Các sinh viên Trường đại học Quy Nhơn thích thú lắng nghe thuyết trình về chữ quốc ngữ - Ảnh: LÂM THIÊN
Đối với nhiều người, đây là lần đầu tiên họ được tiếp cận các tư liệu quý giá như vậy về quá trình hình thành chữ quốc ngữ tại Bình Định, vai trò to lớn của địa phương này cũng như những nhân vật lịch sử có công trong quá trình hình thành chữ quốc ngữ Việt Nam.
Một trong những cái nôi hình thành chữ quốc ngữ
Triển lãm do Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định tổ chức từ ngày 5-4 đến 30-6, gồm 4 chủ đề chính:
- Vai trò chữ quốc ngữ tại Việt Nam.
- Bình Định trong dòng phôi thai hình thành chữ quốc ngữ.
- Quá trình truyền bá chữ quốc ngữ tại Bình Định.
- Phát huy giá trị di sản văn hóa hình thành chữ quốc ngữ tại Bình Định.
Theo ông Lâm Trường Định - giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định, qua các tài liệu lịch sử, cảng thị Nước Mặn (huyện Tuy Phước) là nơi ghi dấu ấn quan trọng cho sự phôi thai hình thành chữ quốc ngữ những năm đầu thế kỷ XVII (1618 - 1625).
Nhà in Làng Sông (huyện Tuy Phước) là một trong ba cơ sở in chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam (cùng với nhà in Tân Định - Sài Gòn và nhà in Ninh Phú - Hà Nội).
Vì vậy, mảnh đất và con người Bình Định đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình phôi thai, hình thành, phát triển và truyền bá chữ quốc ngữ.
Chữ quốc ngữ thời kỳ mới hình thành - Ảnh: LÂM THIÊN
Đặc biệt, triển lãm đã nêu vai trò đặc biệt quan trọng của quan trấn tỉnh Quy Nhơn Trần Đức Hòa, người có vai trò đặc biệt trong việc sáng tạo chữ quốc ngữ đầu thế kỷ XVII.
Chính ông Trần Đức Hòa đã đón, cưu mang, bảo hộ các nhà truyền giáo Francesco Buzomi, Christoforo Borri… từ Hội An về cơ sở Nước Mặn với nhiều đặc ân, tạo điều kiện cho họ truyền giáo, phôi thai hình thành chữ quốc ngữ.
Có mặt tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định, bà Trần Thị Trúc (60 tuổi, ở Quy Nhơn) xúc động cho biết bà là con cháu của ông Trần Đức Hòa. Từ nhỏ bà lớn lên đã được nghe kể nhiều về ông, nhưng đây là lần đầu tiên bà đọc được nhiều thông tin về ông tổ của mình như vậy.
Đến đây tôi rất xúc động và tự hào về ông tổ của mình. Từ nhỏ tới lớn, mỗi khi dòng họ tổ chức giỗ ông tại Hoài Nhơn, tôi đều tham dự. Hôm nay đến với triển lãm này, tôi thấy rất biết ơn về những gì ông cha ta đã làm, cống hiến để con cháu ngày nay được thừa hưởng.
Bà Trần Thị Trúc |
|
Những tư liệu rất quý giá
Ngày 8-4, rất đông sinh viên Trường đại học Quy Nhơn đã hào hứng, chăm chú lắng nghe các trình dẫn viên giới thiệu chi tiết về quá trình hình thành, phát triển của chữ quốc ngữ.
Theo các sinh viên, đây là một triển lãm bổ ích và có nhiều thông tin quý giá, giúp họ hiểu sâu hơn về chữ quốc ngữ.
Bản in tờ báo đầu tiên sử dụng chữ quốc ngữ - Ảnh: LÂM THIÊN
Bạn Lý Thị Hoài Thương (sinh viên năm nhất, khoa giáo dục tiểu học - mầm non Trường đại học Quy Nhơn) cho biết khi học môn lịch sử đã biết về sự hình thành của chữ quốc ngữ.
"Tuy nhiên, khi đến đây, tôi vô cùng thích thú vì được tiếp cận với rất nhiều tư liệu, hình ảnh cụ thể kể về sự hình thành, phát triển của chữ quốc ngữ. Những tư liệu, kiến thức này sẽ giúp ích cho tôi trong nghề giáo sau này rất nhiều", Thương cho biết thêm.
Sinh viên hào hứng với các tư liệu quý giá về đời sống người dân tại Quy Nhơn trong giai đoạn hình thành chữ quốc ngữ - Ảnh: LÂM THIÊN