Nỗ lực đưa nước sinh hoạt đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ hai - 23/09/2024 12:10 10 0
Thực hiện Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương miền núi trong tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng nhiều hệ thống nước sinh hoạt tập trung, phân tán cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống.
Nước sạch về làng

Những năm trước đây, gần 85 hộ/750 nhân khẩu là người dân tộc Bana ở làng Kà Nâu, xã Canh Liên (huyện Vân Canh) thường phải sử dụng nguồn nước suối để tắm giặt, ăn uống. Vào những tháng nắng nóng đỉnh điểm, nhiều người dân trong làng phải chia từng nhóm nhỏ trèo đèo, vượt núi để lấy từng can nước từ những con suối, khe núi cao về dùng, nhưng nguồn nước cũng không đảm bảo.
 
Người dân làng Kà Nâu, xã Canh Liên (huyện Vân Canh) sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, ổn định từ hệ thống nước tự chảy suối Đác Toát. Ảnh: D.Đ
 
Nhằm giúp người dân làng Kà Nâu có nguồn nước sử dụng ổn định và lâu dài, cuối tháng 3.2023, từ nguồn vốn của Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, UBND xã Canh Liên đã đầu tư gần 2,75 tỷ đồng xây dựng hệ thống nước tự chảy suối Đác Toát, với các hạng mục như: Đập dâng nước; hệ thống đường ống dẫn nước; các cụm bể lắng, lọc và chứa nước; 35 trụ vòi; tường rào… Hiện công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Chị Đinh Thị Nhớt (dân tộc Bana, ở làng Kà Nâu) vui mừng cho hay: “Từ ngày có hệ thống nước sinh hoạt tự chảy, gia đình tôi đã xin được đấu nối đường ống trực tiếp, lấy nước về tận nhà sử dụng. Việc giặt giũ, tắm rửa, sinh hoạt hằng ngày nay thuận tiện, dễ dàng hơn”.
Phó Chủ tịch UBND xã Canh Liên Đinh Văn Hải cho biết, tại nhiều làng trong xã, các hộ dân không thể đào được giếng vì vướng đá ngầm. Về mùa khô, lượng mưa ít nên các dòng chảy thường xuyên cạn nước, người dân thiếu nước sinh hoạt. Từ khi có hệ thống nước tự chảy, người dân có nguồn nước sử dụng ổn định, học sinh không còn ra tắm suối, góp phần hạn chế tình trạng đuối nước. Thời gian tới, xã tiếp tục khảo sát lại nguồn nước ở suối Đác Toát, nếu nguồn nước ổn định, sẽ dẫn đường ống nước sinh hoạt hỗ trợ cho người dân làng Kà Bưng, Kà Bông...
Còn tại xã Bok Tới (huyện Hoài Ân), từ nguồn vốn của Dự án 1, từ năm 2022 đến nay, UBND xã đã hỗ trợ thiết bị nước sinh hoạt phân tán cho 98 hộ dân tại các làng trong xã (mức hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ), gồm 93 bồn chứa nước và khoan, đào 5 giếng nước.
Chị Đinh Thị Thích (dân tộc Bana, ở thôn T2) chia sẻ: “Từ khi được chính quyền quan tâm hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, gia đình đã tự đối ứng để đào giếng, lấy nước dùng hằng ngày. Có nguồn nước sử dụng ổn định, chúng tôi có nhiều thời gian tập trung cho lao động sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”.

Phấn đấu 90% người dân sử dụng nước hợp vệ sinh

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vân Canh Nguyễn Xuân Việt thông tin, trong năm 2023, từ nguồn vốn của Dự án 1, huyện đã phân bổ cho các địa phương hơn 3,1 tỷ đồng, xây dựng 1 công trình nước sinh hoạt tự chảy; đầu tư thiết bị nước sinh hoạt phân tán cho 118 hộ dân tại các xã Canh Liên, Canh Hòa, Canh Thuận,... giúp các hộ tiếp cận, sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, đảm bảo sức khỏe, qua đó nâng tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh tại khu vực nông thôn, miền núi.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân, giai đoạn từ năm 2022 đến nay, huyện cũng đã phân bổ hơn 657 triệu đồng hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 219 hộ dân tại các xã Bok Tới, Đak Mang, Ân Sơn; hỗ trợ 3,8 tỷ đồng đầu tư nâng cấp, sửa chữa hệ thống nước sạch tự chảy tại xã Đak Mang, khắc phục tình trạng thiếu hụt nước sinh hoạt cho các hộ dân.
“Để quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả công trình nước sinh hoạt, UBND huyện chỉ đạo các xã thành lập tổ quản lý tại các thôn, làng. Đồng thời xây dựng quy chế hoạt động, đôn đốc các tổ quản lý, vận hành, duy tu, sửa chữa công trình, đảm bảo việc cấp nước sinh hoạt cho người dân, cũng như các công trình được sử dụng lâu dài, hiệu quả nhất”, ông Phong nói.
Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bùi Tiến Dũng cho biết: Từ nguồn vốn của Dự án 1, nhiều công trình nước sạch đã được xây dựng, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Giai đoạn 2022 - 2024, từ nguồn vốn đầu tư của dự án, các huyện Vân Canh, Hoài Ân, An Lão xây dựng 3 công trình nước sinh hoạt tập trung, với tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng; hỗ trợ hàng trăm thiết bị nước sinh hoạt phân tán, giúp cho hàng trăm hộ dân ở miền núi có nguồn nước sinh hoạt ổn định.
Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá các công trình hệ thống nước tự chảy; tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình cấp nước, hỗ trợ thiết bị nước sinh hoạt phân tán cho người dân; tăng cường truyền thông, vận động các hộ dân bảo vệ, sử dụng tiết kiệm nguồn nước và các công trình cấp nước ở từng khu vực, phấn đấu đến năm 2025, có trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.



THÔNG TIN NGUỒN TIN
Link bài viết tại đây 
Ngày đăng: 22.9.2024
Nguồn: BAOBINHDINH.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
DVCTT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây