Dấu ấn làng nghề
Ông Huỳnh Thanh Vương, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa chia sẻ: Đến nay, có 201 hộ trong thôn gắn bó với nghề trồng hoa, diện tích trồng hơn 7 ha, chủ yếu là hoa vạn thọ, đồng tiền, lay ơn, dạ yến thảo, hoa giấy, mai vàng, phong lan và hoa kiểng lá… Nghề trồng hoa tạo việc làm cho hơn 1.500 lao động ở địa phương, là bệ phóng quan trọng giúp xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017 và đạt chuẩn đô thị loại V vào năm 2021.
So với nhiều nơi khác, vườn hoa ở Bình Lâm có lợi thế nằm ven một nhánh sông Côn (đoạn từ cầu Đội Thông đến cầu Đun, thuộc đội 2 - đội 6, thôn Bình Lâm), nhờ nguồn phù sa giàu dinh dưỡng, nên cây hoa ở đây phát triển tươi tốt, màu sắc cũng rất đẹp, được thương lái ưa chuộng.
Ông Văn Tấn Thành, Giám đốc HTX Dịch vụ Hoa cây kiểng Bình Lâm - người gắn bó với nghề trồng hoa ngót 30 năm, thổ lộ: “Trước năm 2022, tôi chủ yếu trồng hoa bán vào dịp tết Nguyên đán, mỗi vụ thu hơn 150 triệu đồng. Từ năm 2023 đến nay, bên cạnh vụ hoa Tết, tôi trồng thêm cúc trong nhà màng theo hình thức gối đầu. Mỗi đợt trồng khoảng 1.000 cây, cách nhau 2 - 3 tuần, nhờ đó, tôi có hoa bán quanh năm. Nghề trồng hoa giúp tôi có nguồn thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống”.
Một góc làng nghề trồng hoa Bình Lâm. Ảnh: DŨNG NHÂN |
Theo thống kê của UBND xã Phước Hòa, doanh thu ở làng nghề trồng hoa Bình Lâm tăng theo từng năm. Nếu như năm 2022 đạt hơn 7,3 tỷ đồng, thì đến 2023 tăng hơn 8,3 tỷ đồng. Ngoài sự chịu khó, người trồng hoa ở Bình Lâm còn mạnh dạn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm theo phương pháp tưới nhỏ giọt, tưới phun sương điều khiển tự động. Mấy năm gần đây, trước mỗi mùa hoa, người dân được tập huấn các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại hoa. Qua đó, từng bước đa dạng hóa các loại hoa và duy trì trồng hoa quanh năm, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, mang lại thu nhập cao.
Để làng nghề phát triển đa dạng, bền vững
Năm 2021, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án phát triển làng nghề trồng hoa Bình Lâm, nhằm gắn với dịch vụ du lịch tham quan tháp Bình Lâm; ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất trên cơ sở tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân ở làng nghề. Mục tiêu đề án phấn đấu đến năm 2025 tập trung trồng hoa kiểng với quy mô khoảng 3 ha (vị trí xung quanh khu vực tháp Bình Lâm); lựa chọn một số hộ dân làng nghề để đào tạo, tập huấn kỹ thuật trồng cây hoa kiểng và thành lập HTX hoa kiểng Bình Lâm. Đồng thời, đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường kết nối từ tuyến ĐT 640 đến tháp Bình Lâm.
Làng nghề trồng hoa Bình Lâm trên đà phát triển. Ảnh: DŨNG NHÂN |
Từ đề án này, chính quyền địa phương phối hợp với các sở, ngành đã xây dựng 10 mô hình trồng hoa trong nhà màng. Đồng thời, hằng năm, HTX Dịch vụ Hoa cây kiểng Bình Lâm còn tham gia các hội chợ triển lãm về hoa kiểng; tạo điều kiện cho các DN mở các tour du lịch đến Bình Lâm trải nghiệm các dịch vụ du lịch sinh thái, văn hóa...
Ông Huỳnh Thanh Vương cho biết thêm: Để làng nghề trồng hoa Bình Lâm thêm cơ hội phát triển, 6 tháng cuối năm 2024, địa phương tiếp tục phối hợp với HTX Dịch vụ Hoa cây kiểng Bình Lâm triển khai 2 mô hình trồng hoa cây kiểng lá gắn với du lịch. Địa phương sẽ tạo điều kiện để nông dân ở làng nghề vào Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) để tham quan, tìm hiểu và học hỏi kiến thức về trồng, chăm sóc các loài hoa; đồng thời, lựa chọn một số loại hoa phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Bình Lâm để đưa về trồng thử nghiệm.
“Thay vì trồng hoa theo vụ, chủ yếu là phục vụ thị trường tết Nguyên đán như mọi năm, năm nay, HTX và các hộ dân sẽ thí điểm trồng cây kiểng lá. Qua mô hình này, chúng tôi sẽ tiến hành đánh giá, và triển khai nhân rộng xuống các hộ dân. Có như vậy, làng nghề trồng hoa Bình Lâm mới khoe sắc cả năm, hình thành điểm đến du lịch trong tương lai”, ông Văn Tấn Thành thổ lộ.
Ông Huỳnh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước cho biết thêm, từ nay đến năm 2025, UBND huyện tập trung xây dựng thí điểm mô hình du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp tại làng hoa Bình Lâm, kinh phí phê duyệt hơn 12,4 tỷ đồng. Trong đó, huyện tập trung thiết kế, cải tạo cảnh quan kiến trúc và môi trường trong toàn bộ không gian điểm du lịch, vừa bảo tồn bản sắc truyền thống vừa đảm bảo điều kiện vệ sinh, thuận tiện, sinh thái; đầu tư xây dựng, cải tạo đường giao thông nội bộ trong các điểm phát triển du lịch nông nghiệp và các hạng mục liên quan.
“Huyện định hướng phát triển làng nghề trồng hoa Bình Lâm theo hướng làng nghề bền vững gắn với phát triển du lịch, mở rộng diện tích trồng hoa, hình thành vùng sản xuất hoa kiểng tập trung quy mô lớn, đa dạng hóa các sản phẩm hoa kiểng. Thời gian đến, huyện phối hợp các ngành tiến hành kêu gọi, khuyến khích các DN vào đầu tư sản xuất hoa kiểng tại làng nghề, ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, tổ chức sản xuất theo chuỗi để nâng cao chất lượng, giá trị hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ…”, ông Nam nhấn mạnh.
THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây
Ngày đăng: 26.6.2024
Nguồn: BAOBINHDINH.VN