Hiệu quả từ chương trình mục tiêu quốc gia ở miền núi tỉnh Bình Định

Thứ tư - 12/06/2024 11:34 21 0
Những năm qua, các huyện miền núi tỉnh Bình Định được đầu tư nhiều nguồn lực phát triển hạ tầng, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, chăm sóc sức khỏe người dân.

Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều khu dân cư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của các huyện miền núi An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh từng bước đổi thay; Hạ tầng nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt.  

Trước đây, chị Đinh Thị Hòa và con gái của mình sống trong căn nhà sàn đơn sơ, xuống cấp ở thôn 4, xã An Hưng, huyện miền núi An Lão, tỉnh Bình Định. Năm 2023, từ nguồn kinh phí của dự án 1, chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc "chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", gia đình chị Hòa đã được hỗ trợ xây dựng lại nhà mới.

hieu qua tu chuong trinh muc tieu quoc gia o mien nui tinh binh Dinh hinh anh 1
 Người dân thôn 2, xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định dựng nhà ở.
 

Tháng 4/2024, căn nhà cấp 4 xây kiên cố của gia đình chị Hòa được khánh thành đưa vào sử dụng. Hai tháng qua, trong căn nhà mới của gia đình chị Hòa đầy ắp tiếng cười.

Theo chị Đinh Thị Hòa, căn nhà mới giúp chị ổn định cuộc sống, không còn lo lắng về nhà ở. “Trước đây 2 mẹ con ở nhà tôn cuộc sống vất vả. Bây giờ được Nhà nước hỗ trợ làm nhà, hai mẹ con tôi rất cảm ơn. Ngoài ra, Nhà nước cũng tặng gia súc để phát triển kinh tế. Giờ đây tôi cố gắng làm ăn để vươn lên trong cuộc sống”, chị Hòa nói.

Huyện miền núi An Lão, tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả 10 dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ nguồn kinh phí của chương trình này, UBND huyện An Lão đã hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở, tổ chức tái định cư và đầu tư cơ sở hạ tầng.

hieu qua tu chuong trinh muc tieu quoc gia o mien nui tinh binh Dinh hinh anh 2
 Xây dựng hạ tầng giao thông miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp người dân phát triển kinh tế. 

 

Đến nay, huyện này đã hỗ trợ xây dựng hàng trăm căn nhà, đầu tư xây dựng, sửa chữa 16 tuyến đường bê tông liên thôn, đường dẫn vào các khu sản xuất của người dân; xây dựng nhiều tuyến kênh mương nội đồng; hệ thống điện ở xã An Hưng; các thiết chế nhà văn hóa xã An Vinh, An Toàn, An Dũng, An Hưng, An Nghĩa; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 23 hộ ở các xã đặc biệt khó khăn và đầu tư hệ thống nước sinh hoạt tập trung tại xã An Trung. Theo đó, hạ tầng giao thông được kết nối đồng bộ giữa các khu dân cư và khu sản xuất, giúp người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa thuận tiện, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Hiện nay, tại huyện miền núi An Lão đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, cách làm hay trong trồng trọt và chăn nuôi. Huyện An Lão tiếp tục đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn của chương trình; tập trung nguồn lực, chuyển đổi nghề, hỗ trợ sinh kế cho các đối tượng yếu thế, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân.

“Chương trình 1719 lần này tích hợp nên mang vai trò hết sức quan trọng giúp cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển về kinh tế, xã hội, đặc biệt nhận thức về mặt xã hội ở vai trò bình đẳng giới và chăm sóc sức khỏe người dân”, ông Phạm Văn Tâm, Trưởng phòng Dân tộc huyện An Lão, tỉnh Bình Định cho biết.

hieu qua tu chuong trinh muc tieu quoc gia o mien nui tinh binh Dinh hinh anh 3
Xã vùng cao An Toàn, huyện miền núi An Lão, tỉnh Bình Định
 

Cũng như huyện An Lão, huyện miền núi Vĩnh Thạnh có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Địa hình nơi đây đa dạng và phức tạp, không bằng phẳng, chủ yếu là đồi núi, độ cao trung bình từ 500m - 600m, có nhiều sông, suối chia cắt nên việc đi lại còn nhiều khó khăn. UBND huyện Vĩnh Thạnh thành lập ban chỉ đạo, tổ kiểm tra, tổ giúp việc; đồng thời ban hành kế hoạch thực hiện chương trình cho cả giai đoạn, kế hoạch thực hiện hàng năm và kế hoạch thực hiện của từng dự án, tiểu dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Đến nay, nhiều dự án của chương này phát huy hiệu quả, giúp người dân ổn định cuộc sống. Ngoài ra, công tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực luôn được quan tâm. Năm 2024, thực hiện dự án 5 về "Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực", huyện Vĩnh Thạnh đã xây mới 4 phòng học bộ môn ở Trường Phổ thông Dân Bán trú THCS Vĩnh Sơn; Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Vĩnh Kim; hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai chương trình ở các cấp.

Ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết, địa phương tăng cường bám sát địa bàn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác quản lý vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đối với cán bộ cơ sở. Huyện tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, cán bộ làm công tác giảm nghèo; Gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai và giải ngân vốn thực hiện chương trình. 

“Đối với chương trình này có 10 dự án, 4 tiểu dự án và 36 nội dung. Qua triển khai trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh mang lại hiệu quả rất thiết thực cho bà con. Bước đầu anh em cán bộ và bà con cũng còn bở ngỡ, được sự hướng dẫn của cấp trên nên làm rất thông suốt và đẩy nhanh tiến độ. Về công tác truyền thông chính sách này, chúng tôi thành lập các tổ, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhất là tuyên truyền trực tiếp đối với bà con nhân dân. Công tác tuyên truyền là một trong những yếu tố rất quan trọng để bà con thấy rõ được lợi ích từ chương trình này”, ông Lê Minh Thông nói.

Tỉnh Bình Định phấn đấu đến năm 2025, 100% số xã ở các huyện miền núi có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông, trên 95% số thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. Các địa phương miền núi ở tỉnh này xây dựng cầu dân sinh kiên cố nhằm tăng cường tính kết nối, liên kết giữa các xã đặc biệt khó khăn với các khu vực xung quanh, giúp phát triển bền vững và góp phần xây dựng nông thôn mới. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 sẽ tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân. Ðây được xem là “đòn bẩy” quan trọng góp phần thúc đẩy và nâng cao hơn nữa đời sống nhân dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

hieu qua tu chuong trinh muc tieu quoc gia o mien nui tinh binh Dinh hinh anh 4
Dự án khu dân cư cho người dân chưa có đất ở của xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định
 

Ông Đinh Văn Lung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định cho biết, phát triển hạ tầng giao thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ góp phần tạo thuận lợi cho bà con sản xuất và giao thương hàng hóa, mở ra cơ hội cho bà con. Hiện nay, một số dự án, tiểu dự án của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ để chương trình hiệu quả hơn.

“Tỉnh đã có nhiều chủ trương, đặc biệt đối với 3 cơ quan thường trực thực hiện chương trình này và cũng như các cấp, các ngành liên quan đến các vướng mắc, khó khăn này đơn giản hóa hoặc tham mưu, đề xuất để thực hiện vướng mắc, khó khăn. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, cái nào thuộc thẩm quyền của tỉnh thì phải báo cáo cho UBND tỉnh để có sự chỉ đạo, cái nào thuộc về thẩm quyền của Trung ương của các bộ ngành thì chúng tôi cũng gửi cho các bộ, ngành”, ông Lung nói.



THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây 
Ngày đăng: 12.6.2024
Nguồn: VOV.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
DVCTT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây