Bộ GTVT nói về đề xuất thí điểm taxi bay tại Bình Định

Thứ tư - 11/12/2024 09:37 4 0
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Định về chủ trương xây dựng Đề án thí điểm taxi bay hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Việt Nam chưa có quy định cụ thể về taxi bay

Theo Bộ GTVT, hiện Việt Nam chưa có các quy định trong việc quản lý, khai thác với hoạt động kinh doanh, thực hiện vận chuyển bằng loại hình taxi bay. Việc nghiên cứu triển khai đưa vào khai thác taxi bay, cũng như các loại hình phương tiện giao thông khác, cần có lộ trình bảo đảm an toàn, bền vững với những bước đi thận trọng, khoa học và chặt chẽ.

Bộ GTVT nói về đề xuất thí điểm taxi bay tại Bình Định- Ảnh 1.

Taxi bay Ehang của Trung Quốc.

Cụ thể, cần đánh giá, làm rõ những vấn đề liên quan trực tiếp đến quá trình triển khai đưa vào khai thác như: thẩm quyền cơ quan quản lý nhà nước; chủ thể vận chuyển, điều kiện kinh doanh; thẩm quyền cấp phép bay; nhà sản xuất, chủng loại taxi bay; các quy định an toàn, tiêu chuẩn thiết kế, sản xuất, chế tạo, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm; quy trình cấp, công nhận các loại chứng chỉ liên quan đến taxi bay; điều kiện hạ tầng khai thác; công nghệ vận hành, trạm sạc...

Những vấn đề này, trong quá trình nghiên cứu, đánh giá triển khai cần có ý kiến của các cơ quan, các bộ, ngành liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an...

Bộ GTVT ủng hộ các địa phương nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng nghiên cứu để có thể triển khai những loại hình phương tiện giao thông phù hợp, an toàn và bảo đảm trật tự an ninh xã hội, trong đó có taxi bay, để tạo thuận lợi cho việc di chuyển của người dân và kết nối các điểm đến, từng bước hình thành phương thức giao thông tiên tiến, hiện đại, đồng thời góp phần xây dựng hình ảnh, tạo điểm nhấn, phát triển hoạt động du lịch tại địa phương.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng hiện tỉnh Bình Định chưa có chưa có đề xuất, kiến nghị các nội dung liên quan đến hành lang pháp lý, cơ chế quản lý, kế hoạch thực hiện để có thể triển khai. Do vậy, Bộ GTVT chưa đủ cở sở để xem xét, tham gia ý kiến.

Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội đã thảo luận và thông qua Luật Phòng không nhân dân, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Quốc hội đã thảo luận về khái niệm "tàu bay không người lái" tại Luật Phòng không nhân dân theo hướng quy định đảm bảo phù hợp, đầy đủ, bao quát đối với những thiết bị bay khác không người lái có trong tương lai như taxi bay, motor bay.

Nhận thấy đây sẽ là tiền đề bước đầu hình thành cơ sở pháp lý trong việc quản lý và khai thác loại hình taxi bay, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bình Định tiếp tục nghiên cứu và bám sát quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật triển khai Luật Phòng không nhân dân để bổ sung, cụ thể hoá các vấn đề liên quan đến việc xây dựng đề án và báo cáo xin chủ trương theo đúng thẩm quyền của các bộ, ngành có liên quan.

Thế giới đang nghiên cứu về taxi bay

Trên thế giới, taxi bay là hình thức sử dụng các loại tàu bay nhỏ, có hoặc không có người lái, chạy bằng điện, cất hạ cánh thẳng đứng (e-VTOL), phục vụ vận chuyển hành khách hoặc hàng hóa trên không.

Việc vận chuyển hành khách bằng e-VTOL giúp giảm tải cho giao thông đô thị, giảm ô nhiễm, ít tiếng ồn, di chuyển nhanh chóng tiện lợi; thuận tiện cho mục đích du lịch hoặc cứu thương với cự ly bay ngắn.

Theo Bộ GTVT, taxi bay được xem là mô hình giao thông mới trong tương lai, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, việc phát triển các hoạt động này đều có ảnh hưởng đến hoạt động hàng không dân dụng hiện tại và có thể làm phát sinh các vấn đề về an toàn.

