Gần dân, nghe dân là "chìa khoá" then chốt trong giải phóng mặt bằng tại Bình Định

Thứ ba - 01/10/2024 09:28 11 0
Để thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định đã đến tận nơi, thường xuyên xông pha ở điểm nóng và đứng hàng giờ đồng hồ giữa trời nắng nóng, chỉ để chờ lắng nghe hết tâm tư nguyện vọng của bà con bị ảnh hưởng bởi cao tốc.

Xưng hô "cháu, chú", dân rút đơn khiếu nại sau chuyến dân vận của Bí thư Tỉnh ủy

Trong số các địa phương có dự án cao tốc Bắc – Nam đi qua, Bình Định là một trong những địa phương được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá thực hiện công tác giải phóng mặt bằng quyết liệt và hiệu quả nhất.

Điều này cho thấy, sự vào cuộc hiệu quả của cả hệ thống chính trị tỉnh Bình Định, trong đó điểm nhấn là vai trò quan trọng của các địa phương.

Ở Bình Định, người dân quá quen với hình ảnh Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng đội mũ cối sao vàng, về tận nhà dân vận động bàn giao mặt bằng cho cao tốc Bắc – Nam.

Phóng viên Báo Công lý từng đi cùng và trực tiếp chứng kiến nhiều cuộc đối thoại giữa Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng và người dân, bị ảnh hưởng bởi cao tốc Bắc - Nam.

Còn nhớ hồi tháng 2, khi việc giải phóng mặt bằng cao tốc bị ách tắc ở địa phận huyện trung du Hoài Ân, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng đã đến tận nhà Nguyễn Minh Cần (thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân) để đối thoại.

Hộ ông Nguyễn Minh Cần có diện tích đất thu hồi là 659m2 (gồm 140m2 đất ở và đất khai hoang 519m2).

Lý do gia đình ông Cần chưa nhận tiền bồi thường vì cho rằng đơn giá bồi thường thấp, đề nghị tăng giá bồi thường về đất vườn ao trong cùng thửa đất có nhà ở đối với diện tích 519m2 đất do gia đình khai hoang.

bbdea53f-0098-47d7-adcd-7279a337f994.jpeg
Ông Nguyễn Minh Cần (thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân) đã rút đơn và nhận bồi thường sau khi Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng đến nhà đối thoại.

Ngoài ra, gia đình ông Cần còn đề nghị bồi thường 280,3m2 đất trồng cây hằng năm khác, do UBND thị trấn Tăng Bạt Hổ quản lý.

Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định xưng là cháu, gọi ông Cần bằng chú và lần lượt hỏi: "Nhà chú đền bù như vậy, được chưa?". "Được, tôi thống nhất quan điểm", ông Cần đáp. "Đất tái định cư, chú thấy được chưa?", ông Dũng hỏi và ông Cần trả lời: "Mua 2 lô, tôi thống nhất, không có ý kiến".

Trò chuyện với Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, ông Cần cho biết gia đình ông đồng ý đơn giá bồi thường về nhà ở, đất tái định cư nhưng đề nghị bồi thường thêm tiền đối với phần đất khai hoang. Người nhà của ông Cần lo ngại tiền đền bù không đủ để mua đất và xây dựng lại nhà mới.

Ông Nguyễn Hữu Khúc - Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân khẳng định, đối với trường hợp gia đình ông Nguyễn Minh Cần, chính quyền đã bồi thường về nhà ở, đất đai, hỗ trợ chuyển đổi về nghề nghiệp theo đúng quy định của Nhà nước. Trong đó, bố trí tái định cư cho gia đình ông Cần 2 lô đất, mỗi lô có diện tích 130m2.

Đại diện Thanh tra tỉnh Bình Định cũng khẳng định đơn giá bồi thường cho gia đình ông Cần được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước.

Còn phần đất 280,3m2 trồng cây hằng năm của gia đình ông Cần là đất công ích, do UBND thị trấn Tăng Bạt Hổ quản lý. Do đó, không thể đền bù, như yêu cầu của gia đình ông Cần.

Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng giải thích, phần đất khai hoang của gia đình ông Cần là đất do Nhà nước quản lý nhưng vì gia đình khai hoang đã lâu nên chính quyền xem xét, bồi thường theo đơn giá đất nông nghiệp và hỗ trợ chuyển đổi nghề 4 lần. Còn phần đất công ích do UBND thị trấn Tăng Bạt Hổ quản lý, không thể đền bù được.

bb8b0f6e-0b3d-45be-9dba-1f1d96b2878d.jpeg
Lãnh đạo tỉnh Bình Định kiểm tra tiến độ dự án.

"Tôi đến đây đã là cấp cao nhất. Cùng đi có Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách đền bù giải phóng mặt bằng. Tỉnh và các sở, ngành, thanh tra đã xem xét rồi, đơn giá đền bù đã cao nhất, không thể tăng thêm cho gia đình được nữa. Mong gia đình di dời để nhường đất thi công cao tốc Bắc - Nam, phục vụ cho sự phát triển chung của đất nước. Đừng để chính quyền mang người đến cưỡng chế, làm vậy không hay gì. Gia đình mình được áp dụng đơn giá đền bù như thế là đầy đủ rồi, nên chấp hành", ông Hồ Quốc Dũng cho hay.

Theo Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định, gia đình ông Cần được bồi thường, hỗ trợ tổng cộng hơn 1,8 tỷ đồng, nộp tiền bố trí tái định cư 2 lô đất hết khoảng 400 triệu đồng, còn lại hơn 1,4 tỷ đồng, đủ để gia đình xây dựng lại nhà.

"Tôi đã tuyên bố rồi, dân mà khiếu nại tiền đền bù không đủ để xây lại nhà thì bắt ông Giám đốc Sở xây dựng ra xây. Nhưng phần nhà đền bù như vậy thì ổn rồi, đất tái định cư 2 lô cũng ổn rồi, nhiều gần gấp đôi diện tích gia đình đang ở. Đất tái định cư và tiền đền bù đủ để gia đình xây dựng chỗ ở mới tốt hơn chỗ ở cũ", ông Hồ Quốc Dũng nói.

Cuộc đối thoại kéo dài, thậm chí có lúc căng thẳng, nhưng lúc này khi có dấu hiệu được thuyết phục, ông Cần cho biết: "Gia đình đã thu dọn đồ đạc, sẵn sàng di dời. Khi thanh tra có văn bản trả lời khiếu nại, gia đình sẽ chấp hành".

Chỉ 3 ngày sau khi Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng đến tận nhà vận động, hộ gia đình ông Nguyễn Minh Cần đã rút đơn khiếu nại, đồng ý nhận tiền bồi thường hỗ trợ, để nhường mặt bằng sạch thi công cao tốc.

Trong đơn của mình, ông Cần nói lý do: “Sau khi được đối thoại giải thích là đã tính toán đủ, hộ gia đình ông thống nhất chủ trương, chính sách pháp luật, thống nhất với giá trị bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng do Hội đồng bồi thường xác lập và đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ”.

“Người nghèo, xây được cái nhà là cả mồ hôi nước mắt của họ, không thể nói đập là đập”

Trong chuyến đi kiểm tra hiện trường cao tốc Bắc – Nam hồi tháng 5, Bí Thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng đã dành gần 2 giờ đồng hồ, đứng giữa buổi trưa nóng bức, trực tiếp nhận đơn thư, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân ở khu vực Tân Hòa (phường Nhơn Hoà, TX. An Nhơn).

Ông Hồ Quốc Dũng đứng hàng giờ đồng hồ giữa trời nắng nóng, vì ông biết rằng, khu vực này hầu hết người dân là hộ nghèo, hộ khó khăn và đều xây dựng nhà ở trên đất không có sổ đỏ.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý, không lập biên bản, không xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm. Vì đất không có sổ đỏ nên số tiền hỗ trợ theo đúng quy định rất ít ỏi, thậm chí nhiều trường hợp tiền hỗ trợ, không đủ để mua đất tái định cư.

Trực tiếp nhận đơn thư, tâm tư từ người dân, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cam kết, về phía Nhà nước sẽ tiếp tục rà soát, xác minh, làm rõ những kiến nghị của người dân, theo hướng tìm ra những cái gì có lợi cho dân, để giải quyết.

8580059f-a315-4f60-b2f2-ed053737f231.jpeg
Những ngôi nhà mới khang trang trong các khu tái định cư.

"Việc này có lỗi của Nhà nước khi người dân cất nhà nhưng không ai lập biên bản, không ai xử phạt. Nói về lý thì người dân sai nhưng nói về tình, cần tìm hướng vận dụng tất cả các quy định, giải quyết hài hoà. Tỉnh sẽ tiếp tục xác minh làm rõ, để xử lý đúng luật nhưng thấu tình đạt lý, để người dân có chỗ an cư, có tiền dựng nhà để ở. Nếu bà con khó khăn quá, trước mắt có chính sách cho bà con nợ tiền sử dụng đất ở khu tái định cư", ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu.

Là hộ bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc, anh Phan Văn Chất (SN 2001, trú khu vực Tân Hòa) cầm trên tay lá đơn khiếu nại, tố cáo vội trình bày với ông Hồ Quốc Dũng về những bức xúc đối với công tác đền bù, giải tỏa của chính quyền địa phương.

"Cháu và gia đình rất đồng tình di dời nhà để phục vụ cho công trình lợi ích quốc gia, tuy nhiên gia đình cháu mong muốn được đền bù thỏa đáng. Nhà cháu và hàng xóm cùng xây một thời điểm nhưng nhà họ được đền bù còn nhà cháu thì không, như vậy cháu thấy không thỏa đáng", anh Chất nói.

Sau khi lắng nghe nguyện vọng của dân, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định chỉ đạo Thanh tra tỉnh và Sở TN&MT tìm ra phương án có lợi nhất để giải quyết khiếu nại, thực hiện đền bù cho các hộ dân ở đây, không để xảy ra tình trạng so bì trong dân.

"Khi người dân cất nhà, chính quyền địa phương không lập biên bản, không xử phạt, không làm tới nơi chốn. Theo quy định thì họ sai, nhưng không thể đổ hết lỗi cho dân được, vì có lỗi của nhà nước trong việc quản lý.

be2eeb31-9986-4d83-ad6b-8d13ff938b13.jpeg
Trong số các địa phương có dự án cao tốc Bắc – Nam đi qua, Bình Định là một trong những địa phương được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, thực hiện công tác
giải phóng mặt bằng, quyết liệt và hiệu quả nhất.

Ở đây toàn là dân nghèo, xây được cái nhà là cả mồ hôi nước mắt của họ, không thể nói đập là đập. Về lý thì đập nhà, cưỡng chế, nhưng về cái tình thì phải giải quyết cho thấu tình đạt lý, có lợi nhất cho dân", ông Dũng nói.

Khi nghe Bí thư Tỉnh ủy Bình Định giải thích, anh Chất và gia đình đã "gật đầu", hứa sẽ di dời nhà, để nhường đất cho dự án cao tốc.

"Đất của gia đình cháu bị ảnh hưởng một nửa, còn một nửa nằm ngoài hành lang an toàn giao thông của dự án cao tốc. Cháu mong muốn chính quyền địa phương cho gia đình cháu được tiếp tục ở trên phần đất còn lại, vì tiền đền bù hiện tại không đủ để cất nhà", anh Chất đề xuất.

Với phương châm giải quyết sự việc một cách thấu tình đạt lý, đúng quy định pháp luật và luôn đứng về lợi ích hợp pháp, của người dân. Bình Định đã đạt được nhiều kết quả khá quan trọng, trong giải phóng mặt bằng.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Bình Định có chiều dài 118km, với 3 dự án thành phần. Bình Định đã bàn giao xong 100% mặt bằng tuyến chính cao tốc Bắc - Nam cho chủ đầu tư, để đẩy nhanh tiến độ thi công.



THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây 
Ngày đăng: 01.10.2024
Nguồn: CONGLY.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
DVCTT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây