Trước đây, đoạn đường từ cầu Nước Lương đến thôn T6, xã Đak Mang, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định rất hẹp. Vào mùa mưa, nhiều vị trí trên đoạn đường này ngập nước, bà con đi lại khó khăn. Từ nguồn vốn của Dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, UBND huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định đầu tư 2,5 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng con đường từ cầu Nước Lương đến thôn T6 và bê tông hóa đường liên thôn trong xã Đak Mang.
Ông Đinh Văn Thanh, người dân xã Đak Mang, huyện Hoài Ân cho biết, con đường mới được nâng cấp, mở rộng giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn: “Đường bê tông được làm mới giúp người dân chở lúa từ những cánh đồng về nhà dân. Đường mới giúp bà con lưu thông an toàn so với mấy năm trước”.
Huyện Hoài Ân xác định đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông là “đòn bẩy” quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Những vùng dự án đi qua, bà con đều đồng thuận giải phóng mặt bằng.
Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định cho biết, địa phương đang lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, phát huy lợi thế của địa phương hình thành sản xuất theo chuỗi giá trị và hỗ trợ mở rộng, nâng cấp liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm.
“Triển khai thực hiện dự án phát triển sản xuất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ mô hình, cây, con giống và nông cụ trang thiết bị để bà con ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Những mô hình thâm canh cho năng suất cao đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho vùng đồng bào để tạo tư duy và nhận thức trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp trên từng đơn vị diện tích và từng loại sản phẩm. Từ đó, tăng thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm bớt tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn”, ông Nguyễn Xuân Phong cho biết.
Năm 2024, kế hoạch vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định hơn 412 tỷ đồng. Đến ngày 31/5, các địa phương của tỉnh Bình Định đã giải ngân hơn 50,7 tỷ đồng, đạt 12,3%. Quá trình triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình này vẫn còn một số khó khăn. UBND tỉnh Bình Định tiếp tục duy trì các Tổ công tác liên ngành của tỉnh tiến hành kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện và đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia.
Ông Đinh Văn Lung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định cho biết, đơn vị yêu cầu các địa phương chú trọng công tác tuyên truyền, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án, tiểu dự án từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
“Rất nhiều chính sách, cho nên những người thực hiện tuyên truyền phải nắm. Thứ 2 phải nhiều tổ chức, nhiều ngành liên quan đến các nhiệm vụ này để họ tuyên truyền người dân mới hiểu được. Chương trình nhiều cấp ủy cũng đã có sự tích cực hơn, trách nhiệm hơn trong việc tuyên truyền vận động để mà làm sao cho bà con hưởng thụ được chương trình này, đem lại đời sống được tốt hơn”, ông Đinh Văn Lung cho hay.
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 24.6.2024
Nguồn: VOV.VN