Bên cạnh đó, công nghệ tàu bay mới dự kiến sẽ có tác động lớn đến cơ sở hạ tầng sân bay và các quy trình hoạt động, bao gồm cả cứu hộ, chữa cháy sân bay và xử lý dưới mặt đất.

Do vậy, bên cạnh cơ sở về pháp lý, các quốc gia trên thế giới cũng đang nghiên cứu và đánh giá cụ thể về tính tương thích của cơ sở hạ tầng, hệ thống và quy trình khai thác hiện có với các công nghệ tàu bay mới và xác định những thay đổi cần thiết về mặt pháp lý, quản lý để hình thức vận tải này có thể triển khai được trên thực tiễn.

Qua tìm hiểu thông tin, trên thế giới hiện nay, một số quốc gia đã có những nghiên cứu và thử nghiệm việc vận hành trong phạm vi nhỏ, nhưng đến nay chưa có triển khai chính thức trong hoạt động của taxi bay. Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và hầu hết các quốc gia chưa có các quy định, tài liệu hướng dẫn về tiêu chuẩn khai thác, đảm bảo an ninh, an toàn, bãi đáp... để làm cơ sở cho e-VTOL hoạt động.

Tại Hội nghị không lưu lần thứ 14 tại Montreal- Canada (tháng 9/2024), ICAO đã thảo luận về các thách thức đối với e-VTOL hiện nay và đánh giá trong giai đoạn đầu phát triển, e-VTOL có nhiều loại công nghệ, nhiều loại hình khai thác nên khó đưa ra quy định thống nhất chung. ICAO khuyến khích các quốc gia trao đổi thông tin về các quy định đối với e-VTOL nhằm đảm bảo khai thác an toàn trên phạm vi toàn cầu.

Tại Mỹ, vào tháng 10/2024, Cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA) đã ban hành các quy định đầu tiên về các loại máy bay tự động, hoạt động bằng động cơ điện, có thể cất cánh thẳng đứng, gọi chung là loại có động cơ nâng (PLC), bao gồm e-VTOL. FAA dự kiến kế hoạch áp dụng khai thác PLC, bao gồm e-VTOL vào năm 2028.

Tại Trung Quốc, Công ty EHang đã được nhà chức trách cấp giấy chứng nhận sản xuất. Theo đó, taxi bay tự động Ehang (EH216-S) là e-VTOL đầu tiên sẵn sàng sản xuất hàng loạt. Trung Quốc xây dựng lộ trình để đưa e-VTOL vào khai thác từ năm 2025 và khai thác quy mô lớn vào năm 2035.

Tại Thái Lan, Công ty EHang (Trung Quốc) cũng đã làm việc và được sự cho phép của cơ quan chức năng có thẩm quyền tại Thái Lan để triển khai, dự kiến sẽ bay thử nghiệm e-VTOL (loại EH216-S) để bay thương mại tại các đảo du lịch như Phuket và Koh Samui vào năm 2025. Thái Lan kỳ vọng việc khai thác chuyến bay thử nghiệm đầu tiên sẽ là bước đệm cho việc đưa e-VTOL vào ngành hàng không Thái Lan, phục vụ hiệu quả cho hoạt động du lịch.
 

   
Trước đó, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản về việc xin chủ trương xây dựng Đề án thí điểm taxi bay hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Theo UBND tỉnh bình Định, taxi bay là loại hình vận chuyển sử dụng máy bay nhỏ chạy bằng điện, cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng, dùng vận chuyển khoảng 4 - 5 người. Đây được xem là phương tiện vận chuyển lý tưởng để khách tham quan, du lịch có thể quan sát, ngắm nhìn vẻ đẹp thiên nhiên từ trên cao. Đồng thời, đây là phương thức vận tải bằng phương tiện xanh, mới lạ, độc đáo, hiện đại, có tính đột phá, giúp di chuyển dễ dàng.

 
 
 



THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây 
Ngày đăng: 10.12.2024
Nguồn: BAOGIAOTHONG.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
DVCTT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây