Đoạn cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn dài 88km, đi qua địa phận các tỉnh Quảng Ngãi (60,3km) và Bình Định (27,7km). Đây là dự án có tổng mức đầu tư và quy mô lớn nhất trong 12 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam.
Tổng mức đầu tư cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn là 20.400 tỉ đồng, trong đó giá trị xây lắp 14.498 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, Tập đoàn Đèo Cả thi công.
Toàn dự án triển khai 50 mũi thi công với hơn 4.000 nhân sự, 1.750 máy móc thiết bị trên công trường. Cả 3 gói thầu (XL1, XL2, XL3) trên tuyến đều tổ chức thi công 3 ca, riêng các hạng mục hầm nhà thầu thực hiện thi công liên tục 24/24.
Đến nay, hầm 1, hầm 2 đã đào thông cả 2 nhánh và cơ bản hoàn thiện phần xây dựng bao gồm: bê tông vỏ hầm, móng đường và đường bảo dưỡng hai bên đủ điều kiện để triển khai các hạng mục hoàn thiện như mặt đường và thiết bị cơ điện M&E.
Về phần cầu, dự án đã triển khai thi công 77/77 cầu, trong đó 25 cầu đã lắp dầm. Cầu Sông Vệ đã hoàn thành lao lắp dầm bản mặt cầu.
Khối lượng đắp nền đường tuyến chính đạt 8,4/10 triệu m3, sản lượng thực hiện toàn dự án đạt khoảng 5.600 tỉ đồng, tương đương 41,6% tổng khối lượng hợp đồng.
Hiện nay, nhà thầu đang thảm thử mặt nhựa trên tuyến. Dự kiến hết tháng 9, khoảng 5km trên cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn được thảm nhựa.
Dự kiến sản lượng luỹ kế hết năm 2024 đạt khoảng khoảng 61% tổng khối lượng hợp đồng.
Hưởng ứng chiến dịch 500 ngày đêm hoàn thành 3.000km cao tốc Bắc - Nam vào năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động, nhà thầu đã tăng cường nhân sự, máy móc thiết bị, tổ chức thi công khoa học, liên tục để đẩy nhanh sản lượng.
Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn sẽ tiếp tục tổ chức các mũi thi công xuyên lễ 2-9 sắp tới để tranh thủ thời gian còn lại của mùa khô nhằm đẩy nhanh công tác thi công phần nền đường đảm bảo hoàn thành trước mùa mưa.
Đây sẽ là cơ sở để dự án quyết tâm phấn đấu rút ngắn tiến độ hoàn thành các hạng mục móng, mặt đường và hệ thống an toàn giao thông trong năm 2025 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT.
Về giải phóng mặt bằng, mặc dù đã được bàn giao 100%, tuy nhiên công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật như: đường điện trung thế, hạ thế, đường dây viễn thông còn chậm. Trên tuyến còn khoảng 20 điểm chưa được di dời, chủ yếu tại các vị trí thi công cầu, hầm chui dân sinh.
|
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 27.8.2024
Nguồn: PLO.VN