Dấu ấn nông thôn mới Bình Định

Thứ sáu - 06/12/2024 14:24 7 0
Sau hơn 10 năm nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay tỉnh Bình Định có 94/113 xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 36/94 xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, có 7 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ NTM. Đây là những con số biết nói, khẳng định những nỗ lực, thành quả trong công cuộc xây dựng NTM của tỉnh Bình Định, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, diện mạo nông thôn và là tiền đề để tỉnh Bình Định tiếp tục nỗ lực thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM trong năm 2025.
Dấu ấn nông thôn mới Bình Định
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã giúp các huyện miền núi tỉnh Bình Định “thay da đổi thịt”.
 

Những dấu ấn tự hào

Một trong những điểm sáng trong hành trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh trong năm 2024 đó là huyện Tây Sơn được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn NTM năm 2023. Niềm vui này được Đảng bộ, chính quyền huyện cụ thể hóa bằng việc trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định này với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc.

Kể về quá trình xây dựng NTM, ông Lê Hà An, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tây Sơn, Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM huyện cho biết: Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, huyện Tây Sơn gặp không ít khó khăn, trở ngại do có xuất phát điểm tương đối thấp. Thời điểm đó, số tiêu chí đạt được bình quân của mỗi xã trong toàn huyện chỉ từ 7 đến 8 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người khoảng 15,8 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên 15%, hạ tầng nông thôn phát triển chưa đồng bộ. Không những vậy, trên địa bàn huyện còn có 01 xã đặc biệt khó khăn với hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong khi đó, các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện còn ít, thiếu bền vững, quy mô sản xuất và phương thức làm ăn của các hộ dân còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào địa phương để giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân.

Trước bối cảnh đó, huyện Tây Sơn đã phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Qua hơn 13 năm thực hiện, kinh tế - xã hội của huyện đã có sự phát triển vượt bậc, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, cùng với diện mạo đô thị Phú Phong đổi thay và phát triển theo hướng hiện đại đã tạo nên sức sống mới, diện mạo mới trên quê hương Tây Sơn.

Dấu ấn nông thôn mới Bình Định
Tây Sơn phấn đấu trở thành đô thị loại IV vào năm 2025.
 

Đến nay, toàn huyện đã có 14/14 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thị trấn Phú Phong được công nhận đô thị văn minh và vui mừng hơn khi huyện nhà được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn NTM năm 2023.

Để đạt được bức tranh tươi sáng như hiện nay, theo lãnh đạo huyện Tây Sơn, đây thành quả của sự chung sức, đồng lòng xây dựng NTM của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân địa phương cùng với sự hỗ trợ, hướng dẫn giúp đỡ của Trung ương và của tỉnh.

Cũng theo lãnh đạo huyện Tây Sơn, huyện quyết tâm tiếp tục giữ vững và nâng cao các tiêu chí NTM đã đạt được, cùng phấn đấu và nỗ lực hơn nữa để xây dựng huyện trở thành đô thị loại IV trong năm 2025 và sớm trở thành thị xã trước năm 2030.

Cùng với thành công của huyện Tây Sơn, nhiều địa phương trên toàn tỉnh đã ra sức phấn đấu, thi đua quyết tâm thực hiện chủ trương này của tỉnh. Các địa phương đã lựa chọn thế mạnh của mình để làm động lực và là chiến lược để phát triển, xây dựng NTM bền vững. Trong đó, việc lựa chọn tăng cường chuyển đổi số trong xây dựng NTM đã được nhiều địa phương triển khai thực hiện. Đi đầu trong chuyển đổi số để xây dựng NTM là xã Phước Quang, huyện Tuy Phước. Được triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM từ năm 2013, sau 10 năm thực hiện, dưới sự lãnh, chỉ đạo của cấp trên cùng sự chung sức đồng lòng của nhân dân, năm 2023 xã Phước Quang vinh dự là xã đầu tiên của tỉnh về đích NTM kiểu mẫu.

Về Phước Quang hôm nay, không khó nhận thấy sự thay da đổi thịt nơi vùng quê này, những con đường nhựa trải dài đến từng thôn xóm, 2 bên đường là những luống hoa rực rỡ sắc màu.

Gặp chúng tôi, bà Lý Thị Hồng Gấm, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Quang vui mừng cho biết: Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của xã được đầu tư đồng bộ, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng, môi trường nông thôn được cải thiện theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp, người dân được thụ hưởng các chương trình vui chơi giải trí… Tất cả những điều này đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và diện mạo nông thôn.

