Ngày 28/8, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định tổ chức trưng bày tài liệu chuyên đề "Ký ức thanh xuân tập kết ra Bắc" và trao trả hồ sơ, kỷ vật cán bộ tỉnh Bình Định đi B.
Theo đó, buổi trưng bày nhằm giới thiệu, quảng bá những tài liệu, tư liệu, hình ảnh, hiện vật quý giá về sự kiện chuyển quân tập kết ra Bắc tại Cảng Quy Nhơn, và giới thiệu tư liệu, hiện vật của các cán bộ đi B gồm 3 phần.
Phần 1 là "Ký ức những ngày tập kết ra Bắc" trưng bày và giới thiệu tài liệu, tư liệu, hình ảnh về thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ; tư liệu về chủ trương, đường lối của Đảng thực hiện chuyển quân tập kết ra Bắc, phân công cán bộ ở lại tham gia hoạt động kháng chiến tại Bình Định; tài liệu, tư liệu về các chuyến tàu tập kết ra Bắc tại Cảng Quy Nhơn;...
Phần 2 là "Nam Bắc vẫn là một nhà" trưng bày và giới thiệu tài liệu, tư liệu, hình ảnh về sự đón tiếp, chăm lo của đồng bào miền Bắc đối với cán bộ miền Nam tập kết; tài liệu, tư liệu, hình ảnh về hoạt động của cán bộ Miền Nam tập kết và hoạt động của các trường học sinh miền Nam tại Miền Bắc.
Phần 3 là "Mãi mãi tuổi thanh xuân" trưng bày và giới thiệu tài liệu, tư liệu hồ sơ, kỷ vật một số cán bộ tập kết đã mất tại Miền Bắc và của cán bộ đi B và một số liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định cho hay, đây là hoạt động ý nghĩa nhằm hưởng ứng các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Hiệp định Giơ-ne-vơ về thực hiện chuyển quân tập kết ra Bắc tại Cảng Quy Nhơn (8/1954 - 8/2024); và Kỷ niệm 79 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024).
Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết. Theo Hiệp định, vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời để lực lượng hai bên tập kết: Quân đội nhân dân Việt Nam tập kết về phía Bắc, Quân đội Liên hiệp Pháp tập kết phía Nam; đồng thời quy định thời hạn tiến hành Tổng tuyển cử thống nhất đất nước Việt Nam vào tháng 7 năm 1956.
Đúng theo thời hạn quy định tại Hiệp định Giơ-ne-vơ, toàn bộ lực lượng tập kết đã ra đến miền Bắc an toàn. Trong nhiều điểm tập kết chuyển quân, việc thực hiện chuyển quân tập kết ra Bắc tại Cảng Quy Nhơn tỉnh Bình Định của Quân đội nhân dân Việt Nam cũng là cuộc chia tay với người thân, với quê hương vì nghĩa lớn thiêng liêng.
Cuộc tập kết chuyển quân 70 năm trước đã góp phần giữ gìn và phát triển lực lượng cho cách mạng sau này.
Hàng nghìn cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc được học tập, được đào tạo nâng cao trình độ, lao động và góp phần quan trọng cho sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, trở thành cán bộ chủ chốt của cách mạng miền Nam, cùng với lực lượng cán bộ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với biệt danh "đi B" trong đó có cán bộ của tỉnh Bình Định. Sự đóng góp của thế hệ cán bộ cách mạng ấy là hết sức lớn lao và rất đáng tự hào.
Lãnh đạo Trung tâm cho hay, thông qua hoạt động này, Trung tâm hi vọng mang đến cho người xem những thông tin bổ ích và hiểu biết sâu sắc hơn về giai đoạn cách mạng hào hùng, bề dày lịch sử văn hóa, đất và người Bình Định.
Cũng trong dịp này, Sở Nội vụ tỉnh Bình Định phối hợp cùng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III tổ chức lễ trao hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B cho 57 thân nhân, gia đình của cán bộ tỉnh Bình Định.
Đây là địa phương có đợt trao trả nhiều hồ sơ nhất trên cả nước tính đến thời điểm hiện tại.
Hiện tại, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đang lưu trữ, bảo quản 72.000 bộ hồ sơ cán bộ đi B, trong đó số hồ sơ của tỉnh Bình Định là 5.442 bộ, trở thành địa phương có số lượng hồ sơ đi B nhiều nhất trên cả nước.
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 28.8.2024
Nguồn: NGUOIDUATIN.VN