Doanh nghiệp Ấn Độ tìm cơ hội hợp tác với Bình Định

Thứ năm - 27/06/2024 12:25 57 0
Ấn tượng với những tiềm năng của Bình Định, nhiều doanh nghiệp Ấn Độ đã thể hiện quyết tâm tìm hiểu, thúc đẩy cơ hội hợp tác với địa phương.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội nghị thúc đẩy đầu tư, phát triển thương mại, du lịch với các đối tác Ấn Độ. Hội nghị nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế và cung cấp các thông tin kinh tế, văn hóa, xã hội của Bình Định đến các đối tác và doanh nghiệp Ấn Độ nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển thương mại, du lịch…

Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định cho biết, hơn 50 năm qua, Việt Nam - Ấn Độ luôn duy trì tình hữu nghị bền vững và ngày càng phát triển tốt đẹp trên tất cả lĩnh vực. Đây là nền tảng vững chắc để quan hệ hợp tác cấp địa phương giữa hai bên. Trong đó, có quan hệ hợp tác giữa Bình Định với các doanh nghiệp, đối tác Ấn Độ thêm cơ hội rộng mở.

Bình Định đã xác định tầm nhìn, định hướng phát triển tương lai sẽ là trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam; kinh tế phát triển bền vững dựa trên các trụ cột: Công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ thông tin và AI; du lịch chất lượng cao; nông nghiệp hữu cơ và hệ thống logistics hiệu quả… Nét tương đồng giữa hai bên, những lĩnh vực này đều là thế mạnh của Ấn Độ.

Theo đại diện Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định, những năm gần đây mối quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa Bình Định và cộng đồng doanh nghiệp của Ấn Độ ngày càng mở rộng, sâu sắc. Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư các doanh nghiệp Ấn Độ trên địa bàn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai bên.

BÌnh Định đang nỗ lực thu hút đầu tư từ Ấn Độ.
Bình Định đã và đang nỗ lực thu hút đầu tư từ Ấn Độ.
 

Trên thực tế, hoạt động giao thương giữa Bình Định với Ấn Độ thời gian qua là chưa cao. Trong 5 tháng đầu năm 2024, Bình Định xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 1,1 triệu USD. Mặt hàng chủ lực của tỉnh xuất sang thị trường Ấn Độ chủ yếu là sản phẩm rau quả, may mặc, đồ gỗ… Về thu hút đầu tư từ Ấn Độ, toàn tỉnh Bình Định chỉ có 4 dự án của các nhà đầu tư Ấn Độ với tổng vốn đăng ký đầu tư là 3,6 triệu USD, chủ yếu thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có thể kể đến dự án Nhà máy chế biến hạt dẻ và hạt óc chó của Công ty TNHH Olam Việt Nam với vốn đầu tư 2,6 triệu USD…

Đồng quan điểm, ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, với 407 dự án (1,02 tỷ USD), Ấn Độ đang là nước đứng thứ 25/146 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Tại Bình Định, lũy kế thu hút đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm 2024 có 104 dự án tổng vốn đăng ký 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện số dự án Ấn Độ đầu tư vào Bình Định rất khiêm tốn, mới chỉ vỏn vẹn có 4 dự án… Bởi vậy, dư địa cho hợp tác đầu tư trong các ngành lĩnh vực tiềm năng tại Bình Định còn rất lớn, đặc biệt là các lĩnh vực thế mạnh của Ấn Độ như: năng lượng sạch, đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, y tế, nông nghiệp công nghệ cao…

Cũng theo thứ trưởng Đỗ Thành Trung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẵn sàng đồng hành cùng các bộ ngành hỗ trợ Bình Định biến ý tưởng và quyết tâm thành hiện thực, đồng thời cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tìm hiểu và triển khai hoạt động đầu tư để các doanh nghiệp Ấn Độ tiến hành đầu tư thành công, bền vững, lâu dài tại địa phương.

Trên thực tế hiện nay, Bình Định đang có nhiều thuận lợi để thu hút đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Ấn Độ. Địa phương có hệ thống giao thông cơ bản hoàn thiện, đồng bộ, kết nối thuận lợi giữa các vùng, với đầy đủ các phương thức vận tải. Bình Định cũng đang đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để sẵn sàng đón các nhà đầu tư, nhất là hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp với tổng diện tích 14.300 ha và hạ tầng cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.960 ha… Đặc biệt, hiện Bình Định đang là 1 trong 4 trung tâm chế biến gỗ lớn nhất Việt Nam, xuất khẩu đến 100 quốc gia trên thế với doanh số 1 tỷ USD/năm 2023. Địa phương có trên 350 doanh nghiệp chế biến gỗ, với lao động 30.000 người có tay nghề, khéo léo.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây tỉnh cũng rất quan tâm đến công tác cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan và cải thiện mối quan hệ giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp với chính quyền, hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư…

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, địa phương đã và đang tập trung đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh; đào tạo, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả; tập trung nguồn lực đầu tư cho các dự án hạ tầng trọng điểm, nhất là hạ tầng giao thông phía bắc tỉnh, hạ tầng các khu đô thị, khu công nghiệp kết nối với sân bay, cảng biển trên địa bàn…

Sản xuất, chế biến đồ gỗ xuất khẩu một trong những thế mạnh của Ấn Độ.
Sản xuất, chế biến đồ gỗ xuất khẩu một trong những thế mạnh của Ấn Độ.
 

Ấn tượng với những tiềm năng của Bình Định, nhiều doanh nghiệp Ấn Độ đã thể hiện quyết tâm tìm hiểu, thúc đẩy cơ hội hợp tác với địa phương ở miền Trung này. Ông Payyaula Sai Venkat, Chủ tịch Hiệp hội Robotics cho biết, chúng tôi đang mở rộng hợp tác lĩnh vực ứng dụng AI và đã tìm thấy cơ hội tại Bình Định. Trước mắt, hiệp hội thực hiện ký kết ghi nhớ hợp tác đầu tư với Trường Đại học Quy Nhơn về chương trình đào tạo có cấu trúc, nhằm nâng kỹ năng chế tạo robot cho sinh viên và doanh nghiệp tại Bình Định; ký kết ghi nhớ thiết lập mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ trong việc nghiên cứu, phát triển, khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Bình Định trong lĩnh vực Robotics với Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Tường Minh.

Trong khi đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định và Hiệp hội các ngành công nghiệp quy mô nhỏ Orissa cũng đã tìm được tiếng nói chung và cùng ký kết ghi nhớ hợp tác đầu tư phát triển lĩnh vực xuất nhập khẩu các mặt hàng từ gỗ…

Ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, lãnh sự quán Ấn Độ sẵn sàng hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ trong các lĩnh vực nông nghiệp thông minh, nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác. Tổng Lãnh sự Ấn Độ cam kết tiếp tục vai trò cầu nối cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư từ các lĩnh vực đa dạng của Ấn Độ vào Việt Nam trong đó có Bình Định.



THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây 
Ngày đăng: 26.6.2024
Nguồn: THOIBAONGANHANG.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
DVCTT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây