Cát… đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu mua nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu sản phẩm sang các nước. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đều đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp nên thuận lợi trong việc xử lý môi trường, tổ chức quản lý sản xuất tập trung; đồng thời, góp phần tăng tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên việc phát triển công nghiệp hỗ trợ tại địa phương vẫn còn một số khó khăn, tồn tại nhất định. Số lượng các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh còn khiêm tốn so với số lượng các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh.
“Do đó, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh phải thu mua nguyên, vật liệu từ các địa phương khác trong nước, thậm chí nhập khẩu nguyên, vật liệu” ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công thương Bình Định chia sẻ.
Ngoài ra, hiện các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì vậy thường không có đủ nguồn vốn đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, mua sắm máy móc thiết bị, chế tạo thử nghiệm sản phẩm. Đồng thời, hiện nay, việc cung cấp các dịch vụ kiểm định, thử nghiệm, chứng nhận chất lượng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, chưa có đầu mối hỗ trợ cụ thể.
Phần lớn lao động tại các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là lao động phổ thông, được đào tạo trong quá trình tập sự tại doanh nghiệp là chủ yếu. Tỷ lệ lao động qua đào tạo, đặc biệt là lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp rất thấp và luôn trong tình trạng khan hiếm.
Trình độ của đội ngũ quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế, trong khi đây là nhân tố quyết định đường lối, chiến lược kinh doanh và cách thức vận hành doanh nghiệp, khả năng chấp nhận rủi ro để thực thi các điều chỉnh, cải cách thông qua đầu tư, đổi mới công nghệ, cách thức quản lý…
9 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP của tỉnh Bình Định tăng 9,88% so với cùng kỳ; trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,39%. Lũy kế 9 tháng năm 2024, Bình Định có đến 41 dự án sản xuất công nghiệp đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 4.342 tỷ đồng (trong đó: có 8 dự án trọng điểm với tổng vốn đầu tư 3.593 tỷ đồng).
Lãnh đạo Sở Công Thương Bình Định cho biết, khi các dự án sản xuất công nghiệp đi vào hoạt động, ngoài việc thúc đẩy tăng chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, còn tạo động lực để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ của các ngành mà dự án đó đi vào hoạt động như: tạo đầu ra cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, nâng cao trình độ quản lý sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để ngày càng đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
Bên cạnh việc tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp đang triển khai trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức gặp gỡ làm việc, nắm bắt tình hình, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu, tạo việc làm cho lao động địa phương. Các chương trình khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện.
Bình Định đề nghị được vào Chương trình phát triển cơ khí trọng điểm Quốc gia, định hướng thu hút đầu tư các nhà máy sản xuất chế tạo máy cơ khí và phụ tùng. (Ảnh minh hoạ) |
Thời gian qua, tỉnh đã thu hút được các doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, nhất là Nhà máy thép Hoa Sen - Nhơn Hội, Công ty TNHH MTV Hoa Sen Bình Định tạo động lực phát triển các ngành công nghiệp khác của tỉnh; dự án sản xuất gia công bộ phận phụ tùng ô tô, phụ tùng động cơ, phụ tùng phanh, phụ tùng máy móc hạng nặng…
Một số dự án về công nghiệp hỗ trợ sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới: Nhà máy sản xuất và chế biến gỗ của Công ty CP Tekcom Central sản xuất ván ép các loại phục vụ ngành chế biến gỗ nội, ngoại thất dự kiến hoạt động quý 1/2026; Nhà máy sản xuất và chế biến ván gỗ MDF của Công ty Du lịch Thương mại Quy Nhơn sản xuất ván MDF phục vụ ngành chế biến gỗ nội thất dự kiến hoạt động quý 3/2025; Nhà máy sản xuất gia công bộ phận phụ tùng ô tô, phụ tùng động cơ, phụ tùng phanh, phụ tùng máy móc hạng nặng phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô dự kiến hoạt động quý 3/2026.
Thời gian tới Bình Định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và xu hướng phát triển của quốc gia và của thế giới, nhằm đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp ưu tiên: điện tử, cơ khí trọng điểm, sản xuất linh kiện ô tô, dệt may, da giày, chế biến gỗ, hóa chất và dược phẩm, công nghiệp công nghệ cao. Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở lợi thế cạnh tranh của tỉnh, nhằm thu hút đầu tư, tham gia ngày càng sâu rộng vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu trong các lĩnh vực này.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ hài hòa, bền vững giữa các ngành công nghiệp, lấy phát triển chiều sâu làm trọng tâm, với các ưu tiên đột phá để tạo ra các mũi nhọn cho phát triển công nghiệp, đảm bảo phát triển bền vững và thân thiện môi trường. Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở xã hội hóa nguồn lực, đặc biệt từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh.
Đồng thời, tỉnh Bình Định sẽ điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; ưu tiên thu hút các dự án lớn, đặc biệt từ nguồn vốn FDI, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có suất đầu tư trên một đơn vị diện tích lớn. Tập trung thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, công nghệ hiện đại vào các ngành công nghiệp ưu tiên của tỉnh như: công nghiệp chế biến, chế tạo (chế biến gỗ, dệt may, thực phẩm, đồ uống, dược phẩm, sản phẩm công nghệ sinh học), công nghiệp hỗ trợ (sản xuất linh kiện điện tử), công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp năng lượng, vật liệu mới.
Để tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Định, Sở Công Thương Bình Định đề xuất Bộ Công Thương quan tâm, hỗ trợ tỉnh Bình Định tham gia Đề án thí điểm đầu tư các cụm công nghiệp tập trung theo mô hình cụm liên kết ngành sản xuất các nguyên phụ liệu quan trọng ngành may mặc (theo Quyết định số 2793/QĐ-BCT ngày 30/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương). Hiện nay, Bình Định có tổng công suất 150 triệu sản phẩm may mặc/năm; lao động 35.000 người.
Ngoài ra, đưa tỉnh Bình Định vào Chương trình phát triển cơ khí trọng điểm Quốc gia, định hướng thu hút đầu tư các nhà máy sản xuất chế tạo máy cơ khí và phụ tùng; đồng thời, tham gia chuỗi sản phẩm phát triển ngành công nghiệp cơ khí. Hỗ trợ Bình Định trong phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh Bình Định và các tỉnh trong khu vực như chế biến gỗ, đá, thủy sản, may mặc... theo quy định tại Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ.
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 04.11.2024
Nguồn: BAOXAYDUNG.COM.VN