Bình Định sẽ thành điểm sáng trong ứng dụng IoT, AI để phát triển hạ tầng số

Thứ bảy - 14/12/2024 09:48 5 0
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông (Bộ TT&TT) Lê Nam Trung nhận định, Bình Định sẽ trở thành điểm sáng, hình mẫu mới nổi với đặc trưng riêng trong ứng dụng AI, IoT để phát triển hạ tầng số.

Ngày 13/12, tại Bình Định đã diễn ra hội thảo AI IoT Platform - Hạ tầng số cho phát triển kinh tế, do Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông (Bộ TT&TT) phối hợp cùng Sở TT&TT Bình Định tổ chức. 

Tiềm năng thị trường IoT, AI

Tại hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp đã chia sẻ các kinh nghiệm, giải pháp công nghệ thực tiễn và sáng tạo, hướng đến phát triển kinh tế dựa trên nền tảng số, thúc đẩy phát triển kinh tế số của Bình Định.

Ông Lê Nam Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông (Bộ TT&TT). Ảnh Diệu Thuỳ
 

Ông Lê Nam Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông, cho biết trong thời đại kinh tế số, trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) đã trở thành hai công nghệ chủ lực trong việc định hình tương lai của nền kinh tế và xã hội.

Đây là những công nghệ lõi, công nghệ nền tảng, làm tác nhân chính của cuộc cách mạng chuyển đổi số.

AI và IoT nổi bật ở khả năng tạo ra giá trị từ dữ liệu, khi kết hợp, không chỉ tăng cường khả năng tự động hóa mà còn thúc đẩy các sáng tạo mới, tăng hiệu suất, giảm chi phí và nâng cao chất lượng cuộc sống, cũng như các hoạt động kinh doanh và tiêu dùng.

“Xu hướng ứng dụng AI và IoT vào phát triển kinh tế xã hội là tất yếu, từ phục vụ cho từng cá nhân, gia đình, doanh nghiệp tổ chức đến các khu vực xã phường, huyện, thành phố và cả quốc gia hiện nay”, ông Trung nhấn mạnh.

Toàn cảnh hội thảo AI IoT Platform- Hạ tầng số cho phát triển kinh tế, diễn ra ngày 13/12. Ảnh Diệu Thuỳ
 

Đánh giá tiềm năng thị trường IoT, ông Đặng Quý Long, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Phần mềm VNPT Technology, cho rằng thị trường IoT Việt Nam đang tăng trưởng mạnh với tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 16,04%; doanh thu dự kiến tăng từ 6,23 tỷ USD (năm 2023) lên 13,11 tỷ USD vào 2028, số lượng kết nối IoT dự kiến tăng lên 147 triệu. Các lĩnh vực dẫn đầu bao gồm IoT trong y tế, ô tô, logistics…

“IoT là hệ sinh thái đầy tiềm năng, dự báo tiếp tục tăng trưởng ổn định”, ông Long nói.

Trong khi đó, ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc Công ty FPT Smart Cloud, cho biết AI sẽ đóng góp 19,9 nghìn tỷ USD vào nền kinh tế thế giới cho tới năm 2030, đồng thời góp phần tăng 3,5% GDP toàn cầu vào năm 2030.

Giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt 74 tỷ USD. AI được coi là năng lực cạnh tranh mới trong kỷ nguyên mới.

6 khuyến nghị cho Bình Định

Là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai ứng dụng các công nghệ mới tại Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, Bình Định đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số toàn diện, tập trung vào phát triển hạ tầng số, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào quản lý nhà nước, sản xuất, kinh doanh, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Tỉnh đã và đang triển khai nhiều dự án quan trọng như sử dụng năng lượng sạch, xây dựng đô thị thông minh, phát triển nông nghiệp số,… trong đó, AI và IoT đóng vai trò then chốt.

Các đại biểu nghe giới thiệu về các sản phẩm ứng dụng AI, IoT. Ảnh Văn Nghĩa
 

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Giám đốc Sở TT&TT Bình Định, cho biết trong công tác phòng chống thiên tai, Bình Định đã ứng dụng IoT, AI, lắp các camera giám sát tại các điểm thường xuyên xảy ra ngập lụt.

Thời gian tới, địa phương sẽ triển khai nhiều giải pháp đưa các thiết bị IoT, AI vào cuộc sống một cách hiệu quả.

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông cho rằng, Bình Định là một trong những địa phương tiềm năng với nhiều lợi thế, dám đổi mới quyết liệt, vươn mình mạnh mẽ trong việc ứng dụng và phát triển AI, IoT nhằm xây dựng hạ tầng số hiện đại. 

“Với sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ, sự nỗ lực của chính quyền tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp, tôi tin rằng Bình Định sẽ trở thành điểm sáng, hình mẫu mới nổi với đặc trưng riêng trong ứng dụng AI, IoT để phát triển hạ tầng số”, ông Trung cho hay.

Để đạt được mục tiêu này, ông đưa ra 6 khuyến nghị với Bình Định. Cụ thể, Bình Định cần đầu tư hạ tầng kết nối thông minh, trong đó, xây dựng hệ thống cảm biến IoT cho đô thị thông minh, đặc biệt trong quản lý giao thông, năng lượng và môi trường; triển khai hạ tầng mạng 5G tại các khu công nghiệp, đô thị và khu vực kinh tế trọng điểm; xây dựng Trung tâm nghiên cứu AI IoT tại Bình Định.

Bên cạnh đó, Bình Định cần xây dựng và triển khai nhanh từng bước chính quyền số; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho các startup công nghệ trong lĩnh vực AI, IoT bằng cách cung cấp các vườn ươm, khu thử nghiệm công nghệ và hỗ trợ vốn.

Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi số trong các ngành kinh tế mũi nhọn, đào tạo nguồn nhân lực số và xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi.



THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây 
Ngày đăng: 13.12.2024
Nguồn: VIETNAMNET.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
DVCTT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây