· Thưa ông, thời gian qua, hoạt động phát triển thương mại điện tử (TMĐT) tại Bình Định có những bước tiến nào đáng chú ý?
|
|
|
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Đình Kha. Ảnh: NVCC |
|
|
- TMĐT tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật, như: Chỉ số TMĐT năm 2024 xếp thứ 26/63 tỉnh thành, tăng 2 bậc so với 2023 và đứng thứ 6/15 trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Các chỉ số khác cũng cải thiện rõ rệt. Cụ thể, chỉ số về nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ đứng thứ 15/63 (tăng 4 bậc), trong khi chỉ số giao dịch giữa DN với người tiêu dùng xếp thứ 30/63 (tăng 3 bậc) và giao dịch giữa DN với DN ở vị trí 25/63 (tăng 3 bậc). Đến cuối năm 2023, tỉnh có 4.187 website tên miền “.vn”, xếp thứ 16/63 toàn quốc. Điều này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT tại Bình Định.
· Mặc dù có những bước tiến đáng kể, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn tồn tại. Theo ông, những rào cản chính trong việc phát triển TMĐT tại tỉnh là gì?
- Đúng vậy, dù TMĐT đã mang lại những bước tiến quan trọng, các DN vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những khó khăn lớn nhất là hạn chế về nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ. Nhiều DN chưa có đội ngũ chuyên môn đủ mạnh về TMĐT, dẫn đến việc thiếu sót trong hoạch định chiến lược và triển khai thực tế. Hầu hết các website của DN chỉ tập trung vào quảng bá sản phẩm mà chưa tích hợp đầy đủ các tính năng như thanh toán trực tuyến hay vận chuyển, điều này làm giảm hiệu quả kinh doanh.
Số lượng DN có đội ngũ chuyên trách về TMĐT còn rất ít. Nhiều đơn vị gặp khó khăn trong việc quản lý website, vận hành trên các sàn TMĐT, phát triển chiến lược marketing và chăm sóc khách hàng. Việc tham gia vào các sàn TMĐT quốc tế lớn như Alibaba hay Amazon còn hạn chế, phần lớn do lĩnh vực logistics tại tỉnh chưa phát triển đủ mạnh để hỗ trợ các giao dịch lớn.
Ngoài ra, vấn đề thống kê và quản lý dữ liệu cũng là một rào cản. TMĐT hiện đang diễn ra trên nhiều nền tảng khác nhau, từ sàn TMĐT đến các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram. Việc thiếu cơ chế thống kê cụ thể trên các nền tảng này khiến việc quản lý doanh thu, tỷ trọng và số lượng giao dịch trở nên khó khăn. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý của nhà nước cũng như sự phát triển bền vững của TMĐT tại địa phương.
· Vậy việc tổ chức triển lãm và hội thảo về định hướng phát triển TMĐT khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần này có nhằm mục đích tháo gỡ những khó khăn đã đề cập không?
- Hẳn như vậy! Các hoạt động TMĐT trong khuôn khổ Chương trình phát triển TMĐT quốc gia năm 2024 tại Bình Định được tổ chức nhằm định hướng và kết nối các DN trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên với mạng lưới TMĐT toàn quốc. Sự kiện này là cơ hội quý báu cho DN địa phương và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực TMĐT cùng hợp tác, chia sẻ tài nguyên, công nghệ và kinh nghiệm để thúc đẩy ứng dụng TMĐT vào sản xuất và kinh doanh một cách hiệu quả.
Thanh toán không dùng tiền mặt dần trở nên phổ biến khi mua bán hàng hóa. Ảnh: T.LỢI
Chúng tôi hy vọng rằng các đơn vị trong lĩnh vực TMĐT sẽ đóng góp nhiều ý kiến thiết thực nhằm hỗ trợ phát triển TMĐT tại Bình Định nói riêng và toàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung. Ngành Công Thương và UBND tỉnh rất muốn giúp các DN khai thác triệt để tiềm năng và lợi thế của vùng, nâng cao kỹ năng vận hành TMĐT, cũng như phát triển thương hiệu sản phẩm.
· Tỉnh Bình Định phấn đấu đến năm 2030 doanh thu từ TMĐT sẽ chiếm từ 10,5 - 11% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ, với 40% - 45% DN tham gia các sàn TMĐT. Để hiện thực hóa mục tiêu này, theo ông cần có giải pháp gì?
- Để đạt được những mục tiêu đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố then chốt. Chúng tôi cần tổ chức các khóa tập huấn chuyên sâu về kỹ năng tham gia và bán hàng trên các sàn TMĐT, cũng như kỹ năng bảo đảm an ninh, an toàn trong môi trường số. Những khóa học này sẽ được thiết kế dành riêng cho các nhóm đối tượng khác nhau như quản lý nhà nước, nông dân, HTX và hộ kinh doanh.
Tiểu thương được tập huấn livestream bán hàng. Ảnh: KIỀU VY
Ngoài ra, mở rộng ứng dụng TMĐT đến các vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng là nhiệm vụ cấp bách, nhằm giúp họ tiếp cận công nghệ mới, tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất và kinh doanh. Tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng các kênh phân phối hiện đại và quảng bá đặc sản địa phương trên các nền tảng lớn như Shopee, TikTok Shop. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức các sự kiện quảng bá để thu hút người tiêu dùng.
Tăng cường kết nối với các DN xuất khẩu và quốc tế thông qua các sàn TMĐT xuyên biên giới như Amazon và Alibaba cũng là một giải pháp thiết thực để đưa sản phẩm của Bình Định vươn ra thế giới. Sự hỗ trợ từ các ngân hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng chữ ký số, hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.
· Cuối cùng, ông có thể cho biết thêm về những hoạt động tại triển lãm và hội thảo lần này?
- Triển lãm công nghệ TMĐT và hội thảo hướng dẫn kết nối DN với các đơn vị TMĐT trong cả nước đã thu hút 28 đơn vị cung cấp giải pháp từ khắp nơi, gồm các sàn TMĐT, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, DN chuyển phát và các đơn vị hỗ trợ công nghệ. Đồng thời, có 45 đơn vị hiệp hội và DN đăng ký trưng bày sản phẩm, trong đó có 26 DN từ miền Trung - Tây Nguyên…
Ngoài ra, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương tổ chức hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển TMĐT tại Bình Định và các tỉnh Bắc Trung Bộ - Duyên hải miền Trung. Đào tạo và hướng dẫn livestream trên nền tảng Shopee và Mega Livestream, nhằm quảng bá và giới thiệu các sản phẩm OCOP cùng sản phẩm đặc trưng của tỉnh Bình Định trong không gian triển lãm.
· Xin cảm ơn ông!