Chúng tôi đến thăm Trung tâm bảo trợ xã hội Đồng Tâm tại phường Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn vào một ngày rất đặc biệt khi Trung tâm đang tổ chức khai giảng lớp mỹ thuật mang tên “Đồng Tâm – Kết nối yêu thương” cho trẻ khuyết tật.
Lớp học này càng đặc biệt hơn vì có sự tham gia của ông Trần Ngọc Vân – Chủ nhiệm CLB Face Art Bình Định, là người tài hoa cùng niềm đam mê vẽ và nghiên cứu chế tác những chiếc mặt nạ chân dung hát Bội bằng nhựa composite, với một tình yêu đối với nghệ thuật truyền thống Bình Định.
Ông Trần Ngọc Vân (bên phải) – Chủ nhiệm CLB Face Art Bình Định cùng bộ sưu tập sản phẩm mặt nạ chân dung hát Bội |
Ông là người truyền lửa vẽ mặt nạ chân dung hát Bội cho các em khuyết tật tại Trung tâm, mong muốn các em sẽ biết đến nghệ thuật truyền thống Bình Định, cũng như tạo ra những sản phẩm du lịch mới mang tính nghệ thuật phục vụ du khách khi đến Bình Định tham quan.
Ông Trần Ngọc Vân – Chủ nhiệm CLB Face Art Bình Định chia sẻ: Tôi cùng Ban lãnh đạo Trung tâm bảo trợ xã hội Đồng Tâm mở lớp mỹ thuật “Đồng Tâm – Kết nối yêu thương” để giúp các em vừa học văn hóa, vừa làm quen với thao tác vẽ mặt nạ hát Bội, làm ra những sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch. Quan trọng hơn là thổi hồn yêu thích hội họa vào tâm hồn các em, bồi dưỡng ý thức bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của quê hương Bình Định đến các em.
Cầm chiếc cọ chăm chú vẽ màu trên mặt nạ chân dung hát Bội, em Phạm Hoàng Hải (11 tuổi) đang nuôi dưỡng tại Trung tâm bảo trợ xã hội Đồng Tâm phấn khởi chia sẻ bằng ký hiệu ra dấu giao tiếp: Con rất vui được tham gia lớp học này, vừa thỏa thích thể hiện khả năng hội họa, vừa khám phá nét đặc trưng của những chiếc mặt nạ chân dung hát Bội mà lâu nay con chỉ thấy trên truyền hình, biểu diễn sân khấu.
Cùng chung niềm vui, em Đặng Trường An (13 tuổi) trò chuyện bằng ký hiệu ra dấu giao tiếp: Lớp học sẽ giúp con được vẽ trên nhiều chất liệu khác nhau như vẽ trên nón lá, đặc biệt là mặt nạ chân dung hát Bội, tạo ra những sản phẩm du lịch, giúp chúng con có thể kiếm thêm thu nhập từ những sản phẩm thú vị, độc đáo này.
Các em Trung tâm bảo trợ xã hội Đồng Tâm chăm chú vẽ mặt nạ chân dung hát Bội |
Chia sẻ về lớp học này, bà Nguyễn Thị Thơm – Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội Đồng Tâm cho biết: Tham gia lớp học có 25 trẻ, các em được hướng dẫn những kiến thức mỹ thuật cơ bản, thực hành vẽ trên vật liệu nón lá và chiếc mặt nạ làm bằng chất liệu composite. Các em được tiếp cận với những sản phẩm làng nghề truyền thống của Bình Định như nón lá Gò Găng, gốm Vân Sơn; tiếp cận với nghệ thuật truyền thống qua mặt nạ hát Bội; rèn luyện các kỹ năng, hướng nghiệp, đồng thời tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch và góp phần quảng bá văn hóa, nghệ thuật truyền thống Bình Định.
Miệt mài tận tụy với niềm đam mê
Hơn 20 năm gắn bó với công việc văn hóa - du lịch, sau nhiều năm ấp ủ và miệt mài tận tụy với niềm đam mê, ông Trần Ngọc Vân hoàn thành bộ sưu tập sản phẩm mặt nạ chân dung hát Bội để lưu niệm cho du khách khi đến tham quan, tìm hiểu về văn hóa và du lịch Bình Định.
Đi vào con hẻm nhỏ tại số 222 đường Nguyễn Thái Học, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, chúng tôi vào thăm ngôi nhà của ông Trần Ngọc Vân (62 tuổi) để chiêm ngưỡng những tác phẩm mỹ thuật độc đáo là sản phẩm mặt nạ chân dung hát Bội mà ông đang dày công nghiên cứu, sưu tầm, phát họa và chắp bút vẽ cùng niềm đam mê thích thú loại hình nghệ thuật hát bội truyền thống Bình Định.
Các em Trung tâm bảo trợ xã hội Đồng Tâm vẽ tranh trên chất liệu nón lá Gò Găng |
Trong ngôi nhà nhỏ chật hẹp, ông dành riêng một góc nhà để treo, trưng bày những sản phẩm mỹ thuật độc đáo riêng mình. Điều đặc biệt là những sản phẩm mặt nạ chân dung hát Bội mà ông đang khắc họa làm trên chất liệu nhựa composite vừa có độ bền cao theo thời gian, vừa chống mốc, mối, mọt, nước và pha với butanol, bột đá.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Làng nghề Việt Nam, ông Trần Ngọc Vân tâm sự: Từ nhỏ tôi theo ba đi xem hát Bội và rất say mê nghệ thuật này. Cuộc đời tôi trải qua nhiều nghề từ quay phim, chụp ảnh, hướng dẫn viên du lịch, công việc nào cũng có duyên gắn bó với loại hình hát Bội. Nhiều lần, tôi đưa khách du lịch đến tham quan trưng bày mặt nạ tại Bảo tàng tổng hợp Bình Định, xem chương trình hát Bội của đoàn không chuyên ở phường Trần Quang Diệu, thành phố Quy Nhơn biểu diễn. Khách du lịch rất thích thú và khen ngợi. Từ đó, tôi tìm hiểu, nghiên cứu việc làm sản phẩm lưu niệm mặt nạ chân dung hát Bội.
Bộ sưu tập sản phẩm mặt nạ chân dung hát Bội của ông Trần Ngọc Vân có rất nhiều nhân vật trong các điển tích, điển cố, nhân vật lịch sử được các nghệ nhân hát Bội biểu diễn trên sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên phải kể đến như vai Lão Tạ, Tiết Đinh San, Chung Vô Diệm, hình tượng Bao Thanh Thiên, Quan Công, Tào Tháo, Tiết Cương, Trịnh Ân.
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 19.6.2024
Nguồn: LANGNGHEVIET.COM.VN