Không dừng lại ở xã NTM kiểu mẫu, hiện xã Phước Quang đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu về đích xã NTM thông minh vào năm 2025. Đến nay, hầu hết các địa điểm công cộng trên địa bàn xã như 11 nhà văn hóa thôn, công viên xã đều có Wifi miễn phí. Toàn xã được lắp đặt camera tại các điểm ra, vào của các thôn để giám sát an ninh trật tự. Ngoài ra, xã cũng đã thực hiện mô hình chợ 4.0 để tạo thói quen cho bà con tiểu thương làm quen với thanh toán không dùng tiền mặt.

Từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, đời sống người dân nơi đây ngày càng được nâng cao. Người dân được thụ hưởng và vận dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào cuộc sống đời thường. Nhờ đó, đến nay mức thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt trên 62 triệu đồng/người, hộ nghèo của xã chỉ còn chiếm 0,9%.

Dấu ấn nông thôn mới Bình Định
Xã Phước Quang là xã đầu tiên của tỉnh về đích NTM kiểu mẫu.
 

Nói về hành trình này, ông Huỳnh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước chia sẻ: “Việc thực hiện thành công xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh và phấn đấu trở thành xã NTM thông minh vào năm 2025 là nhờ sự dám nghĩ, dám làm, quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo xã; cũng như sự đồng lòng của cộng đồng người dân trong xã. Đây cũng là điểm sáng để góp phần vào thành công chung trong phong trào thi đua xây dựng NTM của huyện giai đoạn 2021-2025, hướng đến xây dựng huyện Tuy Phước đạt huyện NTM nâng cao năm 2025”.

Những bước tiến vượt bậc

Có thể thấy, từ chương trình xây dựng NTM, diện mạo nông thôn tỉnh Bình Định đã có những khởi sắc nhất định. Đến nay, toàn tỉnh có 94/113 xã công nhận đạt chuẩn NTM, 36/94 xã công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, có 7 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ NTM. Toàn tỉnh hiện có 08/11 huyện, thị xã, thành phố đã hoàn tất triển khai, ban hành Quyết định công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, có 477 sản phẩm đạt hạng OCOP (trong đó, 435 sản phẩm đạt hạng OCOP 3 sao chiếm tỷ lệ 91,19%, 42 sản phẩm đạt hạng 4 sao chiếm tỷ lệ 8,81%). Bên cạnh đó, huyện đang hoàn thiện 1 hồ sơ sản phẩm OCOP đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng 5 sao cấp quốc gia công nhận.

Phong trào thi đua “Tỉnh Bình Định chung sức xây dựng NTM” cũng đã trở thành phong trào trọng tâm, nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh và thực sự đi vào cuộc sống, có sức lan tỏa sâu rộng, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cùng với sự hưởng ứng tích cực của đông đảo người dân đã chung tay, góp sức xây dựng NTM.

Dấu ấn nông thôn mới Bình Định
Chương trình xây dựng NTM đã thay đổi diện mạo các làng quê.
 

Ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh cho biết: Để đạt được kết quả nêu trên, thời gian qua, tỉnh Bình Định đã tập trung triển khai đồng bộ những giải pháp trọng tâm như tăng cường nâng cao vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng NTM. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát cùng với đó nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của địa phương.

Bên cạnh đó, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng NTM như môi trường, nước sạch nông thôn; đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã khởi nghiệp, sáng tạo, thực hiện Chương trình OCOP; chuyển đổi số trong xây dựng NTM, phát triển du lịch nông thôn. Ngoài ra, các cấp Hội cũng đã vận động hội viên tham gia xây dựng NTM một cách tích cực, hiệu quả, qua đó lan tỏa phong trào “Chung sức xây dựng NTM” trong toàn tỉnh.

Mặc dù đã đạt được những bước tiến quan trọng trên hành trình xây dựng NTM, tuy nhiên theo ông Hồ Đắc Chương, để tiếp tục duy trì và phát huy sự đồng thuận, hưởng ứng mạnh mẽ của người dân trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, chính quyền địa phương cần làm tốt công tác duy trì và phát huy hiệu quả của các tiêu chí xây dựng NTM, để người dân thấy được xây dựng NTM không phải là hình thức mà là phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân nông thôn.

Đặc biệt, tỉnh Bình Định cũng phát huy quyền làm chủ của người dân thông qua việc để người dân trực tiếp tham gia các công việc cụ thể để hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Bởi lẽ mức độ hài lòng (về xây dựng NTM của nhân dân) được xem là thước đo chính xác về kết quả xây dựng NTM của các địa phương”, Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Hồ Đắc Chương khẳng định.



THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây 
Ngày đăng: 06.12.2024
Nguồn: BAOXAYDUNG.COM.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
DVCTT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây